Chuyển đổi số với báo chí đa nền tảng và bài toán nhân lực
Báo chí - Ngày đăng : 10:00, 14/12/2024
Chuyển đổi số với báo chí đa nền tảng và bài toán nhân lực
Khi báo chí đa nền tảng là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí ngày càng quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Gắn chặt hơn với các cơ sở đào tạo uy tín, thậm chí mời sinh viên về tòa soạn để vừa đào tạo, vừa thực hành là những giải pháp mà một số cơ quan báo chí đã áp dụng và cho hiệu quả ban đầu.
Xu hướng báo chí đa nền tảng và những vấn đề đặt ra
Báo chí đa nền tảng (multi platform journalism) đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Tại Việt Nam, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số vào năm 2025 và 100% vào năm 2030, báo chí đa nền tảng càng được các tòa soạn đầu tư phát triển, tập trung vào ba nền tảng chính: nền tảng xã hội (social), nền tảng di động (mobile), nền tảng web.
Để làm báo chí đa nền tảng đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đầu tư nguồn lực lớn, phải có một đội ngũ nhân lực mạnh cùng những chiến lược bài bản và lâu dài.
Thực tế, ngay cả những cơ quan báo chí hàng đầu, việc có nhân sự chuyên trách về việc triển khai nội dung báo chí lên các nền tảng cũng không nhiều. Đa phần các cơ quan báo chí sử dụng nhân sự kiêm nhiệm, cá biệt có cơ quan giao hẳn cho các đơn vị đối tác là các công ty truyền thông.
Bên cạnh đó, nếu có nhân sự chuyên trách, đòi hỏi về tố chất của các phóng viên này cũng cực kỳ cao. Theo đó, phóng viên phải biết sáng tạo tác phẩm cho các loại hình khác nhau, tức là không chỉ thành thạo các công cụ tác nghiệp mà còn phải biết quay, dựng, chụp ảnh bằng thiết bị di động, phải sử dụng tốt các phần mềm, công cụ hỗ trợ, phải am hiểu về mạng xã hội, có khả năng tác nghiệp độc lập, chịu được áp lực cao...
Một số lãnh đạo cơ quan báo chí cho rằng, họ không có thời gian để đào tạo những sinh viên mới ra trường, thay vào đó, họ sẽ chọn những phóng viên “cứng”, đã thành thạo tác nghiệp phục vụ cho đa loại hình, đa nền tảng.
Chính vì vậy, nhiều cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn về nguồn nhân lực khi “thừa mà thiếu”, thừa đội ngũ sinh viên mới ra trường và thiếu những nhà báo có thể đáp ứng được việc tác nghiệp trong bối cảnh đa nền tảng. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm cũng như những cơ hội rất lớn trong việc đào tạo nhân lực cho ngành báo chí truyền thông.
Một số giải pháp trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của báo chí đa nền tảng
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên đã được tiếp cận với những xu hướng báo chí mới nhất hiện nay và được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng được việc làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số và đa nền tảng của báo chí thông qua các môn học thiết thực như: Báo chí đa nền tảng, báo chí di động, truyền thông xã hội và mạng xã hội, báo chí dữ liệu, tòa soạn hội tụ, Megastory, Podcast...
Các môn học không chỉ mang đến cho sinh viên những kiến thức mới nhất về các xu hướng báo chí mới trên thế giới, cách thức vận hành của các nền tảng mà còn cung cấp cho sinh viên những kỹ năng thực tế để có thể sáng tạo các tác phẩm phục vụ cho các nền tảng này cũng như cách quản trị các nền tảng.
Sinh viên Nguyễn Khôi Dương, Viện Báo chí Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia thực hành nghiệp vụ tại phòng học đa năng, studio ảnh, studio phát thanh, studio truyền hình. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo, các chuyên gia nổi tiếng đến từ các cơ quan báo chí, các tập đoàn truyền thông, các doanh nghiệp truyền thông đã giúp cho sinh viên có những cái nhìn cụ thể nhất về đời sống báo chí.
Sinh viên cũng được khuyến khích thực hành, sáng tạo tác phẩm, thậm chí tham gia các dự án truyền thông đa phương tiện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
"Thực tế, ngoài đảm bảo các giờ học thực hành ở trường, em đã và đang cộng tác với một cơ quan báo chí trong ngành Nội chính. Em được phụ trách tham gia vào khâu dựng các video clip ngắn dưới 60 giây để đăng tải trên nền tảng Tiktok, rồi video dài trên 5 phút phát trên YouTube và hiện đang bắt đầu tham gia sản xuất các sản phẩm Podcast... Đây đều là các sản phẩm báo chí đa nền tảng mà các cơ quan báo chí hiện nay đang đặt ra yêu cầu không thể thiếu, còn chúng em thì có khả năng đáp ứng được những sản phẩm ban đầu", Nguyễn Khôi Dương chia sẻ.
Tương tự, với Bàn Thị Nguyệt Anh, sinh năm cuối của Viện Báo chí Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong bối cảnh các cơ quan báo chí cần lấp đầy các nền tảng, nhất là các nền tảng mạng xã hội, thì em may mắn được một cơ quan Tạp chí đang trong quá trình đổi mới cách làm liên hệ để thử việc.
Với những kiến thức và kỹ năng quay video, biên tập và hoàn thiện thành một sản phẩm video ngắn như đã thực hành trong Học viện, hiện nay em đã tham gia một trong những công đoạn sản xuất các sản phẩm video phát định kỳ của Tạp chí.
Không kể đến các sinh viên đã bắt đầu tìm được "chỗ đứng" trong vai trò cộng tác nhiệt tình với các cơ quan báo chí, trong khuôn khổ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các sản phẩm báo chí truyền thông của trường như: trang thông tin Songtre.vn, Truyenthongtre.vn, đặc san Báo chí Trẻ... đều do sinh viên đảm trách để tăng cường năng lực thực hành...
Theo ThS. Trương Hoài Trâm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đào đạo nhân lực báo chí truyền thông đáp ứng yêu cầu của báo chí đa nền tảng cần chú ý thực hiện bốn giải pháp chính, gồm:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh việc cung cấp các kỹ năng để khi ra trường, sinh viên thực sự là những nhà báo đa phương tiện.
Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh mô hình đào tạo “đưa tòa soạn đến giảng đường".
Thứ ba, cần tăng cường và tạo điều kiện để đưa giảng viên đi thực tế tại các cơ quan báo chí, các đơn vị truyền thông, đặc biệt là tại các cơ quan, đơn vị lớn, có ứng dụng sâu về báo chí đa nền tảng.
Thứ tư, trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ là vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là yêu cầu tối thượng.
"Khi việc chuyển đổi số không còn là câu chuyện mơ hồ, yêu cầu dành cho các nhà báo của báo chí chuyển đổi số phải có kỹ năng “chuyển đổi số toàn diện” như kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với AI... thì việc đưa những công nghệ này đến với các sinh viên là hoàn toàn cần thiết. Đặc biệt, giới trẻ là những người rất nhanh nhẹn với công nghệ, chưa có nhiều sức ì của làm báo truyền thống, việc tiếp thu công nghệ, làm báo với công nghệ sẽ trở nên rất đơn giản và nhẹ nhàng...", ThS. Trương Hoài Trâm nhìn nhận./.