Người lao động Việt Nam sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 22:05, 13/12/2024
Người lao động Việt Nam sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI
Phần lớn người lao động sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI. Tuy nhiên, mức chi trả chủ yếu tập trung ở khoảng giá thấp, dưới 500.000 đồng. Điều này xuất phát từ nhu cầu học tập thiết thực nhưng vẫn thận trọng trong việc đầu tư cho các khóa học chi phí cao khi hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
93,49% nhân sự CNTT Việt Nam đang sử dụng AI
Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024 - 2025 của TopCV, thị trường tuyển dụng nhóm công nghệ thông tin (IT) - Phần mềm trong năm 2024 vẫn còn tồn tại những khó khăn, chủ yếu đến từ nguồn cung ứng viên: tuy không hạn chế nhưng vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao.
Ngoài ra, hiện tại các công ty thường cạnh tranh gay gắt và đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các nhân sự nhóm này do đó việc giữ chân các nhân sự IT - Phần mềm thường gặp nhiều thách thức.
Đồng thời, quy trình tuyển dụng đối với các vị trí này thường trải qua nhiều vòng phỏng vấn và bài kiểm tra chuyên môn, đặc biệt là về Kiểm tra mã nguồn (Code Testing) hay Thử thách thuật toán (Algorithm Challenges). Các công ty công nghệ thường chú trọng việc đánh giá năng lực kỹ thuật thực sự thông qua những bài kiểm tra (test) thực hành và phỏng vấn chuyên sâu về kỹ năng chuyên môn kỹ thuật (technical skills), dẫn tới thời gian tuyển dụng cho nhóm ngành này kéo dài, nên đôi khi sự chậm phản hồi, cũng là nguyên nhân bỏ lỡ các ứng viên tốt.
Đặc biệt, sự hiện diện ngày càng lớn của AI không chỉ thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động, mà còn tác động mạnh mẽ đến cách người lao động thực hiện công việc hàng ngày.
Khảo sát cho thấy AI đang mang lại những cải thiện đáng kể về hiệu suất công việc đối với phần lớn người lao động, với 49,7% đánh giá AI giúp tăng hiệu suất trên 31%. Điều này cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng AI trong quy trình làm việc.... Tuy nhiên, vẫn còn tới 20,9% người lao động cho rằng tác động của AI không rõ ràng hoặc không có ảnh hưởng, và 26,6% nhận thấy hiệu suất chỉ tăng dưới 30%.
82,6% người lao động nhóm ngành không liên quan trực tiếp đến IT (Non-IT) cho biết đang sử dụng AI trong công việc, cho thấy một sự phổ biến cao và xu hướng mạnh mẽ hướng tới tự động / tối ưu hóa trong quy trình làm việc thông thường. Con số này thậm chí còn cao hơn ở nhóm nhân sự IT - Phần mềm, với 93,49% đang sử dụng AI hàng ngày.
Khi xét đến mức độ sử dụng thường xuyên, nhóm IT - Phần mềm cũng có tỷ lệ cao hơn đáng kể với 52,11%. Điều này phản ánh nhu cầu và yêu cầu công việc trong ngành IT, đặc biệt là các vị trí liên quan đến phát triển phần mềm (lập trình viên, kỹ sư kiểm thử,...), AI/ML (machine learning) thường sử dụng AI nhiều hơn do yêu cầu kỹ thuật và tính chất công việc. Ngược lại, nhóm Non-IT có tỷ lệ sử dụng AI thường xuyên chỉ khoảng 33,6%.
Chatbot và trợ lý ảo là công cụ phổ biến nhất ở cả hai nhóm, nhưng tỷ lệ sử dụng ở nhóm IT - Phần mềm (59,24%) cao hơn nhóm Non-IT (47,62%). Cụ thể, 11,68% nhóm IT - Phần mềm ưu tiên công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để phân tích văn bản hoặc các mô hình phức tạp. Trong khi đó, nhóm Non-IT sử dụng nhiều hệ thống CRM và phân tích dữ liệu (12,71%).
Những tác động của AI tới việc làm của người lao động đang dần trở nên rõ nét. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng vẫn là rào cản lớn nhất khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và vận dụng AI (28,89%). Ngoài ra, sự lo ngại về tính bảo mật (15,95%) và sự thiếu tin tưởng vào chất lượng dữ liệu (12,94%) cũng tạo ra nhiều trở ngại trong việc ứng dụng sâu rộng công nghệ này.
Bên cạnh đó, nỗi e ngại rằng AI có thể làm giảm giá trị cá nhân và thậm chí thay thế vai trò của chính mình cũng là một mối lo của 12,94% người lao động (NLĐ) được khảo sát. Điều này không chỉ phản ánh sự bất an về tương lai nghề nghiệp mà còn nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của NLĐ trong việc được hỗ trợ nâng cao kỹ năng và hiểu biết về AI.
Bức tranh thị trường tuyển dụng nửa cuối năm 2024 và hướng tới 2025 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể dưới sự tác động ngày càng lớn của công nghệ, đặc biệt là AI. Không chỉ ảnh hưởng đến cách thức vận hành doanh nghiệp và quy trình thu hút, giữ chân nhân tài, AI còn định hình viễn cảnh mới, nơi NLĐ cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển bản thân và nâng cao kỹ năng để bắt kịp làn sóng công nghệ, tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
NLĐ sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI
Trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, câu hỏi không chỉ nằm ở việc ngành nghề nào dễ bị ảnh hưởng, mà còn ở cách NLĐ đối mặt và thích nghi với làn sóng này. Điều này đòi hỏi không chỉ nhận thức sâu sắc mà còn cần các hành động cụ thể để biến AI thành cơ hội thay vì trở thành rào cản.
Kết quả khảo sát cho thấy thích nghi là yếu tố then chốt, giúp NLĐ dễ dàng hòa nhập vào kỷ nguyên AI. Bên cạnh đó, việc chủ động phát triển các kỹ năng mềm, đặc biệt là tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng chiến lược - những kỹ năng khó thay thế bởi AI, được đánh giá là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, NLĐ cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc tận dụng AI để tăng hiệu suất công việc.
Đứng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và những đòi hỏi ngày càng cao từ các doanh nghiệp, NLĐ không chỉ cần thích nghi mà còn phải chủ động nâng cấp năng lực nhằm thích nghi với các yêu cầu mới, đặc biệt là các kỹ năng sử dụng và ứng dụng AI. Phần lớn NLĐ sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI, đặc biệt là nhóm quản lý cấp cao như trưởng nhóm, trưởng phòng, hoặc giám đốc bộ phận.
Điều này phản ánh xu hướng các nhà lãnh đạo không chỉ dẫn dắt đội nhóm mà còn cần am hiểu công nghệ để đưa ra các quyết định chiến lược và khai thác tối đa tiềm năng của AI. Ngoài ra, nhóm lao động có kinh nghiệm cũng thể hiện tầm nhìn xa, khi họ không chỉ tập trung vào việc thích nghi với công nghệ mới mà còn tận dụng AI như một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong kỷ nguyên số hóa.
Tuy nhiên, mức chi trả cho các khóa học chủ yếu tập trung ở khoảng giá thấp. 46,4% người lao động sẵn sàng chi dưới 500.000 đồng cho thấy họ ưu tiên các giải pháp học tập cơ bản hoặc tự học từ các nguồn chi phí thấp. Điều này xuất phát từ nhu cầu học tập thiết thực nhưng vẫn thận trọng trong việc đầu tư cho các khóa học chi phí cao khi hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
60,55% NLĐ kỳ vọng các khóa học sẽ tập trung vào ứng dụng AI trong môi trường làm việc thực tế; 55,15% mong muốn sử dụng công cụ và phần mềm AI, 43,59% kỳ vọng có khả năng phân tích và trực quan hóa dữ liệu. Dựa trên những nhu cầu này, các tổ chức có thể tận dụng cơ hội để phát triển chương trình học tập trung vào tính thực tiễn và sát với nhu cầu công việc./.