Nhận diện và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Truyền thông - Ngày đăng : 10:15, 14/12/2024
Nhận diện và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là hành động rất cần thiết để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời trực tiếp bảo vệ vững chắc tư tưởng Đảng.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng đã tự xác định vai trò là “đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng".
Trong suốt 94 năm qua, Đảng luôn khẳng định “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - văn bản pháp luật cao nhất của đất nước.
Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
Mặc dù vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp nhưng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền đến nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chưa bao giờ ngừng chống phá, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Từ hình thức chống phá vũ trang, chúng chuyển sang thủ đoạn tinh vi hơn, với âm mưu “diễn biến hòa bình”, tận dụng công nghệ số nhằm phát tán những thông tin chống phá, xuyên tạc, bóp méo sự thật về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 - mà thực chất, là xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng cũng nhằm vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tìm mọi cách quy kết “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là có “tội” với dân tộc và nhân dân”. Chúng “chụp mũ”, cho rằng “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, đói khổ, nghèo nàn, cùng quẫn”… Đây là luận điệu vu khống, bịa đặt, bôi nhọ trắng trợn nhằm phủ nhận công lao to lớn của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Các thế lực thù địch xuyên tạc về quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam rằng: “Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa yêu nước vào quy luật hình thành Đảng là trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin về đảng cộng sản”, “chủ nghĩa yêu nước chỉ làm mất bản chất giai cấp công nhân của Đảng”… Luận điệu này hoàn toàn vô lý, không có cơ sở khoa học thực tiễn.
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thế lực thù địch phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; cho rằng “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng là sự lỗi thời, lạc hậu”; “chủ nghĩa Mác - Lê-nin là lý thuyết suông về CNXH không tưởng, không có thực”…
Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Mục đích của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lịch sử của dân tộc, lấy cớ cổ suý cho ý đồ xây dựng, hình thành những đảng phái chính trị đối lập, chống phá từ bên trong.
Trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối còn cho rằng, việc Đảng kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là siêu hình, trái quy luật và xu thế phát triển của thế giới.
Lại có ý kiến đưa ra lý lẽ lập lờ rằng, nội hàm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là mông lung, khó khả thi vì bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là bảo vệ một đảng phái, một chế độ chính trị nào.
Có ý kiến quy kết “chế độ độc đảng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu”! Các đối tượng tiếp tục dẫn chứng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu để biện minh cho quan điểm của mình…
Không dừng lại ở việc phủ nhận nền tư tưởng Đảng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò của Đảng, các thế lực xấu còn lợi dụng những tiêu cực trong xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, để gây nhiễu dư luận. Chúng xuyên tạc rằng nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực đó là do sự lãnh đạo của Đảng.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng đưa ra luận điệu “tham nhũng là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng”; “việc phòng, chống tham nhũng thực chất là đấu đá trong nội bộ Đảng”… Từ đó, chúng hô hào thành lập “đa nguyên”, “đa đảng”.
Thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Lịch sử ghi nhận, trước khi có sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta bị áp bức dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tuy dấy lên mạnh mẽ và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau nhưng đều không thành công do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một học thuyết khoa học tiên tiến soi đường.
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp; hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan của lịch sử đất nước; được nhân dân thừa nhận, tin tưởng, yêu mến, suy tôn, ủy thác và ra sức xây dựng, bảo vệ.
Về tổ chức, Đảng “là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh”; có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, sẵn sàng đấu tranh vì lý tưởng của Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lý luận cách mạng, khoa học, tiến bộ; là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Về đường lối cách mạng, ngay tại Hội nghị thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, trong đó vạch ra mục tiêu, nhiệm vụ và con đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, đó là: Tiến hành cuộc cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - một chế độ tốt đẹp, ưu việt nhất dành cho tất cả người dân Việt Nam. Đây là con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.
Với ý nghĩa đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu, đã chấm dứt sự khủng hoảng về tổ chức lãnh đạo và đường lối cứu nước ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, Đảng vẫn giữ vững được vai trò, bản lĩnh trước sóng gió “chấn động chính trị” cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) làm hàng loạt các đảng cộng sản bị mất vai trò cầm quyền, dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô.
Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng ta đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; năm 2008 ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình. Nước ta đã trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á sau gần 40 năm đổi mới. Quy mô GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên 406 tỷ USD (năm 2022).
Năm 2023 quy mô của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng 5,05% so với năm 2022, ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Trên đà tăng trưởng, năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu GDP tăng 6-6,5% so với năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD và sau 9 tháng đã tăng 6,82% so với cùng kỳ, nhiều dự báo GDP cả năm nay có thể đạt 7%.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, diện mạo đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đời sống Nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất, văn hóa, tinh thần, về mức sống và chất lượng cuộc sống, nhất là về ăn ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống.
Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, kết hợp nội lực và ngoại lực, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, điều đó càng chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là bất biến, không thể có một thế lực nào thay thế được Đảng Cộng sản Việt Nam./.