Xu hướng chuyển đổi số, giảng viên báo chí cũng phải làm chủ công nghệ
Truyền thông - Ngày đăng : 17:03, 10/12/2024
Xu hướng chuyển đổi số, giảng viên báo chí cũng phải làm chủ công nghệ
Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo báo chí - truyền thông trong thời kỳ chuyển đổi số, giảng viên các trường đào tạo cần nâng cao tính chủ động trong bắt kịp và làm chủ kiến thức, kỹ năng mới về công nghệ số phù hợp.
Trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số (CĐS) đang tạo ra biến đổi toàn diện mọi lĩnh vực, trong đó có ngành báo chí - truyền thông. Sự phát triển đột phá của công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo ra môi trường truyền thông mới, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với ngành báo chí - truyền thông vốn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng.
Đứng trước hiện thực đó, công tác đào tạo tại các trường đại học (ĐH) về các mảng báo chí - truyền thông, quảng cáo, quan hệ công chúng... cần phải thích ứng để đưa những kiến thức và kỹ năng này vào trong chương trình đào tạo, nhằm theo kịp xu thế đào tạo nhân lực cho thị trường lao động hiện tại.
Đặc biệt, để đáp ứng được nhu cầu đào tạo báo chí - truyền thông trong thời kỳ CĐS, giảng viên các trường đào tạo báo chí - truyền thông cần nâng cao tính chủ động trong bắt kịp và làm chủ kiến thức, kỹ năng mới về công nghệ số phù hợp.
Nắm vững, chủ động cập nhật công nghệ mới để giảng dạy
Trao đổi vấn đề này với PV Tạp chí TT&TT, TS. Lưu Trần Toàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: CĐS đã và đang tác động sâu sắc đến ngành báo chí - truyền thông, đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đào tạo lại và phát triển kỹ năng mới cho các nhà báo và chuyên gia truyền thông.
Để theo kịp xu hướng CĐS trong đào tạo kiến thức và kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên báo chí - truyền thông, giảng viên ngoài yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải nắm vững công nghệ mới để giảng dạy kiến thức.
Theo đó, giảng viên cần hiểu rõ về các công nghệ mới và cách sử dụng trong giảng dạy trong đào tạo báo chí - truyền thông. Trong xu thế đa phương tiện hiện nay, video, âm thanh, hình ảnh, infographic đang là phương tiện chung cho nhiều nhóm ngành nghề liên quan không chỉ báo chí mà còn trong các lĩnh vực như PR, quảng cáo, điện ảnh…
Giảng viên cần làm chủ về kỹ năng, kiến thức và có phương pháp giảng dạy tốt nhóm các phần mềm biên tập video chuyên nghiệp như: Adobe Premiere, Final Cut Pro, Cyberlink PowerDirector 365; các phần mềm biên tập âm thanh Adobe Audition,… giúp tạo ra các sản phẩm đa phương tiện chất lượng cao như video, podcast, phóng sự âm thanh, và trải nghiệm tương tác hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cũng cần nắm bắt các phần mềm dàn trang phục vụ sản phẩm truyền thông in ấn hoặc kỹ thuật số như Brochure, tạp chí như Adobe InDesign; các phần mềm biên tập ảnh như Adobe Photoshop, Adobe Lightroom, và các phần mềm sáng tạo, thiết kế đồ họa, Infographic, Digital Painting (vẽ kỹ thuật số) như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Krita, Gimp hoặc vẽ trên máy tính bảng iPad như Procreate.
Ngoài các phần mềm chuyên nghiệp cũng có các phần mềm cho người không chuyên như thiết kế đồ họa với nhiều mẫu có sẵn đối với tờ gấp, tờ rơi, poster như Canvas, Piktochart, Adobe Spark, biên tập video như Capcut, Pictory AI, Runaway cho phép tạo ra đồ họa, biểu đồ, Infographic và các tác phẩm nghệ thuật khác một cách dễ dàng mà không cần kỹ năng chuyên môn sâu.
Giảng viên cũng cần cung cấp cho người học về kiến thức, kỹ năng về phần mềm sử dụng dữ liệu người dùng để phân tích và điều chỉnh chiến lược kịp thời. Bằng cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu độc lập như Brand24, Google Analytics, Pr.co, Meltwater, CoverageBook cho đến các công cụ đo lường tích hợp sẵn trên các nền tảng MXH, người quản lý có thể theo dõi và đo lường tác động của chiến dịch, hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu để cải thiện kết quả…
Giảng viên cần hướng dẫn người học sử dụng đúng mục đích các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng của nó trong các công đoạn hỗ trợ các khâu trong truyền thông.
Giảng viên giúp người học nhận ra được cách sử dụng AI như là một công cụ hỗ trợ chứ không phải AI thay thế được hoàn toàn công việc của con người.
Công nghệ thay đổi nhanh chóng. Theo đó, TS. Lưu Trần Toàn cho rằng giảng viên cần chủ động cập nhật kiến thức và kỹ năng liên quan tới các xu hướng mới trong lĩnh vực báo chí - truyền thông và công nghệ số. Giảng viên cần tham gia các khóa học, hội thảo, sách, báo, tạp chí chuyên ngành cũng như có cơ hội đi thực tế nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động có ứng dụng các công nghệ đó để được trải nghiệm thực tế.
Ngoài các nguồn chính thống và bài bảng, giảng viên cần chủ động tham gia các cộng đồng trực tuyến hoặc ngoại tuyến liên quan đến truyền thông số trên Facebook, diễn đàn như Reddit, Quora, LinkedIn để kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với những người đồng nghiệp và chuyên gia trong ngành.
Đưa công nghệ vào giảng dạy
Từ việc nắm vững, cập nhật công nghệ mới để giảng dạy, giảng viên cần đưa công nghệ vò giảng dạy. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo mở rộng (AR) đang được ứng dụng mạnh mẽ trong truyền thông nên giảng viên và trường ĐH cần đầu tư và ứng dụng trong giảng dạy kỹ năng cho sinh viên trong các khâu sản xuất phim, sản xuất video để thử nghiệm các môi trường như góc camera, ánh sáng trước khi thực hiện quay video, trong sử dụng tăng tính tương tác và tính hấp dẫn trong nội dung trên MXH như Snapchat, Instagram, và Facebook có bộ lọc Filter sử dụng AR để áp dụng vào bài đăng và tin 24h (stories).
Giảng viên sử dụng công nghệ để tạo ra các bài học đa phương tiện như các bài giảng video được quay, thu âm sẵn, các bài dạng podcast đối với một số nội dung phù hợp nhằm nâng cao tính tự giác và hứng thú cho người học...
Cùng với đó, tận dụng các công cụ trực tuyến với trò chơi như Kahoot, quizizz.com có thể dùng để sinh viên tìm hiểu các khái niệm, các vấn đề lý thuyết cơ bản và làm bài kiểm tra trắc nghiệm, các bài mô phỏng trong phòng ảo với kết quả ngay lập tức.
Giảng viên cũng cần tăng cường giao các bài tập, dự án trên nền tảng trực tuyến nhằm kích thích sự sáng tạo và thích thú cho sinh viên. Đồng thời, sử dụng công nghệ số để chấm điểm và nền tảng để sinh viên phản hồi đánh giá bài giảng, từ đó có cơ sở điều chỉnh.
Tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 6/2024, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nêu rõ: Một trong những thách thức lớn nhất mà các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hiện nay phải đối mặt là việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của thế giới số hóa.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, tích hợp công nghệ vào giảng dạy không chỉ đơn giản là việc sử dụng các công cụ số trong lớp học mà còn liên quan đến việc tái cấu trúc chương trình giảng dạy để phản ánh những thay đổi trong ngành.
Việc tích hợp công nghệ vào giáo dục báo chí - truyền thông cũng đòi hỏi một sự chuyển đổi trong phương pháp giảng dạy. Giảng viên cần phải trở thành những người hướng dẫn, khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án thực tế, sử dụng công nghệ để tạo ra nội dung đa phương tiện và tương tác với khán giả thông qua các nền tảng trực tuyến và MXH, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho hay./.