Ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Truyền thông - Ngày đăng : 15:15, 30/11/2024

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” được Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021) không phải là một trường phái ngoại giao mới mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.
Truyền thông

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Tú Anh 30/11/2024 15:15

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” được Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021) không phải là một trường phái ngoại giao mới mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.

co.png

Những thành tựu đối ngoại và dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong một bài trả lời phỏng vấn vào tháng 7/2024, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta đã tạo dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách đối ngoại cũng như khuôn khổ quan hệ với các nước. Có lẽ chưa có giai đoạn nào mà Bộ Chính trị và Ban Bí thư lại có nhiều nghị quyết, chỉ thị và kết luận quan trọng về đối ngoại như các nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã hệ thống hóa một cách toàn diện triết lý đối ngoại của cha ông ta, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng, đúc kết nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Tư tưởng, triết lý đối ngoại này đã đi sâu vào nhận thức và trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

Khái niệm ngoại giao “cây tre Việt Nam” được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tiếp đến, trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021), cố Tổng Bí thư nhắc lại nhưng có bổ sung thêm rằng “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Và cụm từ này được nhắc đến nhiều trong 3 năm trở lại đây mỗi khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 14/12/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Ngày 19/12/2023, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh về trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo, nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái, nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 20/6/2024. (Ảnh VGP).

Theo khắc họa khái quát của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” được hình thành trong thời kỳ đổi mới gần 40 năm qua. Trường phái này được Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.

Như vậy, đề cập đến trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” chính là đề cập đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như các hoạt động đối ngoại, ngoại giao của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới.

Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương trong bài viết “Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước” đăng tải trên Tạp chí Cộng sản ngày 6/6/2024, đã viết: “Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, việc Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa đã tạo nên sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngay từ khi định hình đường lối đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với thực lực, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng mà Việt Nam có quan hệ.

Sự uyển chuyển trong chính sách và các bước đi đối ngoại của Việt Nam không phải là sự ngả nghiêng, thực dụng, vô nguyên tắc, mà là sự sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược trên cơ sở kiên định về chiến lược nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.

Chỉ trên cơ sở giữ vững nguyên tắc và kiên định về chiến lược mới có thể sáng tạo, năng động và linh hoạt về sách lược. Đồng thời, sự sáng tạo, năng động và linh hoạt về sách lược giúp cho việc triển khai, thực hiện chiến lược đạt hiệu quả cao.

“Thực tiễn đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới thể hiện rõ sự bám chắc vào lợi ích quốc gia - dân tộc, sự kiên định và nhất quán về đường lối, sự sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược và trong từng bước đi, đối sách cụ thể; tạo thành ba nét đặc sắc của trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”, như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát: “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Về định vị Việt Nam trong thế giới ngày nay và xác định tâm thế đối ngoại của Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, từ thời điểm ban đầu hết sức khiêm tốn khi tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” (Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII) đã phát triển thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội IX), rồi “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” (Đại hội X), “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI) và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”…/.

Tú Anh