TikTok tìm cách trì hoãn lệnh cấm tại Mỹ

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:40, 10/12/2024

Ngày 9/12, ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok, đã gửi đơn lên tòa án phúc thẩm tại Mỹ yêu cầu tòa án tạm hoãn thi hành một đạo luật có thể buộc công ty thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025.
Chuyển động ICT

TikTok tìm cách trì hoãn lệnh cấm tại Mỹ

TH 10/12/2024 11:40

Ngày 9/12, ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok, đã gửi đơn lên tòa án phúc thẩm tại Mỹ yêu cầu tòa án tạm hoãn thi hành một đạo luật có thể buộc công ty thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025.

tiktok.jpg

Hồi tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một dự luật yêu Công ty ByteDance (trụ sở Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi mạng xã hội TikTok ở Mỹ trước ngày 19/1/2025. Nếu không tuân thủ, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ.

Đạo luật được ký ban hành nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi các nhà lập pháp Mỹ lo ngại dữ liệu về người Mỹ có thể bị khai thác khi họ sử dụng ứng dụng TikTok.

Vào tháng 5, TikTok đã đệ đơn kiện yêu cầu tòa án Mỹ về đạo luật. TikTok cho rằng đạo luật của chính quyền Tổng thống Joe Biden vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ.

Nhưng vào ngày 6/12, theo giờ địa phương, Tòa phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết về vụ kiện, giữ nguyên luật do chính quyền Tổng thống Biden đưa ra và yêu cầu ByteDance thoái vốn TikTok.

Phán quyết từ tòa án phúc thẩm bác bỏ lập luận của TikTok và một số người dùng, cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ.

Trong đơn đệ trình lên tòa án phúc thẩm, ByteDance nhấn mạnh rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến hơn 170 triệu người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ. Trong đơn, các luật sư của TikTok lập luận rằng việc ngừng hoạt động nền tảng sẽ làm suy giảm giá trị công ty mẹ ByteDance và ảnh hưởng tiêu cực đến hàng trăm doanh nghiệp Mỹ sử dụng TikTok để thúc đẩy doanh thu.

Luật cấm TikTok được thông qua nhằm ngăn chặn các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, thu thập dữ liệu của người Mỹ. Nếu không tuân thủ việc thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance, TikTok có thể bị cấm hoàn toàn tại Mỹ, đặt ra rủi ro lớn về tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp dựa vào nền tảng này. Theo đó, các dịch vụ bảo trì và cập nhật từ hàng trăm nhà cung cấp tại Mỹ cũng sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cả người dùng toàn cầu.

Trước đó, năm 2020, chính quyền Trump cũng đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng WeChat và QQ Wallet của Tencent sở hữu, tuy nhiên sau đó các tòa án liên bang đã chặn lệnh cấm này.

Nếu lệnh cấm được áp dụng, TikTok không chỉ phải đối mặt với thiệt hại tài chính mà còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài khác tại Mỹ. Ngược lại, nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Trump can thiệp kịp thời, TikTok có thể thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ, mở đường cho việc tái định hình chính sách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc./.

TH