Doanh nghiệp Việt cần làm gì để ứng dụng AI hiệu quả trong quản lý nhân sự?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 23:00, 10/12/2024
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để ứng dụng AI hiệu quả trong quản lý nhân sự?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa quy trình tuyển dụng trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực nhân sự, nơi sự kết nối giữa con người là yếu tố cốt lõi, AI đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các chuyên gia nhân sự.
Trái ngược với nhiều quan điểm, AI không hề thay thế những người làm nghề nhân sự, mà giúp họ làm việc hiệu quả hơn thông qua việc giảm tải các công việc thủ công, lặp đi lặp lại.
Xu hướng áp dụng AI trong quản lý nhân sự trên toàn thế giới
Deel – nền tảng quản lý nhân sự và tiền lương sử dụng AI để tinh giản quy trình tuyển dụng và mang lại trải nghiệm tìm kiếm ứng viên hiệu quả hơn. AI hỗ trợ Deel sàng lọc sơ yếu lý lịch (CV) ban đầu, cũng như trong vài trò là “trợ lý thông minh” (co-polilot) trong các buổi phỏng vấn.
Xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực nhân sự không chỉ diễn ra tại Deel, mà còn ở nhiều doanh nghiệp (DN) khác ở mọi nơi trên thế giới. Deel đã thực hiện Khảo sát Lãnh đạo DN khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Lực lượng lao động và Tuyển dụng (APAC's Business Leader Pulse Check: Workforce and Hiring) trên hơn 1.000 nhà tuyển dụng tại các thị trường Singapore, Hồng Kông, Úc và Ấn Độ. Kết quả khảo sát cho thấy 54% DN tại Singapore đã ứng dụng AI trong hoạt động nhân sự. Trong khi đó, tại Mỹ, AI đang thay đổi cách các tổ chức, DN tuyển dụng và phát triển lực lượng lao động.
AI mang lại lợi thế cho DN nhỏ và vừa (SMBs)
AI đang nhanh chóng thay đổi lĩnh vực nhân sự, trở thành ưu tiên chiến lược đối với các DN với nhiều quy mô khác nhau. Trước đây, các tập đoàn lớn thường có lợi thế nhờ nguồn lực dồi dào, kiến thức nội bộ và danh tiếng thương hiệu.
Tuy nhiên, AI đang tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, đặc biệt đối với các SMB, bằng cách “dân chủ hóa” khả năng tiếp cận thông tin và tự động hóa. Các SMB giờ đây có thể sử dụng AI để sàng lọc hồ sơ, tiến hành các buổi phỏng vấn ban đầu và phân tích dữ liệu ứng viên một cách hiệu quả. Nhờ tự động hóa, các SMB có thể tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với ứng viên tiềm năng, đẩy nhanh quy trình tuyển dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường nhân tài toàn cầu.
AI còn giúp các DN quản lý đội ngũ nhân sự xuyên biên giới một cách dễ dàng hơn, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin nhân sự thế giới.
Nâng cao kỹ năng để ứng dụng AI
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tận dụng “đà” chuyển đổi số cùng với AI. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm, từ 547 triệu USD (13,8 nghìn tỷ đồng) năm 2023 lên hơn 2 tỷ USD (50,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2032, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và những chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty mạng và bảo mật CISCO, tỷ lệ DN Việt Nam sẵn sàng hoàn toàn cho việc áp dụng AI lại giảm từ 27% năm 2023 xuống còn 22% năm 2024. Điều này cho thấy các DN tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc triển khai và áp dụng AI. Để thu hẹp khoảng cách này, DN cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của nhân viên trong nhiều ngành nghề; đặc biệt là lĩnh vực nhân sự. Việc áp dụng AI không chỉ mang lại giá trị rõ rệt cho DN, mà còn góp phần khuyến khích việc ứng dụng công nghệ này trên quy mô rộng hơn.
Việc triển khai AI hiệu quả đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp. Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về phát triển AI và kinh nghiệm ứng dụng AI. Đây không phải vấn đề riêng của Việt Nam. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 70% các tổ chức cho biết đang gặp khó khăn vì thiếu nhân sự AI đủ năng lực.
Khi AI ngày càng được tích hợp sâu vào hoạt động kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia AI cũng tăng cao. Để giải quyết thách thức này, các DN cần đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng nhân viên. Đồng thời, các tổ chức, DN cần mở rộng tiếp cận nguồn nhân lực toàn cầu. Điều này giúp DN tiếp cận các kỹ năng chuyên biệt của nhân tài quốc tế và mang lại thêm lựa chọn ứng viên cho DN.
Áp dụng AI hiệu quả trong nhân sự
Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng đi kèm với nhiều thách thức. Dù AI mang lại hiệu quả vượt trội trong tuyển dụng, công nghệ này vẫn có những hạn chế. AI không có khả năng nắm bắt các yếu tố nhân văn như sự sáng tạo hay trí tuệ cảm xúc, đồng thời chưa thể đánh giá chính xác mức độ phù hợp văn hóa với DN của ứng viên. Vì vậy, phán đoán của con người vẫn đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định cuối cùng, đảm bảo sự công bằng và thỏa đáng trong quy trình tuyển dụng.
Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc áp dụng AI một cách có trách nhiệm. DN nên sử dụng AI để hỗ trợ đựa ra các quyết định liên quan tới các quy trình nhân sự, đảm bảo sự bền vững của công nghệ này, và không để AI thay thế con người.
Để khai thác tiềm năng của AI một cách có trách nhiệm, các DN cần tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi sau để đảm bảo tính hiệu quả và đạo đức khi sử dụng AI:
Bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Bảo vệ thông tin nhạy cảm của nhân viên là điều kiện tiên quyết. Các tổ chức cần triển khai các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ thông tin trước các hệ thống AI, đảm bảo rằng dữ liệu được bảo vệ và sử dụng đúng mục đích, qua đó tăng cường sự tin tưởng và tuân thủ quy định;
Giám sát của con người là cần thiết. AI có thể hỗ trợ tinh giản các quy trình nhưng luôn cần sự giám sát của con người ngay từ đầu để đảm bảo tính công bằng, chính xác và tuân thủ quy định. Việc phát triển và duy trì hệ thống AI trong lĩnh vực nhân sự đòi hỏi sự can thiệp, hỗ trợ của các chuyên gia để xác thực và đào tạo các truy vấn.
Hỗ trợ thay vì thay thế. AI nên được coi là một trợ lý thông minh, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại và tốn thời gian, giúp các chuyên gia nhân sự tập trung vào các hoạt động mang tính chiến lược và mang lại giá trị lớn hơn, đơn cử như phát triển nhân tài và thúc đẩy sự tăng trưởng của tổ chức;
Cuối cùng, DN cần sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Mặc dù AI có thể cung cấp các thông tin và đề xuất các hướng giải quyết vấn đề, quyết định cuối cùng vẫn luôn phải người đảm nhận. Việc dựa dẫm hoàn toàn vào AI cho các quyết định quan trọng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Vì vậy, sự giám sát của con người là không thể thiếu.
Việc tích hợp AI vào nhân sự mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt Nam trong việc tối ưu hóa hoạt động tuyển dụng và quản lý nhân lực. Sử dụng AI một cách có trách nhiệm không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn tạo dựng niềm tin nơi nhân viên và các bên liên quan. Văn hóa làm việc dựa trên sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và các giá trị đạo đức sẽ là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Cách tiếp cận này không chỉ tăng cường hiệu quả vận hành mà còn định vị DN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Thông qua việc cách khai thác AI đúng cách, Việt Nam có tiềm năng đạt những bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số, trở thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ quốc tế./.