Giải thưởng Make in Viet Nam: Động lực để doanh nghiệp phát triển các giải pháp sáng tạo

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:44, 12/12/2024

Các sản phẩm đạt Giải thưởng Make in Viet Nam là bệ phóng để những doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa như Rynan Technologies Việt Nam không ngừng phát triển các giải pháp sáng tạo và mở rộng thị trường.
Make in Viet Nam

Giải thưởng Make in Viet Nam: Động lực để doanh nghiệp phát triển các giải pháp sáng tạo

Diệp Nguyễn 12/12/2024 09:44

Các sản phẩm đạt Giải thưởng Make in Viet Nam là bệ phóng để những doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa như Rynan Technologies Việt Nam không ngừng phát triển các giải pháp sáng tạo và mở rộng thị trường.

ims-2-540x540.png
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Rynan Technologies Việt Nam.

Sự phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu lương thực ngày càng tăng đã tạo đà bùng nổ cho thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu. Dự báo đến năm 2027, thị trường này sẽ tăng trưởng ấn tượng từ 15 tỷ lên đến 33 tỷ USD, mở ra cơ hội vàng cho các quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.

Nhận thức rõ tiềm năng và những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều doanh nghiệp và địa phương đã bắt đầu ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Sự chuyển mình này cho thấy nhu cầu về các giải pháp thông minh ngày càng cao, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp như Rynan Technologies phát triển.

Trong 2 mùa Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2021 và 2022, Rynan Technologies Việt Nam đã tham dự và được vinh danh.

Cụ thể, sản phẩm “Hệ thống giám sát côn trùng thông minh” đạt giải Bạc hạng mục sản phẩm số xuất sắc vào năm 2021 và giải pháp “Phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thuỷ sản” đạt giải Vàng sản phẩm số tiềm năng vào năm 2022.

Theo Rynan Technologies Việt Nam, Giải thưởng là sự tôn vinh, công nhận trí tuệ, sáng tạo ra các công nghệ số của người Việt, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Trong 3 năm qua, công ty đã không ngừng phát triển các giải pháp công nghệ số, ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain) vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.

Điển hình như giải pháp giảm phát thải khí nhà kính nhờ ứng dụng AI trong nuôi tôm.

Hệ thống bao gồm các cảm biến giúp người dân nắm bắt được các thông số của môi trường, từ đó có điều chỉnh phù hợp. Máy cho tôm ăn thông minh tự động điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày dựa trên tình trạng của tôm như mật độ, trọng lượng trung bình, chu kỳ lột vỏ và sức khỏe của tôm, chất lượng nước như độ pH, nhiệt độ, độ mặn và độ đục và các yếu tố thời tiết khác như nắng, mưa, gió.

Thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động, nông dân tương tác với thiết bị thông minh trong canh tác, nắm bắt được các thông số của môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính và dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi, đồng thời giúp nông dân quản lý trang trại nuôi tôm hiệu quả về kinh tế hơn.

Với hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch.

Nhờ ứng dụng các công nghệ trên, rủi ro dịch bệnh giảm nhanh đồng thời năng suất nuôi tôm cũng tăng cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của người nông dân. Với diện tích 1,4 ha, bao gồm 4 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000 m². Mô thức này có thể cho tổng sản lượng khoảng 100 tấn tôm thương phẩm mỗi năm.

Cũng theo Rynan Technologies Việt Nam, việc đạt Giải thưởng đã tạo điều kiện để công ty tham gia kết nối cung cầu các sản phẩm số với những đơn vị có nhu cầu, đồng thời đây là sự hỗ trợ, bệ phóng lớn để doanh nghiệp tiếp bước, phát triển mở rộng thị trường.

Những sản phẩm Make in Viet Nam của công ty đã gặt hái được nhiều thành công ở thị trường trong nước và được thị trường quốc tế công nhận. Mô hình cánh đồng lúa thông minh ứng dụng công nghệ của Rynan Technologies Việt Nam hiện đang được triển khai rộng khắp ở Đồng Tháp Mười.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng về bơm tưới và giám sát côn trùng trên đồng ruộng, người nông dân có thể canh tác lúa trên những cánh đồng diện tích rộng lớn mà không cần tốn nhiều công sức chăm sóc, giám sát./.

Diệp Nguyễn