Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:09, 12/12/2024
Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương
Sáng nay 12/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (MDRI) công bố những kết quả chính của "Nghiên cứu đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương năm 2024".
Nghiên cứu “Đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương" do UNDP tại Việt Nam và MDRI thực hiện từ tháng 06/2024 đến tháng 10/2024.
Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với trên 2.310 người khuyết tật, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tìm hiểu về mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương.
Bên cạnh các thảo luận chung về hòa nhập người khuyết tật trong hành chính công và dịch vụ công, nghiên cứu nêu bật những thách thức lớn mà người khuyết tật phải đối mặt trong ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Phát biểu ý kiến tại lễ công bố kết quả, bà Sabina Stein, Trưởng phòng quản trị và tham gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nêu bật ba phát hiện chính của nghiên cứu và nhấn mạnh đó những thách thức mang tính hệ thống đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên để giải quyết.
Việc công bố những kết quả chính của đánh giá được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) nhằm thúc đẩy tiếng nói của người khuyết tật, chia sẻ quan điểm của họ trong dịch vụ công và thủ tục hành chính (TTHC) địa phương. Đồng thời sự kiện kêu gọi hành động để cải thiện sự hoà nhập của người khuyết tật với cộng đồng.
Khả năng tiếp cận thủ tục hành chính công
Theo kết quả nghiên cứu, hơn 25% số người khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận TTHC nói chung và cổng DVCTT nói riêng. Cụ thể, 14,1% số người được khảo sát cho biết gặp rất nhiều khó khăn, 11,6% cho biết gặp một số khó khăn. Trong đó, dữ liệu định lượng chỉ ra rằng người khuyết tật nghe nói có trải nghiệm làm TTHC gặp khó khăn cao nhất (46,7%).
Trong những năm gần đây một số UBND xã/phường đã xây đường dốc cho xe lăn giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các TTHC hơn. Tuy nhiên, sau đó, cũng tại chính một trong số những địa phương này lại có những sửa chữa khiến việc tiếp cận này trở nên khó khăn với người khuyết tật.
Nghiên cứu cũng cho thấy 12,3% số người làm TTHC trong 12 tháng vừa qua có lên cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tìm hiểu thông tin. Trong đó, 25,6% số người cảm thấy hơi khó/rất khó để tìm kiếm các thông tin qua nền tảng này. Dữ liệu định tính cho thấy đối với người khuyết tật nhìn các cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến “không quá dễ tiếp cận” bởi thiết kế web không thân thiện với trình đọc màn hình và nếu muốn tiếp cận được cổng thông tin “cần hướng dẫn cụ thể từ một người khuyết tật nhìn khác”.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Một là cán bộ công chức (CBCC) địa phương cần được tập huấn thêm kiến thức và kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người khuyết tật để hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả hơn.
Hai là cần cải thiện cơ sở hạ tầng và cân nhắc lấy ý kiến của người khuyết tật trước khi xây dựng để công trình công cộng thân thiện hơn. Ba là cần cải thiện các cổng DVCTT, đáp ứng chuẩn tiếp cận WCAG 2.0; tham vấn người khuyết tật trong quá trình xây dựng cổng DVCTT để thân thiện hơn với người khuyết tật.
Về trải nghiệm nhận trợ cấp, 80% cho rằng mức trợ cấp hiện nay không đủ đáp ứng chi phí sinh hoạt tối thiểu của một người khuyết tật. Nghiên cứu cũng cho thấy người khuyết tật chủ yếu vẫn nhận trợ cấp bằng tiền mặt (75,1%). Chỉ có khoảng ¼ số người khuyết tật nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng (nhận qua tài khoản ngân hàng của chính người khuyết tật là 11,9%, nhận qua tài khoản ngân hàng của người thân trong gia đình là 12,3%).
Việc chuyển đổi sang hình thức nhận trợ cấp này cũng khá khó khăn đối với một số khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, có những nơi mà địa điểm cây ATM gần nhất cách UBND xã tới 20km.
Theo nghiên cứu, những khó khăn chính mà người khuyết tật gặp phải khi nhận trợ cấp đó là: Phải phụ thuộc vào người nhà nhận hộ (52,4%); UBND xã/phường khó tiếp cận (ví dụ: xa, khó đi) (33,3%); Gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (không được đứng tên tài khoản, không tiếp cận… (7,4%); Phải đi vài lần mới gặp cán bộ phụ trách để nhận (5,8%); Không quy định một ngày cố định phát trợ cấp (4,2%); Khó khăn khác (2,6%).
Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất cần cân nhắc đến khả năng và mong muốn của người khuyết tật khi triển khai cách thức nhận trợ cấp tại địa phương; cần xây dựng quy trình, thủ tục phù hợp để người khuyết tật có thể mở và sử dụng tài khoản ngân hàng một cách chủ động và thuận tiện hơn và đầu tư hạ tầng số cho các vùng còn chưa chuyển sang phát trợ cấp qua tài khoản ngân hàng; nâng cao kỹ năng số cho người khuyết tật tại các địa phương này.
Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn với việc tiếp cận Internet
Về tiếp cận thông tin trên nền tảng số, theo kết quả khảo sát, 52,2% người khuyết tật gặp khó khăn với việc tiếp cận Internet vì lý do kinh tế và hạ tầng. Cụ thể, về kinh tế, tỷ lệ người khuyết tật không có việc làm cao, còn về hạ tầng thì ở một số địa phương khu vực miền núi, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên chưa tiếp cận được Internet (có những địa phương chưa có lưới điện đến thôn/bản).
Về tiếp cận thông tin về chính sách pháp luật, 222 người khuyết tật (Chưa đến 10% mẫu khảo sát) có tìm kiếm thông tin về chính sách pháp luật của nhà nước trong 3 năm qua, trong đó 72,1% đã nhận được thông tin cần tìm kiếm. Những chủ đề tìm kiếm thông tin mà người khuyết tật quan tâm đó là: Chính sách trợ cấp, thủ tục trợ cấp người khuyết tật; Chính sách, quy định khác; Chính sách, quy định khác liên quan đến người khuyết tật; Bảo hiểm cho người khuyết tật (BHYT, BHXH); Luật đất đai.
Nhìn chung, nguồn thông tin rất đa dạng và tính sẵn có của thông tin cao nên hầu hết người khuyết tật có thể tiếp cận, trừ một số trường hợp có hoàn cảnh đặc thù.
Để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận thông tin
Nhìn chung, theo kết quả khảo sát, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn với việc tiếp cận Internet. Do đó, theo đại diện nhóm nghiên cứu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật vẫn là một trong những hỗ trợ cần thiết, từ đó giúp người khuyết tật có đủ năng lực tài chính để tiếp cận Internet. Với các khu vực chưa đáp ứng hạ tầng kết nối Internet, cần chú trọng hơn đến các phương thức phổ biến thông tin truyền thống (loa phát thanh, ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi…) nhằm đảm bảo người khuyết tật ở những khu vực này có thể tiếp cận đầy đủ thông tin.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang các nền tảng Internet vừa là thuận lợi cũng vừa là bất lợi đối với người khuyết tật. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cần tham vấn ý kiến người khuyết tật để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận với người khuyết tật vào các nền tảng số. Đồng thời cần chú trọng các phương thức phổ biến thông tin truyền thống, đảm bảo những trường hợp người khuyết tật đặc thù không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận thông tin.
Nghiên cứu cũng cho thấy Chính quyền địa phương và hội người khuyết tật đóng vai trò quan trọng trong phổ biến thông tin cho người khuyết tật. Vì vậy, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực của cán bộ địa phương trong phổ biến thông tin chính sách cho người khuyết tật và phát huy vai trò của các tổ chức Hội, nhóm của người khuyết tật trong hỗ trợ cung cấp thông tin cho người khuyết tật./.