Nền tảng để Việt Nam tham vọng thành công trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:13, 14/12/2024
Nền tảng để Việt Nam tham vọng thành công trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và AI của Việt Nam. Việc kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo trong thiết kế vi mạch và ứng dụng thực tiễn là nhiệm vụ then chốt.
Với chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”, ngày 14/12/2024, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp với Trường Đại học Phenikaa tổ chức “Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII, REV-ECIT 2024” với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT),
Hội nghị REV-ECIT 2024 đã quy tụ gần 300 nhà khoa học đến từ 61 trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên toàn quốc.
Kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đánh giá cao nỗ lực của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Phenikaa tổ chức hội nghị. Hội nghị có chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và ngành công nghệ số Việt Nam.
“Hội nghị lần này không chỉ góp phần triển khai chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam mà còn là bước đi đón đầu việc thực hiện các nghị quyết quan trọng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và AI của Việt Nam. Việc kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và tổ chức quốc tế để xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo trong thiết kế vi mạch và ứng dụng thực tiễn là nhiệm vụ then chốt. Trường ĐH Phenikaa hiện đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về bán dẫn và AI, đóng góp mạnh mẽ vào hệ sinh thái công nghệ của quốc gia.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và DN triển khai chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
“Chúng tôi kêu gọi các đơn vị, từ cơ sở đào tạo đến các tập đoàn công nghệ, tăng cường hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. Điều này bao gồm: thu hút đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp, phát triển nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy nghiên cứu giải quyết các bài toán thực tiễn trong sản xuất, thiết kế vi mạch, ứng dụng AI”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Theo TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội REV, năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng CNTT mà còn đổi mới toàn diện quy trình quản lý, sản xuất và năng lực công nghệ số, với hạ tầng TT&TT đóng vai trò then chốt.
Ngành TT&TT đã nỗ lực ứng dụng KHCN vào thực tiễn, đề xuất nhiều chính sách đột phá như chiến lược "Make in Việt Nam", phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và công nghiệp vi mạch bán dẫn, góp phần rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những cơ hội và thách thức của công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Điểm nhấn của Hội nghị Quốc gia REV-ECIT 2024 là Diễn đàn trao đổi về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Bộ TT&TT, các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, Viettel, MobiFone, Phenikaa, Rohde & Schwarz Việt Nam, Tektronix Việt Nam, Altair Việt Nam, PCB GraphTech Vietnam, IASI Technologies, Eon Reality Việt Nam, Thái Bình Scientific… và các DN công nghệ trên toàn quốc. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, góp phần định hướng phát triển các công nghệ quan trọng của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT), thế kỷ 21 đã chứng kiến những bước nhảy vọt trong CNTT, AI và CĐS. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò xương sống cho hầu hết các ngành công nghệ hiện đại, từ sản xuất điện thoại, máy tính, đến xe điện và cả những ứng dụng tiên tiến trong y tế.
“Việt Nam, với động lực kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, có cơ hội lớn để tham gia sau vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một chiến lược táo bạo, tỉ mỉ và hướng đi bài bản trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Chuỗi giá trị của ngành bán dẫn, bao gồm 3 giai đoạn chính: nghiên cứu và thiết kế chip, sản xuất chip (fabrication), và đóng gói - kiểm định. Trong ngắn hạn (5 - 7 năm), Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng cường tham gia vào giai đoạn đóng gói chip. Về dài hạn (10 - 20 năm), chúng ta hướng đến xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên sâu về thiết kế chip, tiến tới tạo ra một hệ sinh thái bán dẫn độc lập. Các chỉ tiêu bao gồm tạo ra hàng chục ngàn việc làm trong ngành trong vòng 10 năm, thu hút từ 5 đến 7 tập đoàn bán dẫn hàng đầu, và xây dựng ít nhất 3 trung tâm nghiên cứu lớn.
Theo TS. Nguyễn Khắc Lịch, để đạt được các mục tiêu này, yếu tố nhân lực và hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò quyết định. “Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH để thiết kế chương trình đào tạo chuyên sâu về chip, đồng thời triển khai các chương trình gửi nhân tài đi học tập tại những quốc gia có công nghệ chip tiên tiến, nhằm đảm bảo lực lượng nhân lực chất lượng cao”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
“Ngoài ra, hợp tác quốc tế cần được thúc đẩy thông qua các thỏa thuận FDI với các tập đoàn bán dẫn lớn, giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Theo TS. Bùi Việt Sơn, chuyên gia công nghệ bán dẫn của Tập đoàn Viettel, ngành bán dẫn đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ các xu hướng toàn cầu như sự bùng nổ của công nghệ 5G, điện toán đám mây (cloud computing), IoT và ô tô điện. Các thiết bị hiện đại, từ smartphone đến hệ thống tự động hóa công nghiệp, đều có nhu cầu sử dụng chip bán dẫn.
Các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đang mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn quốc tế. “Sự hiện diện của các tập đoàn lớn không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành mà còn mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử tiêu dùng, ô tô điện và giao thông thông minh”, TS. Bùi Việt Sơn nói.
Tuy vậy, dù có nhiều tiềm năng, ngành bán dẫn Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức như thiếu nguồn nhân lực, chi phí đầu tư cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam có thế mạnh gì để có thể đạt được các mục tiêu về bán dẫn như đã đề ra, ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn chính là con người.
“CEO Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã nhấn mạnh người Việt Nam sở hữu tư duy xuất sắc về STEM - toán học và khoa học kỹ thuật - một yếu tố phù hợp tự nhiên với các yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là nền tảng để Việt Nam tự tin đặt tham vọng thành công trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Ngoài ra, Hội nghị còn có các bài chia sẻ như định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Tập đoàn Viettel hay phát triển nguồn nhân lực AI từ góc nhìn thực tiễn đến từ TS. Lê Thái Hưng - Giám đốc Chiến lược VNPT AI, Tập đoàn VNPT; Bán dẫn của Phenikaa trong bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực Việt Nam của TS. Lê Thái Hà, Trung tâm Điện tử Vi mạch bán dẫn Phenikaa...
Không chỉ cung cấp những góc nhìn sâu sắc mà Hội nghị còn tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý, DN và tổ chức nghiên cứu. Những giải pháp và chiến lược được trình bày là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn và AI - hai lĩnh vực được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế tương lai./.