Nâng cao hiệu quả quản lý thuế bằng hóa đơn điện tử
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:55, 06/12/2024
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế bằng hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã hỗ trợ đáng kể cho lĩnh vực quản lý thuế tại Việt Nam, góp phần hiện đại hóa quy trình quản lý, tăng tính minh bạch và giảm thất thu thuế.
Không ngừng mở rộng triển khai hóa đơn điện tử
HĐĐT, đặc biệt là loại hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, cho phép dữ liệu giao dịch được truyền trực tiếp đến cơ quan thuế theo thời gian thực. Điều này giúp giảm thiểu gian lận thuế và tối ưu hóa quy trình kiểm tra, đối soát thông tin.
Việc sử dụng HĐĐT buộc các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định về khai báo và đóng thuế. Các hoạt động bán hàng, từ bán lẻ xăng dầu đến dịch vụ nhà hàng, đều được giám sát kỹ lưỡng thông qua hệ thống, nhờ đó tăng cường minh bạch và hiệu quả quản lý thuế

Từ tháng 7/2022, HĐĐT đã được triển khai trên toàn quốc cho tất cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh, bao gồm cả các lĩnh vực khó kiểm soát như trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống và nhà hàng. Điều này giúp giảm thất thu thuế trong các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.
Các chiến dịch như "Hóa đơn may mắn" đã được triển khai để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, qua đó nâng cao tính tự giác và sự hợp tác của người dân trong giám sát hoạt động thuế.
Tính đến ngày 30/11/2024, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 11 tỷ hóa đơn điện tử. Trong đó, có 2,68 tỷ hóa đơn có mã, hơn 7,22 tỷ hóa đơn không mã, hơn 2,04 triệu hóa đơn theo lần phát sinh và hơn 1,3 tỷ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
HĐĐT giảm thiểu nhu cầu xử lý giấy tờ thủ công, tiết kiệm chi phí in ấn và lưu trữ. Điều này cũng giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý và tập trung hơn vào các hoạt động kiểm tra, giám sát. Các loại HĐĐT (có mã hoặc không có mã) được thiết kế phù hợp với nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt là những ngành có tần suất giao dịch lớn và giá trị giao dịch nhỏ.

Hỗ trợ quản lý thuế trong thương mại điện tử
HĐĐT được kết nối dữ liệu với các nền tảng số, tích hợp với các cổng thanh toán và nền tảng thương mại điện tử, tạo điều kiện quản lý thuế đối với giao dịch trên môi trường số. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc kết nối dữ liệu dân cư và các thông tin liên quan để tăng tính chính xác và hiệu quả.
Việc triển khai HĐĐT hỗ trợ giám sát doanh thu thực tế của các cá nhân và doanh nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử, đảm bảo thu đúng, thu đủ và đúng thời gian.
Mặt khác việc triển khai HĐĐT giúp nâng cao khả năng giám sát và xử lý vi phạm. Cơ quan thuế sử dụng dữ liệu từ HĐĐT để phát hiện sai phạm, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về lập hóa đơn và công khai các hành vi gian lận để răn đe. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, và Bộ Công an phối hợp trong việc giám sát và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực có rủi ro cao như xăng dầu và thương mại điện tử.
Mới đây, Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách và ứng dụng công nghệ mới vào quản lý HĐĐT
Thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý thu thuế.

Hoạt động quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số vướng mắc và thách thức cụ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và phần mềm cần thiết để triển khai HĐĐT.
Tại một số địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp và hộ kinh doanh sử dụng HĐĐT thấp, dù đã đăng ký. Ví dụ, các tỉnh như Bắc Kạn, Trà Vinh, và Quảng Bình có tỷ lệ sử dụng HĐĐT dưới 50%.
Một số trường hợp sử dụng HĐĐT giả mạo hoặc lập hóa đơn khống để trốn thuế đã được phát hiện, đòi hỏi cơ quan thuế phải giám sát chặt chẽ hơn từ khâu đăng ký đến khi sử dụng hóa đơn.
Đồng thời, việc truy cập dữ liệu hóa đơn của nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin, đòi hỏi các biện pháp bảo mật cao hơn
Hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và rõ ràng trong quy định quản lý HĐĐT mà ngành Thuế cần sửa đổi bổ sung. Một số quy định về thời điểm lập hóa đơn cho các ngành đặc thù (như ngân hàng, bảo hiểm), hoặc việc sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất khi bán tài sản, vẫn chưa được làm rõ. Điều này dẫn đến khó khăn trong thực hiện và xử lý. Quy định hiện tại chưa phân biệt rõ các trường hợp cần điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn, khiến doanh nghiệp lúng túng khi gặp lỗi trong quá trình lập hóa đơn.
Đại diện cơ quan Thuế cho biết, trong thời gian tới, Ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế; rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng chính như: dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ xăng dầu… đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất hóa đơn điện tử.

Hệ thống hạ tầng và dữ liệu của ngành Thuế sẽ tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kiên quyết xử lý theo pháp luật những người cố tình không thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Chủ trương phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch hóa nền kinh tế, tăng thu ngân sách cũng như mang lại lợi ích với các đối tượng nộp thuế. Các cá nhân, hộ kinh doanh lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền) khi mua xăng, dầu nói riêng và mua hàng hóa, dịch vụ nói chung sẽ được đảm bảo quyền lợi tiêu dùng, giúp người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh.
Ngành Thuế đang phấn đấu chậm nhất đến hết tháng 6/2025, toàn quốc đạt tỷ lệ ít nhất 95% cửa hàng sử dụng giải pháp kết nối tự động để phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đúng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ. Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định này để làm rõ các quy định liên quan đến thời điểm lập hóa đơn và quản lý hóa đơn trong các ngành nghề đặc thù.
Dự kiến, tháng 1 năm 2025 ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, trong đó có các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.
HĐĐT không chỉ hỗ trợ ngành thuế đạt hiệu quả cao hơn trong quản lý mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại và công bằng. Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của ngành thuế tại Việt Nam./.