Chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho các vùng dân tộc thiểu số

Truyền thông - Ngày đăng : 09:38, 11/12/2024

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Truyền thông

Chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho các vùng dân tộc thiểu số

An An 11/12/2024 09:38

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách dân tộc

Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 24/11/2023, Nghị quyết số 43-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, đồng thời nêu quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng;... Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc... trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng...

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”. Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành cùng ngày (24/11/2023) về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội”, theo đó, xác định mục tiêu việc đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030: “Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin...

d17e6qnryjqvnale20wboavsldhyp6chvfpwrx-qjxvqdkpqxmtscs6x5-g18ibkuvfakrsxvspbh3mvqmnjrgvc-tu-ihe35kcyefmropo0eib9vwb-unn6f-_z.jpg
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: “Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%...; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;... Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương...”.

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó có quan điểm: “Phải phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”.

Tác động của chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống các chính sách dân tộc nói chung, chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số nói riêng được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích và quyền lợi cơ bản của Nhân dân làm nền tảng, đã bao phủ mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Qua đó, tác động trực tiếp và hiệu quả tới đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sinh kế, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (trái) trong Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10.

Trong Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết chính sách dân tộc trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.

Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) DTTS&MN.

“Việc theo dõi, đôn đốc công tác triển khai 3 CTMTQG được Chính phủ đưa vào các chương trình họp và Nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các bộ, cơ quan chủ chương trình, chủ dự án trả lời kiến nghị, đề xuất của các địa phương và bộ, ngành; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ về đẩy nhanh vốn đầu tư công và thực hiện các CTMTQG”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ.

Những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

An An