Sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Truyền thông - Ngày đăng : 08:47, 11/12/2024
Sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Muốn bảo tồn bản sắc, bảo tồn tiếng nói các dân tộc thiểu số thì phải bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc đó. Một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả là mỗi nhà văn, nhà thơ của cộng đồng dân tộc thiểu số có ý thức sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, song song với tiếng Việt.
Những nỗ lực giữ ngôn ngữ dân tộc bằng các sáng tác văn học
Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc. Song song với việc phổ cập ngôn ngữ, chữ viết phổ thông là tiếng Việt thì cũng cần khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, cần sưu tầm, biên dịch và phổ biến những giá trị văn học nghệ thuật để góp phần bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn từng cho rằng: “Mỗi dân tộc cần được khuyến khích, giúp đỡ dùng tiếng mẹ đẻ, và có điều kiện thì được giúp đỡ đặt chữ riêng, để in, dùng tiếng, chữ DTTS trong các lĩnh vực".
Trong thực tế, những tác giả văn học nghệ thuật là người DTTS đã duy trì song song hai hình thức sáng tác bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Một số ít tác giả vẫn sáng tác bằng cả chữ viết cổ truyền vốn có của dân tộc và chữ của dân tộc đã được Latinh hoá.
Không kể thế hệ đã rất thành danh hồi thế kỷ 20 như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn..., những năm gần đây các tác giả thơ sáng tác bằng tiếng dân tộc có thể kể đến nhà thơ Dương Khâu Luông với “Dám kha cần ngám điếp” (Dấu chân người đang yêu); nhà thơ Triệu Sinh với “Bảc Hồ slương dân cháu nước” (Bác Hồ thương dân cứu nước) và “Nặm mường Ba Bể” (Đất nước Ba Bể); nhà thơ Cầm Biêu với “Cầu vào bản” (in song ngữ), “Ánh hồng Điện Biên” (song ngữ); nhà thơ Lò Vũ Vân với “Vòng xoè và sao sa” và “Tiếng sấm vào mùa”…
Đặc biệt là nỗ lực của nhà thơ Inrasara với những sáng tác song ngữ Việt - Chăm. Ngay cả ở những bài thơ sáng tác bằng tiếng phổ thông, Inrasara vẫn có cách diễn tả để thể hiện rõ bản sắc và nuôi dưỡng những ngôn từ của người dân tộc Chăm:
“Cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak/
Ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
Plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu”
(Đứa con của đất)
Một nhà thơ có nhiều thành tựu nữa là Nông Viết Toại, người chuyên tâm một hành trình sáng tác bằng tiếng Tày. Ông là người cho rằng chính các tác giả người DTTS phải có ý thức riết róng về điều này.
Y Phương - Nhà thơ nổi tiếng người dân tộc Tày đã viết trong một tản văn: “Bạn biết không, tôi như một que thử. Nhúng xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng” (Nhúng xuống thành phố). Bởi thế, mà ông chính là người giữ gìn bản sắc ngôn ngữ trong những sáng tác nguyên bản tiếng Tày hoặc những cách đan cài ngôn ngữ Tày trong các bài thơ sáng tác bằng tiếng phổ thông như: “Lão Mòn đi đâu rồi”, “Nhào nhào ma xay thóc”, “Áo tân thời bước vào cửa vóng”, “Me mưởn hay là mây mùa thu đang bay”, “Dân Co Xàu hát Woàng dzà”, “Ngồi ghế rơm, uống trà khỉ nộc”…
Những cách viết đầy dụng ý ấy của ông, theo nhà phê bìnhLâm Tiến, đã làm sống dậy cả một lối sống, một thái độ, một cách ứng xử, một tầng sâu văn hóa của dân tộc ấy.
Ngôn ngữ DTTS ít nhiều đang mai một
Nhưng càng ngày, tỉ lệ tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc đang ít dần đi. Ngôn ngữ các DTTS không chỉ bị yếu thế mà còn bị thay đổi trong quá trình giao lưu với ngôn ngữ các dân tộc khác. Thực chất đó là sự xâm nhập của ngôn ngữ dân tộc đa số vào ngôn ngữ DTTS.
Như đồng bào Ơ Đu ở Tương Dương, Nghệ An, hiện nay sử dụng tiếng Thái, tiếng Khơ Mú làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp, dẫn đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Thái hay Khơ Mú. Sự mất dần ngôn ngữ của một số ít các DTTS rất ít người như Ơ Đu, theo các nhà nghiên cứu là “một xu thế không thể ngăn cản được”.
So với những sáng tác bằng tiếng phổ thông, sáng tác của các tác giả DTTS chiếm một số lượng khiêm tốn. Trong khi văn chương chính là một trong những điều kiện tồn tại và phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Điều này đặt ra một vấn đề cấp bách về việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá khi mà ngôn ngữ các DTTS đang mỗi ngày một mai một dần đi.
Tiếng nói và chữ viết (đối với các dân tộc có chữ viết truyền thống) là một trong những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa. Trong thực tế, tiếng nói và chữ viết không phải lúc nào cũng song hành phát triển ở mỗi dân tộc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những dân tộc có dân số dưới 1 triệu người thì việc giữ gìn văn hóa truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó biểu hiện rõ rệt nhất là không nói được tiếng mẹ đẻ. Rất nhiều dân tộc hiện nay chỉ có người già nói được tiếng mẹ đẻ, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì hầu như không nói hoặc chỉ nói trong hoàn cảnh hết sức hạn chế.
Nguy cơ thứ hai là dân tộc ấy không sử dụng chữ viết để hình thành ngôn ngữ văn học hoặc không có chữ viết của mình, như các dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha. Điều đó đồng nghĩa với việc ngôn ngữ sẽ dừng lại ở khẩu ngữ, mượn nhiều từ tiếng Việt và không được phát triển theo những hình thức cao hơn.
Theo PGS. TS Tạ Văn Thông, nếu chữ viết không được dùng thì nó không tạo thành ngôn ngữ văn học. Có chữ viết thì mới tạo thành ngôn ngữ chuẩn, tức ngôn ngữ văn học. Nếu không có ngôn ngữ văn học thì những người sáng tác ra trường ca, cổ tích, luật tục, tục ngữ, thành ngữ không có điều kiện ghi lại cho thế hệ sau.
Những sáng tác bằng tiếng dân tộc là một phần thể hiện sự tự ý thức về nét độc đáo của dân tộc mình, về sự giàu có của một nền văn học, văn hóa. Có thể nói rằng trong 50 năm qua, theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học), quyết sách của Nhà nước trong việc tôn trọng ngôn ngữ các DTTS, khuyến khích các nhà văn và nhà thơ đã góp phần không nhỏ về mặt chính trị trong việc “kiến tạo bản sắc” đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng trên đất nước.
Tôi sinh ra/ Mẹ ru tôi bằng câu hát tiếng Tày/ Câu đầu tiên tôi biết gọi:/ Á ơi/ Giờ tôi ru con bằng ngôn ngữ khác/ Câu đầu tiên con không gọi như tôi/ Ngày bé tôi học tiếng phổ thông để đến với mọi người/ Giờ con tôi học tiếng Tày để tìm về nguồn cội
Dương Khâu Luông
Bảo tồn và phát triển sự nghiệp văn hóa các dân tộc bằng tiếng và chữ dân tộc là một trong những việc cấp thiết, đòi hỏi sự nhận thức đúng, định hướng có tầm chiến lược và cách làm linh hoạt sáng tạo thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
Điều này không phải chỉ là để bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn làm giàu có thêm bản sắc văn hoá Việt Nam. Bởi vì, đường lối chủ trương của nhà nước ta là tôn trọng đa dạng văn hoá, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc./.