Nhận diện, ngăn chặn âm mưu của thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 09:41, 11/12/2024

Tôn giáo là một nội dung quan trọng mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng gắn vấn đề tôn giáo với các vấn đề như nhân quyền và dân chủ, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp, nhằm kích động, gây rối, làm mất ổn định chính trị - xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Truyền thông

Nhận diện, ngăn chặn âm mưu của thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo ở Việt Nam

Ngọc Ánh 11/12/2024 09:41

Tôn giáo là một nội dung quan trọng mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng gắn vấn đề tôn giáo với các vấn đề như nhân quyền và dân chủ, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp, nhằm kích động, gây rối, làm mất ổn định chính trị - xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Các thế lực xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo như một vũ khí quan trọng để xuyên tạc, vu khống, kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội, tiến tới chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhận diện các luận điệu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam

Chiêu bài nổi cộm của các thế lực thù địch là lợi dụng truyền đạo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm hình thành tư tưởng ly khai, dân tộc cực đoan.

Ở khu vực vùng núi phía Bắc, chúng kêu gọi thành lập “Nhà nước H’Mông tự trị” và tổ chức các hội nhóm phản động như “Liên minh người H’Mông vì công lý – HUJ”, “Liên minh nhân quyền người H’Mông – HmongHRC”,… và lợi dụng mạng xã hội, website, blog để đăng tải tin, hình ảnh xuyên tạc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

1.png
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN).

Tương tự, ở khu vực Tây Nguyên, chúng âm mưu thành lập nhà nước “Đề ga tự trị”. Các tổ chức như: “Hội những người miền núi”(MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP),... vẫn đang ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam với chiêu bài kích động người dân Tây Nguyên đấu tranh đòi thành lập nhà nước độc lập.

Ở khu vực miền Trung, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề Hồi giáo (Hồi giáo Bà ni, Islam giáo) và Bà-la-môn giáo để kích động đồng bào Chăm theo tư tưởng ly khai, khôi phục “Vương quốc Chămpa tự trị”.

Ở khu vực Tây Nam Bộ, chúng âm mưu thành lập quốc gia “Khmer Krôm tự trị”. Các tổ chức của chúng như: “Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm” (AKKK), “Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm”, “Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm”,… cũng ráo riết đẩy mạnh hoạt động, kích động lôi kéo sư tăng ra nước ngoài học tập, kích động sư tăng trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng không ngừng xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm kiếm cơ can thiệp vào chính trị nội bộ và tạo sức ép lên quan hệ đối ngoại của ta.

Tháng 12/2022, dựa trên những thông tin một chiều, phiến diện, thiếu khách quan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Lợi dụng cáo buộc này, một số chính khách phương Tây đưa ra yêu sách với Việt Nam trong quan hệ ngoại giao, nhằm từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta theo hướng dân chủ phương Tây; tạo cơ can thiệp vào chính trị nội bộ; gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.

Ngoài ra, các thế lực xấu còn lợi dụng tôn giáo và các tín đồ để kích động biểu tình, bạo loạn nhắm vào các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Chúng lợi dụng những hạn chế trong chính sách dân tộc, tôn giáo của ta để công kích Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng, làm mất đi niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo tự phát, không được công nhận trong xã hội trong những năm vừa qua đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Chúng truyền bá những tư tưởng xấu trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, xúi giục phá bỏ bàn thờ tổ tiên, không hiếu kính với ông bà cha mẹ, chỉ tin vào đấng siêu nhiên, gây mẫu thuẫn trong gia đình, dòng họ.

Chúng tuyên truyền các tín đồ không cần chăm lo sản xuất mà phải siêng năng thờ cúng, lợi dụng niềm tin để trục lợi bất chính. Chúng lợi dụng giáo lý của tôn giáo truyền thống nhưng khi thuyết giảng lại phủ nhận, xúc phạm các tôn giáo truyền thống, gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Một số nhóm tà giáo cực đoan không ngừng tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh tâm linh, gây hại về sức khỏe và tính mạng cho người tin theo. Các giáo phái như: Tâm linh Hồ Chí Minh, Long hoa Di Lặc, Amí Sara, Pơ khắp Brâu, Hà Mòn... hứa hẹn với tín đồ và người dân về khả năng chữa bệnh không dùng thuốc, chỉ cần cầu nguyện.

Tất cả những phương thức, thủ đoạn chống phá nêu trên đều có tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc

Các tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm theo nhiều con đường khác nhau, do nước ta liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược. Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nước ta dần xuất hiện Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI trở về sau, Công giáo, đạo Tin lành có điều kiện phát triển mạnh ở Việt Nam, song song tồn tại cùng với các tôn giáo trước đó.

Mặc dù nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng nhìn chung các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa chung cùng niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.

1(4).jpg
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Văn phòng I, Trung ương GHPG Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023. (Ảnh: Tạp chí Mặt trận).

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước” được ghi nhận và tôn vinh.

Đảng ta đã khẳng định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật và quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật.

Chương I - Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành năm 2023 mở đầu bằng khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới”.

Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.

Theo kết quả khảo sát của Viện Diễn đàn Pew có trụ sở ở Mỹ, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.

Hiến pháp Việt Nam và Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, tự do tôn giáo phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo an ninh và trật tự xã hội. Dù là tổ chức hay cá nhân có ý đồ xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Để duy trì trật tự an toàn, an ninh xã hội, lực lượng chức năng của ta đã kịp thời, ngăn chặn, làm thất bại các hoạt động chống phá của thế lực xấu, như: ngăn chặn hoạt động của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” do Thích Quảng Độ cầm đầu; hoạt động của “Phật giáo Hoà hảo thuần túy” do Lê Quang Liêm cầm đầu; xử lý vụ việc gây bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004 âm mưu lập “nhà nước Đêga” với “Tin Lành Đêga” làm quốc đạo; đấu tranh trấn áp số cầm đầu FULRO và tà đạo “Hà Mòn” ở Tây Nguyên; xử lý vụ tụ tập đông người “xưng vua”, lập “vương quốc Mông” gây rối an ninh trật tự ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011.

Đảng ta đã đấu tranh với các tổ chức “văn phòng Công giáo đối lập”, hoạt động của tổ chức “liên đảng Lạc Hồng”, “khối 8406”, “nhóm xã hội dân sự”, “hội tù nhân lương tâm”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “hội đồng liên tôn”, ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức “liên tôn chống cộng” của một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo;.

Chúng ta cũng thành công ngăn chặn hoạt động của các “đạo lạ”, “tà giáo”, mang nội dung lệch chuẩn văn hoá, đạo đức, trái với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Giê sùa”, “Bà cô Dợ”, “Pơ khắp Brâu”, “Dương Văn Mình”, “hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”.

Gần đây nhất, các cơ quan chức năng đã truy bắt và tòa án đã tuyên những bản án nghiêm khắc xử lý các đối tượng trong tổ chức với cái gọi “hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” do các đối tượng trong và ngoài nước thực hiện bạo động, đột nhập tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin.

Có thể thấy được, các vấn đề lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá luôn cần được giải quyết thỏa đáng để đảm bảo ổn định tình hình chính trị, an ninh quốc gia, cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của dân tộc./.

Ngọc Ánh