Đài phát thanh Thụy Điển đã thu hút 1,4 triệu thính giả mới bằng AI như thế nào?

Truyền thông - Ngày đăng : 08:49, 13/12/2024

Đài phát thanh Thụy Điển, hay còn gọi là Sveriges Radio (SR) - một trong những cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất ở Thụy Điển, là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng thành công AI vào quy trình hoạt động.
Truyền thông

Đài phát thanh Thụy Điển đã thu hút 1,4 triệu thính giả mới bằng AI như thế nào?

Tâm An 13/12/2024 08:49

Đài phát thanh Thụy Điển, hay còn gọi là Sveriges Radio (SR) - một trong những cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất ở Thụy Điển, là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng thành công AI vào quy trình hoạt động.

Sveriges Radio, đã bắt đầu thử nghiệm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cách đây vài năm, trước khi các mô hình AI tạo sinh trở nên phổ biến vào năm 2022. Mọi ứng dụng AI tại Sveriges Radio đều xoay quanh một mục tiêu trọng tâm: Gia tăng lượng thính giả. Thông qua cách tiếp cận này, họ đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng như tối ưu hóa ngân sách, cải thiện hiệu suất biên tập, cá nhân hóa nội dung và nâng cao hiệu quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI không tránh khỏi những thách thức, đặc biệt là trong việc duy trì giá trị cốt lõi của truyền thông - niềm tin từ thính giả. Để đảm bảo công nghệ AI hỗ trợ mà không làm ảnh hưởng đến uy tín, Sveriges Radio đã triển khai các chiến lược sáng tạo và phù hợp với tầm nhìn dài hạn của mình.

ai-radio-presenter.jpg

Chuyển văn bản thành lời nói, mở rộng tiếp cận đến 1,4 triệu thính giả

Một trong những đột phá lớn của Sveriges Radio là phát triển mô hình chuyển văn bản thành lời nói. Công nghệ này giúp họ phiên âm tin tức hằng ngày và hàng trăm podcast với chi phí thấp hơn, độ chính xác cao hơn so với các mô hình thương mại trước đây.

Ban đầu, công nghệ được dùng để cải thiện tìm kiếm nội bộ, sau đó, Sveriges Radio mở rộng tính năng hiển thị bản ghi âm trên ứng dụng, giúp nội dung của họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với 1,4 triệu người Thụy Điển gặp khó khăn về thính giác, tương đương 13% dân số.

Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm tính năng ghi âm cho các chương trình phát thanh trực tiếp, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thúc đẩy tính toàn diện trong dịch vụ của mình.

Đề xuất nội dung và hỗ trợ biên tập

Olle Zachrison, Trưởng phòng Trí tuệ nhân tạo và Chiến lược tin tức tại Sveriges Radio, cho biết đài phát thanh này đã triển khai ít nhất hai giải pháp AI nhằm quản lý danh sách phát tin tức và nội dung trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian tại 33 tòa soạn/văn phòng đại diện trên khắp cả nước.

Tiêu chí đầu tiên là đánh giá tin tức của các nhà báo. Trong hệ thống quản lý nội dung (CMS), các biên tập viên tại Sveriges Radio đánh giá bài viết dựa trên ba tiêu chí chính: Giá trị tin tức tổng thể (tầm quan trọng của tin tức), Giá trị về mặt thời gian của tin tức (đánh giá thời gian bài viết giữ được sự giá trị liên quan); Giá trị công ích (đo lường mức độ phù hợp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng của Sveriges Radio, bao gồm việc bài báo có tường thuật trực tiếp từ hiện trường hay phản ánh tiếng nói của những nhóm người bị ảnh hưởng hay không).

Theo Olle Zachrison, phân tích 32.600 bản tin cho thấy rằng các bài viết, bản tin được đánh giá cao cả về giá trị tin tức tổng thể và giá trị công ích thường có lượng người nghe cao hơn từ 30 - 40%.

10-2-1536x864.jpg
Ảnh chụp màn hình từ trang chính của ứng dụng Sveriges Radio và trang tin tức âm thanh có tóm tắt văn bản ngắn.

Sveriges Radio cũng sử dụng PEACH, một công cụ của Liên minh Phát thanh châu Âu (EBU), để cung cấp các khuyến nghị về podcast và tin tức trong ứng dụng của họ. Công cụ này giúp hiển thị danh sách các podcast phổ biến nhất, hỗ trợ biên tập viên ra quyết định nhanh chóng và chính xác mà không thay thế vai trò của họ.

Olle Zachrison nhấn mạnh: "Công cụ này hỗ trợ quá trình ra quyết định bằng cách cung cấp khuyến nghị về tin tức cho biên tập viên. Tuy nhiên, chúng tôi không để AI can thiệp trực tiếp vào quyết định biên tập mà sử dụng nó để nâng cao chất lượng và tăng tốc quy trình khi cần thiết”.

Bên cạnh đó, AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà báo nghiên cứu nội dung. News Pilot, một công cụ tổng hợp tin tức do EBU phát triển, đã giúp các nhà báo dễ dàng truy cập tin tức từ 26 cơ quan báo chí công cộng châu Âu. Công cụ này cung cấp nhiều tính năng tiện ích như: Dịch tự động hỗ trợ 17 ngôn ngữ, giám sát ngữ cảnh để hiểu sâu sắc bối cảnh thông tin, công cụ tìm kiếm nâng cao.

Nhờ đó, các nhà báo trong tòa soạn có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin từ nhiều khu vực địa lý khác nhau, nâng cao hiệu quả trong quá trình thu thập tin tức. Đặc biệt, giao diện của công cụ này hỗ trợ cả định dạng văn bản và video, kèm theo tính năng phiên âm và dịch thuật.

Theo ông Zachrison, Sveriges Radio cũng đang thử nghiệm các tính năng khác của News Pilot trong dự án “A European Perspective” (Tạm dịch: Một góc nhìn châu Âu) của EBU. Một trong những tính năng nổi bật là chatbot tạo sinh Néo, giúp tìm kiếm hội thoại và trích xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu khổng lồ với hơn 2,6 triệu bài viết từ khoảng 30 thành viên EBU.

Với Néo, độc giả có thể đặt câu hỏi như: “Tại sao Thụy Điển gia nhập NATO?”. Chatbot sẽ chọn ra 10 bài báo liên quan, tóm tắt nội dung, và cung cấp liên kết đến các bài viết gốc, mang lại trải nghiệm tìm kiếm dễ dàng và trực quan hơn.

Ngoài ra, Sveriges Radio cũng đang thử nghiệm cách AI tạo sinh có thể đưa ra các gợi ý cho tiêu đề podcast và văn bản thay thế (alt-text).

Các thách thức khi áp dụng AI

Mặc dù đã tích hợp AI vào quy trình hoạt động, Sveriges Radio vẫn duy trì sự giám sát chặt chẽ của biên tập viên trước khi xuất bản. Ông Zachrison cho rằng các vấn đề liên quan đến niềm tin của độc giả là thách thức lớn nhất mà ngành truyền thông phải đối mặt khi sử dụng công nghệ này.

Các công cụ AI tại Sveriges Radio đóng vai trò hỗ trợ trong việc ra quyết định, nhưng không thay thế sự phán đoán và vai trò cốt lõi của con người. Đài phát thanh này luôn đặt trọng tâm vào tính minh bạch trong quá trình sử dụng AI, nhằm bảo vệ niềm tin của công chúng - một giá trị cốt lõi của truyền thông đại chúng.

Để đảm bảo tính minh bạch và duy trì uy tín, Sveriges Radio cũng đã ban hành các hướng dẫn nghiêm ngặt về AI tạo sinh (genAI guidelines), trong đó quy định rõ: Kiểm tra tất cả nội dung do AI tạo ra trước khi đưa vào quy trình sản xuất; Không sử dụng giọng nói nhân tạo hoặc giọng sao chép trong các nội dung âm thanh; Hiển thị thông báo rõ ràng khi một phần nội dung (chẳng hạn như hình ảnh) được tạo bởi AI.

Những hướng dẫn này không chỉ giúp Sveriges Radio duy trì sự đáng tin cậy mà còn thiết lập chuẩn mực trong việc ứng dụng AI trong ngành truyền thông.

Trong quá trình áp dụng AI, Sveriges Radio cũng phải đối mặt với một số thách thức quan trọng mà các tòa soạn thường gặp phải. Ông Zachrison nhấn mạnh ba vấn đề lớn cần giải quyết. Cụ thể:

Ưu tiên ứng dụng AI: Làm thế nào để xác định các lĩnh vực cần tập trung khi triển khai công nghệ AI.

Bảo mật thông tin: Sự phụ thuộc vào các công cụ AI bên ngoài đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu.

Vấn đề pháp lý: Các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và việc sử dụng AI cần được giải quyết một cách rõ ràng.

Để giải quyết những vấn đề này và thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực AI, Sveriges Radio đã thành lập một nhóm AI và Chiến lược Tin tức, dưới sự lãnh đạo của ông Zachrison.

Nhóm này bao gồm ba quản lý dự án AI, cùng làm việc với một hội đồng AI đa chức năng có đại diện từ các bộ phận như nhân sự, kỹ thuật, tài chính và bảo mật thông tin. Hội đồng này có nhiệm vụ đưa ra các định hướng chiến lược, đồng thời đề xuất các quyết định quan trọng về ứng dụng AI cho ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Sveriges Radio cũng đang lên kế hoạch thành lập đội ngũ tăng tốc ứng dụng AI, với sự tham gia của các chuyên gia từ các bộ phận phát triển và biên tập, nhằm triển khai AI hiệu quả hơn trên quy mô toàn tổ chức./.

Tâm An