Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: 75 năm gắn bó, hợp tác toàn diện vì hòa bình và phát triển
Truyền thông - Ngày đăng : 14:21, 01/12/2024
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: 75 năm gắn bó, hợp tác toàn diện vì hòa bình và phát triển
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em. Mối quan hệ đặc biệt này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông trực tiếp xây dựng, trở thành nền tảng quý báu do nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước tiếp tục vun đắp.
Qua gần 75 năm, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.
Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1/1950, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng dòng chảy chính vẫn là tình hữu nghị và hợp tác. Hai nước đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước.
Trên cơ sở lịch sử gắn bó và tầm nhìn chiến lược, hai bên đã xác định các nguyên tắc định hướng quan trọng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (1999) và “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (2005).
Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
Các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố quan hệ. Chuyến thăm Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (12/2023) tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trung Quốc (8/2024) đã đạt nhiều kết quả chiến lược. Hai bên ra “Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”. Đây là định hướng quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình thế giới.
Hai nước cũng nhất trí thực hiện phương hướng “6 hơn” gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Hợp tác kinh tế - động lực phát triển bền vững
Hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga).
Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 130,78 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tiếp tục đứng đầu về dự án cấp mới với 662 dự án. Lũy kế hết tháng 8/2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 29 tỷ USD, đứng thứ 6/148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 4.865 dự án. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Hai bên cũng đang thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác mới về hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại.
Cùng với những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua được cả hai bên quan tâm, thúc đẩy, thể hiện rõ tính thực chất hơn với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai, như: Trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác giáo dục - đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quản lý biên giới, nghiên cứu chung, trao đổi học thuật...
Cùng với đó, hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trên các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác ở các cơ chế đa phương... cũng chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất.
Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch hai nước phục hồi nhanh chóng. Năm 2023, Việt Nam đã đón 1,75 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ hai trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 3,6 triệu lượt). Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Hiện nay, gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi giáo dục, hợp tác thể thao và nghệ thuật không ngừng được mở rộng, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.
Với nền tảng quan hệ vững chắc được xây dựng qua nhiều thế hệ, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện. Hai nước cùng hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.