Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước

Truyền thông - Ngày đăng : 10:25, 14/12/2024

Đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Truyền thông

Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước

Tú Anh 14/12/2024 10:25

Đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

1.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Hình thức đặc sắc của ngoại giao Việt Nam

Đối ngoại nhân dân là một hình thức đặc sắc của nền ngoại giao Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo ngay từ những ngày đầu cách mạng. Đối ngoại nhân dân đã phát huy vai trò hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời tạo tiền đề hỗ trợ xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước sau này.

Hoạt động đối ngoại nhân dân của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ phải thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế một cách sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với khả năng từng tổ chức, đoàn thể của ta và đặc điểm từng đối tượng nước ngoài ta có quan hệ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chủ trương triển khai công tác đối ngoại nhân dân được đề cập ở những mức độ khác nhau từ Đại hội II của Đảng (năm 1951) và tiếp tục được phát triển qua các kỳ Đại hội. Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên đối ngoại nhân dân được Đảng xác định là một trong ba trụ cột của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Đây là một bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vai trò và vị trí của đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Công tác đối ngoại nhân dân chú trọng tăng cường kết nối, hợp tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì đối ngoại nhân dân không chỉ bó hẹp trong xây dựng và tạo lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân và các tổ chức trên thế giới, mà còn cả kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Đây chính là cầu nối vững chắc giúp nhân dân Việt Nam mở rộng cơ hội hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới, đồng thời là lực lượng quan trọng đóng góp cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.

dien-dien-cac-to-chuc-quoc-te-.jpg
Các nữ đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tìm hiểu về nghệ thuật tranh Đông Hồ tại làng Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn: vietnam.vnanet.vn)

Tại Tọa đàm khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/8/2024, ông Huỳnh Công Hùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP. Hồ Chí Minh cho rằng ngoại giao nhân dân là một trụ cột quan trọng trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước. Cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngoại giao nhân dân, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao Đảng và ngoại giao Nhà nước, làm thân thiết hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

“Mục tiêu của công tác đối ngoại nhân dân là tăng cường hiểu biết giữa bạn và ta, tạo dựng mạng lưới bạn bè và những người cảm tình với Việt Nam. Họ có cảm tình thì mới là bạn, mới hiểu, mới thân thiết, chia sẻ rồi mới gắn bó máu thịt trong những lúc hoạn nạn khó khăn. Do vậy, đối với việc làm bạn với tất cả các nước trên thế giới và gây dựng được quan hệ quần chúng, nền tảng nhân dân cho đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, tôi nghĩ việc này hết sức quý, hết sức trân trọng”, ông Huỳnh Công Hùng nói.

PGS. TS. Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân trong việc phát triển quan hệ đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ông Nguyễn Duy Dũng cũng nêu lên những phương pháp hữu hiệu mà Hội đã thực hiện: “Hội phối hợp tích cực với Đại sứ quán Armenia để tổ chức đón tiếp các đoàn của nước bạn sang, kết nối với các hoạt động của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, thăm các tập đoàn của Việt Nam và thăm các địa phương, đặc biệt để nâng cao gắn kết thành viên của Hội, quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tổ chức, nắm bắt được nhu cầu và khả năng huy động các lợi thế các hội viên; tổ chức các hoạt động đa dạng, quan tâm đến lợi ích của hội viên, tích cực thu hút các thành viên mới”.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân

Trong bài viết với tiêu đề “Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 19/05/2024, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra quyết liệt, tác động sâu sắc đến cấu trúc chính trị, an ninh tại các khu vực, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tranh chấp biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và các “điểm nóng” trên thế giới, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, các xu hướng mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu,... sẽ tiếp tục được các nước và các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực ưu tiên thúc đẩy.

Các phong trào, hoạt động của nhân dân thế giới liên quan hòa bình, an ninh, đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, bảo vệ quyền của người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững,... sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trên thế giới và tại một số nước vẫn còn nhiều bất ổn, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò “ngoại giao tâm công”, nỗ lực trong việc “chinh phục trái tim và khối óc” của bạn bè thế giới, góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của công tác đối ngoại nhân dân, ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại của Việt Nam đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Góp phần vào thành quả chung đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân tiếp tục phát huy phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” đã triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân phong phú và thiết thực, trong đó có nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa với các đối tác ở các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống của Việt Nam.

Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội; vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giới thiệu đến bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; phát huy vai trò cầu nối, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Nhận thức về vai trò đối ngoại nhân dân được nâng lên một bước, sự phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhuần nhuyễn hơn. Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng quy củ, nền nếp./.

Tú Anh