Đưa dịch vụ công trực tuyến đến đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận
Xã hội số - Ngày đăng : 06:17, 13/12/2024
Đưa dịch vụ công trực tuyến đến đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận
Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các tỉnh như Ninh Thuận, nơi tập trung đông đồng bào DTTS.
Vẫn còn nhiều rào cản
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những nỗ lực quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở các địa phương như Ninh Thuận.
Nghiên cứu đánh giá thực trạng cung cấp Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần và toàn trình thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã cũng như khả năng tiếp cận, sử dụng DVCTT của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện mới đây, đã cho thấy còn nhiều rào cản đối với việc tiếp cận DVCTT của đồng bào DTTS.
Báo cáo nghiên cứu tại tỉnh Ninh Thuận tập trung vào nhận diện thực trạng, xác định nguyên nhân tác động và gợi ý giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở Ninh Thuận - là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thông qua nghiên cứu sâu hai thủ tục hành chính (TTHC): (1) Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, và (2) Liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (liên thông thủ tục “3 trong 1”). Khảo sát thực địa được tiến hành tại 4 xã thuộc hai huyện Thuận Nam và Bác Ái, trong đó phân loại gồm có 01 xã khu vực II và 3 xã thuộc khu vực III. Báo cáo nghiên cứu cung cấp những thông tin chi tiết về thực tế triển khai DVCTT tới người dân nơi đây.
Hạ tầng kỹ thuật số của tỉnh mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Theo báo cáo, 99,6% thôn/xã tại Ninh Thuận đã có hạ tầng cáp quang, nhưng vẫn còn những khu vực chưa được phủ sóng như thôn Ma Lâm, xã Phước Tân, huyện Bác Ái.
Trang thiết bị, máy móc tại Bộ phận một cửa hầu hết được trang bị từ năm 2015, thường xuyên bị lỗi, chậm, gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng DVCTT của cán bộ tại Bộ phận một cửa. Số tiền chi trả thuê bao hàng tháng của các xã khoảng 300.000 ngàn đồng/tháng – tương đương với mức sử dụng của một hộ gia đình. Băng thông và tốc độ Internet tại các xã miền núi vẫn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu xử lý DVCTT một cách ổn định.
Trình độ dân trí và kỹ năng số của đồng bào nơi đây còn nhiều hạn chế. Phần lớn đồng bào DTTS (với hơn 87% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc Raglay) có trình độ học vấn thấp, một số người không biết đọc hoặc viết tiếng Việt, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận DVCTT. Điều kiện kinh tế của người dân rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại địa bàn nghiên cứu còn rất cao, điển hình như huyện Bác Ái là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Thuận.
Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh hoặc có kết nối Internet rất thấp, đặc biệt ở các xã thuộc khu vực III. Ví dụ, nhiều người dân vẫn sử dụng SIM không chính chủ hoặc SIM bị khóa một chiều, không đáp ứng điều kiện đăng ký tài khoản DVCTT.
Giao diện của Cổng DVC của tỉnh chưa thân thiện, không có hướng dẫn bằng video, âm thanh, bằng tiếng dân tộc. Các DVC thiết yếu chưa được hiển thị hay gợi ý ngay ở trang chủ. Quy trình thực hiện DVC trực tuyến còn tương đối phức tạp so với trình độ người dân (đặc biệt có nhiều người học vấn thấp, người DTTS).
Cổng cũng chưa áp dụng công cụ tiếp nhận giọng nói trong tra cứu; chưa có các phim hướng dẫn ngắn có lồng tiếng DTTS trình chiếu ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận “một cửa”) cấp xã tại những nơi có đa số đồng bào DTTS sinh sống. Những rào cản này khiến người dân e ngại khi tiếp cận DVCTT.
Khung pháp lý và quy trình thủ tục hành chính chưa được tối ưu hóa để phù hợp với điều kiện vùng khó khăn. Ví dụ, việc yêu cầu các tài liệu xác nhận từ nhiều địa phương khác nhau gây khó khăn cho cả người dân và cán bộ. Với điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa phương chưa đủ nguồn lực đầu tư đồng bộ cho hạ tầng, thiết bị và các chương trình đào tạo về DVCTT.
Trong khi đó, quy trình DVCTT còn phức tạp và không đồng bộ. Các phần mềm quản lý dữ liệu chưa liên thông, buộc cán bộ tư pháp - hộ tịch phải nhập liệu nhiều lần trên các hệ thống khác nhau, gây mất thời gian và tăng khối lượng công việc.
Tỉnh Ninh Thuận đã thành lập được 2.439 tổ CNSCĐ. Thành viên của tổ CNSCĐ ở cấp xã bao gồm Chủ tịch xã, mặt trận, đoàn thể; ở cấp thôn gồm bí thư/trưởng thôn (làm tổ trưởng), đoàn thể, hội thôn, giáo viên..v.v... Hoạt động chính của tổ CNSCĐ là tuyên truyền, dân vận người dân về thực hiện các DVCTT. Việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các DVCTT còn nhiều hạn chế do bản thân thành viên của tổ CNSCĐ không có điện thoại thông minh, không nắm rõ quy trình thủ tục và không quen thao tác trên các phần mềm ứng dụng.
Mặt khác, đa số người dân có thói quen thực hiện thủ tục trực tiếp tại trụ sở xã vì cảm thấy yên tâm hơn. Các dịch vụ trực tuyến còn quá mới mẻ và chưa chứng minh được tính ưu việt rõ rệt với họ.
Cần triển khai giải pháp toàn diện
Để giải quyết những vấn đề nêu trên và đưa DVCTT đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, các chuyên gia nghiên cứu đã khuyến nghị giải pháp toàn diện cần được triển khai:
Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số: Đầu tư nâng cấp thiết bị tại các điểm tiếp nhận DVCTT, đặc biệt ở các xã miền núi. Ưu tiên sử dụng các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa từ doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn.
Nâng cao băng thông Internet và chất lượng đường truyền tại các khu vực vùng sâu. Bảo trì, sửa chữa kịp thời các thiết bị đã lỗi thời nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
Tăng cường năng lực cho cán bộ và người dân
Đối với cán bộ: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số, sử dụng phần mềm và xử lý thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến. Các lớp tập huấn cần có sự tham gia của các chuyên gia để nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi công việc.
Đối với người dân: Xây dựng các chương trình hướng dẫn cách sử dụng DVCTT thông qua tổ công nghệ số cộng đồng. Những hướng dẫn cần được thể hiện dưới dạng video, hình ảnh minh họa sinh động, sử dụng tiếng dân tộc để dễ tiếp cận hơn.
Đơn giản hóa quy trình và cải thiện giao diện: Thiết kế lại giao diện cổng DVCTT theo hướng đơn giản hóa, thân thiện với người dùng, bổ sung công cụ hỗ trợ bằng giọng nói và ngôn ngữ dân tộc.
Loại bỏ các bước không cần thiết trong quy trình đăng ký, tích hợp biểu mẫu khai trực tuyến thay vì yêu cầu tải xuống và tải lên thủ công.
Liên thông dữ liệu và cải thiện phần mềm: Xây dựng hệ thống liên thông giữa các phần mềm của Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội để đồng bộ hóa dữ liệu, giảm khối lượng công việc thủ công cho cán bộ. Cải thiện tính ổn định của hệ thống, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc cuối ngày làm việc.
Thúc đẩy nhận thức và thay đổi thói quen: Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của DVCTT thông qua các buổi gặp gỡ cộng đồng, phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương hoặc thông báo qua loa phát thanh thôn, bản. Khuyến khích và hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT bằng cách cung cấp các thiết bị công nghệ giá rẻ hoặc miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo.
Thử nghiệm mô hình mới: Thực hiện thí điểm các mô hình giải quyết DVCTT lưu động tại các xã khó khăn, dựa trên kinh nghiệm thành công của Hà Giang. Từ kết quả thí điểm, nhân rộng mô hình đến các khu vực khác.
Việc đưa DVCTT đến với người dân vùng sâu, vùng xa và đồng bào DTTS không chỉ đơn thuần là mục tiêu kỹ thuật mà còn là một nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. Thành công trong việc này sẽ góp phần xóa bỏ rào cản địa lý, nâng cao hiệu quả quản trị công và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng để hiện thực hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số./.