Phát triển công nghiệp văn hóa: Động lực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Truyền thông - Ngày đăng : 15:13, 10/12/2024
Phát triển công nghiệp văn hóa: Động lực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Công nghiệp văn hóa được xem là một lĩnh vực chiến lược trong nền kinh tế hiện đại, đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm, và thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa như một phần của chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia.
Việt Nam tự hào với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng, trải rộng từ các di sản văn hóa phi vật thể đến các làng nghề truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Đây là thành quả từ hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, và cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nền văn hóa này cũng là kết quả của sự giao lưu, tiếp thu tinh hoa từ nhiều nền văn hóa thế giới, không ngừng hoàn thiện và phát triển.
Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm sản xuất, phân phối, và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và truyền thông, đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh từ các hàng hóa văn hóa nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ, … việc phát triển các sản phẩm văn hóa mang giá trị gia tăng, độc đáo và có sức cạnh tranh quốc tế là yêu cầu cần thiết để khẳng định vị thế và giá trị văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tư duy sắc bén, lựa chọn tinh hoa
Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nêu rõ, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia.
Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, cần tập trung vào việc ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với việc nâng cao kỹ năng kinh doanh và năng lực sáng tạo. Việc này đòi hỏi phát huy tối đa nguồn vốn văn hóa và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, và địa phương thường xuyên tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Bộ cũng chủ động phối hợp xây dựng các phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ưu tiên phát triển. Trong kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, và du lịch văn hóa, nhằm khai thác tiềm năng và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa.
Tiêu biểu cho bước tiến trong lĩnh vực điện ảnh là bộ phim Cha Cõng Con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim đã vượt qua hàng nghìn tác phẩm từ nhiều quốc gia, giành giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Iran lần thứ 36. Lấy bối cảnh chính tại Bắc Mê (Hà Giang), bộ phim khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam với những cánh rừng xanh bạt ngàn, dòng sông Gâm thơ mộng cùng câu chuyện cảm động về tình cha con, mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc.
Bộ phim đã được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế, nhận được sự đón nhận tích cực nhờ hình ảnh văn hóa độc đáo và nội dung chạm đến cảm xúc khán giả toàn cầu. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ rằng đây là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để quảng bá văn hóa và con người Việt Nam: “Tôi tin rằng vẻ đẹp tâm hồn giản dị của bộ phim cùng cảnh sắc Việt Nam sẽ chinh phục bạn bè quốc tế”.
Ngoài điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, cũng được coi là ngành có nhiều tiềm năng phát triển hướng đến đóng góp chính vào việc hoàn thành mục tiêu của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, động lực quảng bá văn hóa quốc gia, hướng tới gia tăng giá trị đóng góp 7% vào GDP.
Thúc đẩy sử dụng nền tảng số
Để đạt được mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành động lực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc phát triển các sản phẩm văn hóa và tận dụng các nền tảng kỹ thuật số. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp các sản phẩm của làng nghề Việt Nam tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội quảng bá văn hóa đất nước.
Việc đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí) mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới cũng đang được quan tâm. Ngành này đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự gia tăng các công ty phát triển game nội địa và những sản phẩm đã vươn ra thế giới.
Các nhà phát triển game Việt Nam bắt đầu chú trọng đến việc tích hợp các yếu tố văn hóa dân tộc vào trò chơi, mang đến những trải nghiệm độc đáo, vừa giữ gìn bản sắc, vừa hòa nhập với xu thế toàn cầu. Các trò chơi không chỉ có giá trị giải trí mà còn góp phần bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam, khiến chúng trở nên sống động và gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngoài ra, sử dụng công nghệ để áp dụng sản xuất các ứng dụng, sản phẩm du lịch trực tuyến, giúp công chúng khắp nơi trên thế giới thuận tiện hơn trong việc theo dõi, tham gia tìm hiểu văn hóa Việt Nam thông qua một số loại hình. Ví dụ như biểu diễn tranh sơn mài, nghệ thuật trà Việt, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, …
Thúc đẩy nền tảng số đóng vai trò quan trọng, phát huy tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm phát triển hạ tầng công nghiệp văn hóa, gia tăng khả năng tiếp cận của đại chúng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Từ nay đến đầu năm 2026, Việt Nam cũng có kế hoạch tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa, ví dụ như:
Hoàn thành xây dựng và tổ chức, duy trì hoạt động của chuyên trang nội dung về công nghiệp văn hóa trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan;
Tập trung nguồn lực đầu tư một số trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, có chính sách riêng đối với những trung tâm này nhằm thu hút các tài năng sáng tạo công nghiệp văn hóa và thuận lợi hơn trong công tác quản lý;
Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền và xuất bản sách giới thiệu về các ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử)./.