Phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng

Truyền thông - Ngày đăng : 14:24, 05/12/2024

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là yếu tố cấu thành tư tưởng cách mạng và bản sắc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của nhiều trào lưu văn hóa đa dạng, việc bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết.
Truyền thông

Phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng

Ngọc Ánh 05/12/2024 14:24

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là yếu tố cấu thành tư tưởng cách mạng và bản sắc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của nhiều trào lưu văn hóa đa dạng, việc bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết.

Nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch

Gần đây, các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội (MXH) để cắt ghép hình ảnh, bình luận xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng như kết quả chúng ta đạt được.

Chúng lan truyền rằng, chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta là viển vông, hay Đảng ta không quan tâm đến phát triển văn hóa, phát triển con người, có chăng cũng chỉ là hình thức, mị dân…

Cùng với đó, chúng đẩy mạnh truyền bá văn hóa, lối sống thực dụng, vụ lợi cá nhân, núp dưới chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do sáng tác”, “quyền thông tin” để kích động các quyền “tự do”, “dân chủ” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; tung ra những quan điểm sai trái, mập mờ về bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa; thay đổi, sắp xếp để xuyên tạc câu chữ, những lời phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa; lợi dụng các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa để thâm nhập, phá hoại văn hóa Việt Nam…

Mục tiêu của chúng là phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa; tiêm nhiễm làm xói mòn, lệch chuẩn văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức, nhân ái, nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử; kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiến tới đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, rất dễ bị tấn công bởi làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, trở nên “sùng ngoại” và “lai căng”. “Sùng ngoại” là thái độ sùng bái mù quáng vào yếu tố ngoại lai. Còn “lai căng” là pha trộn nhiều thứ có tính chất hỗn tạp, lố lăng. Hai tư tưởng này rất dễ làm phai nhạt bản sắc, giá trị truyền thống và văn hóa của ông cha chảy trong huyết quản mỗi người Việt.

Yếu tố “sùng ngoại” và “lai căng” dễ thấy ở các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, các loại hình nghệ thuật du nhập vào nước ta, trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh, thời trang. Đặc biệt khi những tư tưởng xấu xa tràn vào văn học và âm nhạc là hai thứ mà giới trẻ, học sinh, sinh viên tiếp cận nhiều nhất, có thể gây ra những hệ lụy to lớn đến sự phát triển đất nước, con người.

Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ bằng văn hóa lâm nguy

Câu tuyên ngôn bất hủ của đại văn hào Nga M.Gorki cách nay trăm năm: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục... Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”.

Việc đấu tranh, ngăn chặn cuộc xâm lăng về văn hóa cần được chú trọng hơn nữa trong thời đại công nghiệp số hiện nay. Thực tế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển.

3(1).jpg
Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Khánh/TTO).

Gắn các hoạt động văn hoá với tư tưởng cách mạng, bản sắc Việt Nam

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hết năm 2018, Việt Nam có gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 3 triệu di vật, cổ vật có giá trị đang được bảo quản, trưng bày tại hệ thống 166 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục...

Trong đó, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước. Những con số này tiếp tục tăng lên trong các năm 2023, 2024.

7.jpg
Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau. (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn).

Việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ dựa trên việc tuyên truyền trực tiếp mà còn thông qua việc bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc - những yếu tố cấu thành nên tư tưởng cách mạng, bản sắc Việt Nam. Thành phố thủ đô của ta, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến là địa điểm trọng tâm để xây dựng, phát triển các hoạt động văn hóa.

Riêng Hà Nội có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là cơ sở quan trọng để củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng.

8.jpg
Chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Phạm Hùng)

Trong những dịp kỷ niệm các sự kiện lớn như ngày Quốc khánh 2/9, Giải phóng Thủ đô 10/10, các chương trình nghệ thuật với chủ đề cách mạng được tổ chức nhằm nhắc nhở công chúng về truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc.

Các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các di tích văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò đều tổ chức những chương trình, sự kiện văn hóa gìn giữ và giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc như: “Tinh hoa đạo học”, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm thiêng liêng”… Qua đó góp phần củng cố tư tưởng chính trị của Đảng trong lòng người dân.

Các triển lãm văn hóa, nghệ thuật truyền thống như tranh dân gian Hàng Trống, nghệ thuật hát chèo, ca trù, các lễ hội truyền thống như: lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Gióng, lễ hội chùa Hương... cũng là những dịp để khẳng định và bảo tồn bản sắc dân tộc.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức luôn đi đôi với giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các sự kiện này không chỉ nhắm tới công chúng trong nước mà còn phục vụ du khách quốc tế, giúp quảng bá hình ảnh Hà Nội và văn hóa Việt Nam.

Những hoạt động tiêu biểu như lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, các lễ hội văn hóa đường phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo hay Liên hoan phim quốc tế Hà Nội... đều được tổ chức định kỳ với mục tiêu gắn kết nghệ thuật với công tác tuyên truyền tư tưởng.

8.png
Dàn nhạc Sức sống mới biểu diễn ở nước ngoài, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. (Ảnh Vietnamplus)

Cùng với đó, hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà Nhà nước đã triển khai nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, chúng ta không chỉ được giao lưu mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa gắn liền với tư tưởng chính trị.

9.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao khen thưởng các tấm gương tiêu biểu tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL tổ chức.

Đảng ta vẫn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đô thị văn minh, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Thể thao và du lịch cũng đang được đẩy mạnh phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam.

Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế. Với mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ, văn hóa dân tộc được bồi đắp càng sâu, càng mang đến sự tự tin để sải bước ra thế giới./.

Ngọc Ánh