“Điểm sáng” chuyển đổi số của các cơ quan báo chí địa phương

Báo chí - Ngày đăng : 14:16, 15/12/2024

Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương có giải pháp hiệu quả trong chuyển đổi số, nhờ đó luôn duy trì top đầu về lượt truy cập, thu hút lượng lớn bạn đọc.
Báo chí

“Điểm sáng” chuyển đổi số của các cơ quan báo chí địa phương

Bình Minh 15/12/2024 14:16

Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương có giải pháp hiệu quả trong chuyển đổi số, nhờ đó luôn duy trì top đầu về lượt truy cập, thu hút lượng lớn bạn đọc.

Chủ động chuyển đổi số báo chí, đem lại nhiều kết quả ban đầu

Thời gian gần đây, Báo Gia Lai chú trọng tiêu chí báo chí giải pháp và định hướng, lấy bạn đọc làm trung tâm, nhiều bài viết có sức thu hút và lan tỏa lớn trong xã hội như "Chia lửa với giáo dục vùng khó" (Giải B Giải báo chí Quốc gia vì sự nghiệp giáo dục năm 2022), "Tìm lời giải cho nguồn nước Tây Nguyên" (Giải A Giải báo chí tỉnh Gia Lai), "Một chỉ thị trăm chuyển biến từ làng" (Đạt giải khuyến khích Giải báo chí Quốc gia)...

Theo đánh giá của lãnh đạo Báo Gia Lai, sự nhanh nhạy nắm bắt xu hướng báo chí mới, cùng việc chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ và tận dụng tốt lợi thế của nền tảng số đã đưa Báo Gia Lai vào tốp 5 báo Đảng địa phương có lượt truy cập cao nhất hiện nay. Không chỉ vậy, thời gian lưu trang của độc giả trên Gia Lai online cũng đang tăng đều, cho thấy tính hấp dẫn về nội dung tờ báo.

Đối với báo Đảng của tỉnh Tiền Giang, cùng với quá trình chuyển đổi số báo chí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực của Báo Ấp Bắc từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân.

"Đội ngũ nhà báo của cơ quan Báo Ấp Bắc đã dần thành thạo trong việc sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện như video, podcast, đồ họa thông tin, và phát triển kỹ năng kể chuyện để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn và dễ hiểu", nhà báo Nguyễn Minh Tân, Tổng niên tập Báo Ấp Bắc chia sẻ.

anh-so-2-bai-cds-dia-phuong.jpg
Báo Cà Mau điện tử hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội tăng cường tương tác với độc giả.

Một tờ báo Đảng tại địa phương khác cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, quyết liệt trong chuyển đổi số báo chí đó là Báo Cà Mau. Ban Biên tập tờ báo này đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ cải tiến nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tất cả các loại hình của báo. Qua đó, các ấn phẩm của Báo Cà Mau đã có có chuyển biến tích cực. Đặc biệt là Báo Cà Mau điện tử có nhiều đổi mới.

Theo số liệu khảo sát của ONECMS thực hiện ngày 31/7/2024, kênh YouTube của Báo Cà Mau xếp hạnh thứ 6 và Fanpage Báo Cà Mau xếp thứ 9 trên 62 Fanpage báo Đảng các tỉnh, thành trong cả nước về số lượng người theo dõi...

Chuyển đổi số hỗ trợ giải quyết vấn đề căn cốt, đưa báo đến với đông đảo bạn đọc

Theo đánh giá của ThS. Nguyễn Văn Hào, Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyển đổi số ở các báo Đảng địa phương trên cả nước đang diễn ra một cách khá nhanh, đa dạng và đồng bộ về hình thức lẫn cách thức thể hiện nội dung tác phẩm. Các báo Đảng địa phương thường phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu nguồn lực kỹ thuật cao, kinh phí và khả năng đào tạo đội ngũ nhà báo trong thời đại công nghệ số.

Tuy nhiên, nhiều tờ báo đã bắt đầu áp dụng các công nghệ mới như thay đổi CMS, nâng cấp quyết liệt hạ tầng website, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất nội dung số; sử dụng mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả trên không gian mạng với phương châm độc giả ở đâu thì báo chí ở đó để phục vụ.

“Nhiều tờ báo Đảng địa phương đã có những thành công vượt ngoài mong đợi, như Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Gia Lai, Báo Hải Dương, Báo Đồng Nai... luôn duy trì trong top đầu các tờ báo Đảng địa phương có nhiều bạn đọc nhất cả nước với trên 2 triệu lượt truy cập hàng tháng”, ThS. Nguyễn Văn Hào chia sẻ.

anh-3-bai-cds-dia-phuong.jpg
ThS. Nguyễn Văn Hào, giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC).

Cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, gắn với chuyển đổi số báo chí

Chia sẻ tại phiên thảo luận “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?” trong khuôn khổ Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024, Tổng biên tập Báo Cà Mau Ngô Minh Toàn cho biết, để duy trì được sự hấp dẫn trong nội dung của các cơ quan báo Đảng tại địa phương, cạnh tranh với các cơ quan báo chí và các nền tảng khác, cần đổi mới, linh hoạt trong công tác truyền thông, xây dựng được những tác phẩm báo chí có tính giải pháp để góp phần vào việc tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại trong đời sống xã hội chính địa phương mình.

Đồng thời, sắp xếp lại các chuyên trang, chuyên mục, nhất là các chuyên trang huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, hài hòa và hợp lý giữa báo in và báo điện tử để tránh phân tán nguồn lực không cần thiết, tập trung nguồn lực để nâng chất lượng các loại hình báo chí của tòa soạn.

Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, phát huy hiệu quả từ lực lượng này nhằm làm phong phú thêm nội dung các ấn phẩm.

Ngoài ra cần quan tâm, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, nhiếp ảnh cho phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên gắn với các xu thế báo chí hiện đại, trong đó có báo chí giải pháp. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, bởi cơ quan báo chí có đổi mới thành công hay không, có hoàn thành được nhiệm vụ, sứ mệnh của báo chí hay không thì đều phụ thuộc vào cái Tâm - cái Tầm của người làm báo.

Theo kinh nghiệm và thực tiễn triển khai tại Báo Cà Mau, báo Đảng tại địa phương có thể tham khảo để thực hiện hai nhóm nhiệm vụ đột phá.

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng các loại hình báo chí gắn với chuyển đổi số báo chí, trong đó có nội dung báo chí giải pháp, báo chí chuyên sâu.

Thứ hai, xây dựng phương án thu hút quảng cáo; mở rộng đối tượng phát hành; xây dựng và thực hiện cơ chế đảm bảo nguồn thu nhập hài hoà giữa các bộ phận; có giải pháp hoạt động kinh tế báo chí hiệu quả, tăng khả năng tự cân đối tài chính./.

Bình Minh