Chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ kinh tế Việt Nam 2024 tăng trưởng
Truyền thông - Ngày đăng : 09:35, 13/12/2024
Chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ kinh tế Việt Nam 2024 tăng trưởng
Trong thời gian qua, chính sách tài khóa đã và đang tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần tạo ra kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách tài khóa giúp phục hồi kinh tế
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.
Năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 5 năm (tính cả năm 2024) ước lên tới gần 900 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mạnh từ 10-50% của 36 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính… Các chính sách này được thực hiện đến hết năm 2024.
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thực tế giai đoạn dịch Covid -19, chính sách tài khóa đã thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Ông Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng. Với chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Ông Dorsati Madani nhận định: “Nhờ cam kết của chính quyền về kỷ luật tài khóa, nợ công và nợ được bảo lãnh công đã giảm từ 55% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 36% GDP năm 2023. Kết quả là, hiện nay Việt Nam có không gian tài khóa để tài trợ cho các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia và khu vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp tài khóa đã có tác động mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng thời gian qua”.
Tác động của chính sách tài khóa đúng đắn thể hiện ở nhiều mặt
Theo số liệu của 3 quý đầu năm 2024, các chính sách tài khóa thực sự có tác động tích cực đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội.
Tình hình doanh nghiệp ra nhập và rút khỏi thị trường đã có tín hiệu khá tích cực qua từng quý. Quý I/2024, số doanh nghiệp ra nhập thị trường chỉ bằng 0,8 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; chỉ số này của quý II đã đổi chiều, với số doanh nghiệp ra nhập bằng 1,08 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; đến quý III, chỉ số doanh nghiệp ra nhập thị trường gấp 1,11 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Trong 3 quý đầu năm 2024, hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 quý tháng đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong trong 3 quý có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,4% của khu vực FDI.
Tính chung 3 quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 50,6% tổng kim ngạch), tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 28,1%), tăng 7,9%.
Điểm sáng trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công giúp xử lý những bất cập chồng chéo trong môi trường pháp lý; với tư duy đổi mới, phương pháp, cách tiếp cận khác của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã rút ngắn thời gian thi công từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng. Đây là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan toả và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế. Thành công của dự án là minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân.
Cùng với tận dụng các lợi thế hiện có của kinh tế Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI, trong thời gian qua, Chính phủ có những quyết sách nhằm tạo dựng cơ hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận làn sóng FDI thế hệ mới.
Trong 3 quý đầu năm 2024 có 2.492 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 13,55 tỷ USD, tăng 11,3% với cùng kỳ năm trước; có 1.027 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 7,64 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 quý trong 5 năm qua, cao hơn cả số vốn FDI thực hiện 3 quý đầu năm 2019 - năm trước đại dịch.
Cùng với đó, tích luỹ tài sản theo giá hiện hành đạt 2.451,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,86%, đóng góp 36,68% vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Rõ ràng, các chính sách tài khóa đã tạo tiền đề mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế phục hồi và tăng trưởng, đem lại sự tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp./.