Điện Biên cần triển khai giải pháp đồng bộ để đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân
Xã hội số - Ngày đăng : 15:11, 12/12/2024
Điện Biên cần triển khai giải pháp đồng bộ để đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân
Cả đặc điểm địa hình, dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội khiến Điện Biên gặp nhiều khó khăn khi triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân. Chính quyền tỉnh cần tập trung triển khai giải pháp tổng thể thì mới cải thiện được vấn đề này.
Tỷ lệ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên: 9.539,93 km2, cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào. Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc hơn 455 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Đây là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em (Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Trong đó, dân tộc H'Mông chiếm 38,12%; dân tộc Thái chiếm 35,69%; dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác, như: Khơ Mú, Dao, Kháng, Lào, Hà Nhì… Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại địa phương này đang gặp nhiều khó khăn, do đặc thù địa lý, hạ tầng và điều kiện kinh tế - xã hội.
Điện Biên là một trong 9 tỉnh đầu tiên kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời cơ bản hoàn thành kết nối với các bộ ngành Trung ương. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước các cấp đạt 100%. 100% cơ quan nhà nước các cấp có mạng nội bộ (LAN) kết nối Internet băng rộng và kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trung tâm dữ liệu của tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo qui định, cung cấp nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh.
Tỉnh đang cung cấp 1.789 thủ tục hành chính được đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trong đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình trên hệ thống của tỉnh.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, kết quả Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong mấy năm gần đây của Điện Biên nằm trong nhóm có chỉ số điểm thấp. Các chỉ số thành phần như: "Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương", "Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương" và "Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử" đều ở mức dưới trung bình.
Nguyên nhân cơ bản có thể do Điện Biên là tỉnh có điểm xuất phát kinh tế - xã hội thấp, phần lớn nhận hỗ trợ ngân sách từ trung ương nên ngân sách đầu tư cho DVCTT còn eo hẹp. Nhiều khu vực trong tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, nhiều nơi chưa phủ sóng di động và kết nối Internet, khiến cho việc đầu tư hạ tầng viễn thông tốn kém, trong khi hiệu quả kinh tế không cao. Trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nhiều đồng bào DTTS sinh sống, nhiều người trong tuổi lao động của tỉnh đi làm ăn xa.
Điều kiện tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của người dân còn hạn chế: nhiều người dân chưa có điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối Internet. Việc vận động, tuyên truyền để người dân sử dụng DVCTT trên toàn tỉnh rất khó khăn.
Khó khăn cả nhân lực và vật lực
Số liệu từ “Báo cáo tư vấn triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở tỉnh Điện Biên” do UNDP thực hiện cho biết: Đến hết năm 2023, khoảng 93% hộ dân Điện Biên được sử dụng điện lưới quốc gia, song vẫn còn 7% số hộ, đặc biệt tại các thôn bản vùng sâu, chưa có điện. Một số khu vực thuộc vùng “lõm” sóng di động, chẳng hạn tại huyện Điện Biên Đông, 30% địa bàn không có sóng điện thoại. Tại huyện Mường Ảng, 5 bản chưa có điện và 6 bản chưa được phủ sóng 4G.
Trang thiết bị máy tính, máy in, máy quét tại các bộ phận “một cửa” cấp xã còn thiếu thốn và cũ kỹ. Việc mua sắm tập trung một năm một lần qua Sở Thông tin và Truyền thông gây khó khăn trong việc nâng cấp kịp thời.
Khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT của người dân còn thấp. Phần lớn người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, chưa quen với việc sử dụng DVCTT. Nhiều người không sở hữu điện thoại thông minh, tài khoản định danh hoặc phương tiện kết nối Internet.
Bên cạnh đó, công chức cấp xã thường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, phải xử lý lượng lớn thủ tục trực tuyến mà chưa được đào tạo đầy đủ. Một số phần mềm quản lý dữ liệu không đồng bộ, gây khó khăn khi vận hành. Áp lực từ các chỉ tiêu phải hoàn thành DVCTT đúng hạn khiến đội ngũ cán bộ cảm thấy mệt mỏi và quá tải.
Đa số người dân vẫn có thói quen thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp. Một điểm rất quan trong nữa là, người dân chưa thực sự thấy được tính ưu việt, thuận lợi của DVCTT so với làm trực tiếp. Do DVCTT ở giai đoạn đầu còn nhiều lỗi, trong đó có lỗi phần mềm, đường truyền Internet yếu, máy vi tính chạy chậm nên khi làm trực tuyến có khi còn lâu hơn làm trực tiếp. Đối với nhiều người dân vùng đồng bào DTTS, việc đến Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện làm các TTHC không chỉ đơn thuần là giải quyết thủ tục giấy tờ mà còn có cả nhu cầu giao tiếp, giao lưu, giải đáp thắc mắc và được công chức hướng dẫn.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng được thành lập ở nhiều xã trong tỉnh Điện Biên nhưng chưa phát huy tác dụng do chưa được tập huấn theo hình thức "cầm tay chỉ việc" để họ có thể tự thực hiện các thao tác trên Cổng DVCTT, từ đó hướng dẫn người dân ở thôn, bản. Cần có thời gian để xem xét và đánh giá hoạt động của các tổ này trong thời gian tới.
Qua các hoạt động điều tra thực tế tại địa bàn, các chuyên gia của UNDP rút ra những nguyên nhân cơ bản:
- Điều kiện kinh tế - xã hội thấp: Thu nhập bình quân đầu người thấp khiến người dân không đủ khả năng đầu tư thiết bị công nghệ. Đời sống khó khăn ở vùng DTTS làm tăng thêm rào cản trong tiếp cận dịch vụ số.
- Hạ tầng viễn thông chưa phủ rộng: Việc xây dựng trạm phát sóng hoặc lắp đặt mạng tại vùng xa đòi hỏi chi phí cao nhưng hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến chậm trễ trong triển khai.
- Hạn chế về năng lực cán bộ: Nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về sử dụng các công cụ số hóa. Cơ chế phối hợp giữa các bộ phận chưa đồng nhất, gây chậm trễ trong xử lý hồ sơ.
- Thiếu tài liệu hướng dẫn phù hợp: Các nội dung tuyên truyền chưa được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ DTTS hay các hình thức truyền thông gần gũi với người dân.
Cần một giải pháp căn cơ thông suốt từ tỉnh tới xã
Để giải quyết các khó khăn trên, cần triển khai đồng bộ các biện pháp từ cấp chính quyền trung ương đến địa phương. Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với tỉnh Điện Biên về việc cải thiện điều kiện tiếp cận DVCTT đối với người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
- Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Một trong các nội dung quan trọng là đưa điện lưới quốc gia và xóa các điểm lõm về Internet, khả năng phủ sóng 3G/4G trên toàn tỉnh. Song song với đó, tỉnh cần quan tâm nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số và thực hiện DVCTT trên toàn tỉnh.
- Cần lựa chọn các vấn đề là thế mạnh để tập trung đầu tư, phát triển trước, trong đó cần xác định rõ lộ trình, mục tiêu, bước đi cụ thể trong chuyển đổi số, cung cấp DVCTT. Trong tổ chức thực hiện cần nghiên cứu thực tế tiếp cận, sử dụng của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS (chú ý đến thói quen, đặc điểm sinh hoạt của đồng bào Thái, Mông và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh).
- Thúc đẩy hoàn thành xác thực tài khoản định danh điện tử phổ cập; phổ biến chữ ký số công cộng cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
- Kết hợp thực hiện dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo mọi người dân tiếp cận các dịch vụ thuận tiện. Ưu tiên thực hiện DVCTT đối với các thủ tục hành chính đã chứng minh tính thuận tiện, ưu việt, giảm thời gian, chi phí cho cả cán bộ công chức và người dân, các thủ tục khác chỉ mang tính khuyến khích thực hiện trực tuyến chứ không bắt buộc thực hiện.
- Lồng ghép các chính sách, tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chính sách, chương trình khác nhau đặc biệt là ba chương trình mục tiêu quốc gia tăng thêm nguồn lực cho phát triển DVCTT tại các xã thuộc địa bàn khó khăn trong tỉnh.
- Xem xét, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh, hướng đến thực chất. Tìm kiếm thử nghiệm các mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng có sự tham gia của giáo viên, bộ đội biên phòng, cán bộ văn hóa thông tin… Việc hỗ trợ này có thể làm thử nghiệm trong 1 năm, sau đó sẽ đánh giá tổng kết có gia hạn hay không.
- Thiết kế lại giao diện Cổng DVCTT của tỉnh đơn giản, thân thiện với người dùng mọi trình độ để người dân, doanh nghiệp dễ thao tác, thực hiện các DVCTT khi cần. Các cán bộ, công chức khi hướng dẫn người dân cần lưu ý các chỗ, khâu vướng mắc mà người dân khi sử dụng có vướng mắc để thống kê, sau đó có thể điều chỉnh giao diện hoặc tập hợp thành bộ các câu trả lời có sẵn để lần sau khi người dân vướng mắc có thể xem. Thêm công cụ tiếp nhận giọng nói trong tra cứu TTHC; xây dựng và trình chiếu các phim hướng dẫn ngắn có lồng tiếng DTTS trình chiếu ở Bộ phận “một cửa” cấp xã tại những nơi có đa số đồng bào DTTS sinh sống.
Việc triển khai DVCTT tại Điện Biên đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm nâng cấp hạ tầng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ số, và cải thiện năng lực của đội ngũ cán bộ. Những giải pháp nêu trên không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản trị công tại Điện Biên mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ./.