Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
Truyền thông - Ngày đăng : 08:10, 03/01/2025
Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ, ngành báo chí dường như đang loay hoay giữa hai thái cực: một bên là sự hứng khởi với các đột phá công nghệ, bên còn lại là những vấn đề nội tại về sự sáng tạo, kinh tế báo chí và định hướng phát triển tương lai.
Tóm tắt:
- Ứng dụng AI trong báo chí: Cơ hội và thách thức
+ Phần lớn các cơ quan báo chí còn thận trọng với AI do lo ngại về đạo đức, bản quyền, và bảo mật thông tin.
+ AI mới chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chưa trở thành yếu tố cốt lõi trong sản xuất nội dung báo chí.
- Nội dung báo chí đang mất vị thế
+ Công nghệ mới (VR, AR, báo chí dữ liệu) được áp dụng nhưng nội dung thiếu đột phá, tính phản biện chưa mạnh mẽ.
+ Báo chí chưa phát hiện và phản ánh sâu các vấn đề xã hội, chủ yếu đồng hành với cơ quan điều tra.
+ Khó khăn kinh tế và cơ chế quản lý khiến nội dung báo chí chưa thể quay lại vị trí trung tâm.
- Kinh tế báo chí gặp khó khăn
+ Doanh thu giảm vì: Doanh nghiệp cắt giảm ngân sách truyền thông, chuyển sang quảng cáo qua mạng xã hội; Thị phần quảng cáo bị chi phối bởi các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
+ Các mô hình thu phí độc giả chưa hiệu quả do thói quen đọc báo miễn phí.
- Diện mạo mới của Báo chí năm 2025
+ Cải tổ bộ máy: Sáp nhập một số Bộ, ngành; Tinh gọn các cơ quan báo chí, giảm số lượng báo và tạp chí.
+ Mục tiêu: Giảm lãng phí nguồn lực, nâng cao chất lượng thông tin.
- Chiến lược phát triển dài hạn của báo chí
+ Tăng tính phản biện và giá trị nội dung: Cung cấp thông tin độc đáo, không thể thay thế bởi mạng xã hội.
+ Đổi mới và hợp tác: Học hỏi các mô hình quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ.
+ Lấy độc giả làm trung tâm: Hiểu rõ nhu cầu của công chúng để định hướng phát triển.
Ứng dụng AI trong báo chí: Khả năng hay vẫn là tiềm năng?
Phát biểu khai mạc sự kiện Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đang dự thảo luật để công nhận những nguyên tắc cơ bản của trí tuệ nhân tạo (AI) [1].
Trong năm 2024, AI đã trở thành điểm nhấn trong chiến lược phát triển của nhiều cơ quan báo chí. Từ phân tích dữ liệu độc giả, hỗ trợ sáng tạo nội dung, đến tự động hóa quy trình biên tập, AI đã và đang mang đến những tiềm năng đáng kể.
Là một cơ quan báo chí có thương hiệu, Báo Tuổi trẻ TP.HCM đã sớm ứng dụng AI tại tòa soạn ở 3 cấp độ: một là tham gia hỗ trợ phóng viên, biên tập viên thực hiện sản phẩm báo chí; hai là cải tiến quy trình hoạt động của tòa soạn; và ba là tham gia vào quá trình ra quyết định của Ban biên tập [2].
Báo điện tử VnExpress cũng sử dụng AI vào việc đọc hành vi độc giả, từ đó cho ra đời các tính năng dựa trên tìm hiểu thói quen tiêu dùng tin tức của độc giả như thiết kế tính năng "Đọc nhanh" và "Nghe tin tức" trên ứng dụng, phục vụ tối đa nhu cầu nắm bắt thông tin trong thời gian ngắn và tối ưu sự tiện lợi cho người đọc.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thì sử dụng AI để tạo người dẫn chương trình ảo; bóc băng tự động; thu thập dữ liệu hành vi của người dùng trên các nền tảng, phân tích dữ liệu, đưa ra các thông tin có ích cho sản xuất các chương trình; quảng cáo hướng đối tượng; tăng cường trải nghiệm người dùng; hướng dẫn nội dung xem theo thị hiếu; tham gia quản lý kho tư liệu truyền hình v.v.
Tuy nhiên, những ví dụ trên chỉ là thiểu số trong tổng số khoảng 880 cơ quan báo chí [3] (tính đến tháng 11/2024). Khác với những cơ quan báo chí “nhanh nhạy” và có tiềm lực, còn không ít tòa soạn báo vẫn thận trọng khi tiếp cận AI. Bởi ngay khi AI được xác nhận rất quyền năng, thì người dùng AI cũng phải đối diện với những cảnh báo về các nguy cơ đạo đức, xâm phạm bản quyền, đạo văn, thông tin sai lệch, bảo mật thông tin, giả mạo thông tin... Vì vậy, việc tìm hiểu về AI thì nhiều nơi đã thực hiện, nhưng để ứng dụng và biến AI thành công cụ thực tế phục vụ hiệu quả hoạt động báo chí thì không phải nơi nào cũng dám làm hoặc làm được.
Thực tế cho thấy dù chúng ta đề cập nhiều đến ứng dụng AI, nhưng cách làm báo hiện nay, trừ các cơ quan báo chí đi đầu, thì đa số vẫn không có sự đổi mới đáng kể. Nội dung trên nhiều tờ báo vẫn theo các mô-tuýp cũ, hiếm thấy sự tham gia rõ ràng của AI vào việc sản xuất nội dung, phân phối tin tức, dự đoán xu hướng... Mà ngay cả khi có AI tham gia vào, nó cũng chưa trở thành yếu tố cốt lõi để tạo nên giá trị của một tác phẩm báo chí, mà chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ.
Giải Báo chí quốc gia năm 2024 sẽ có hạng mục Giải Báo chí sáng tạo, nhằm khuyến khích các tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số báo chí. Nhưng rất có thể đây sẽ chỉ là “sân chơi” riêng của những cơ quan báo chí lớn, có tiềm lực về kinh tế và tiên phong trong ứng dụng AI như các trường hợp kể trên.
Khi “content” không còn là “King”
Có một mâu thuẫn khác là trong khi công nghệ như VR [4], AR [5] và báo chí dữ liệu đã được tích hợp để làm mới cách truyền tải, thì nội dung báo chí vẫn thiếu những “điểm sáng” gây được chú ý. Nhìn chung, báo chí vẫn phản ánh đầy đủ các vấn đề của đời sống xã hội, nhưng tính phản biện để tạo nên giá trị của báo chí thì còn thiếu mạnh mẽ, chưa để lại những dấu ấn đáng nhớ.
Các tác phẩm báo chí điều tra hay phân tích sâu về các vấn đề gai góc như tham nhũng, tiêu cực, bất cập trong chính sách, hoặc lên tiếng trước các vấn đề toàn cầu vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở góc độ chủ động phát hiện vấn đề và “đào sâu” từ phía báo chí. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng chủ yếu được phát hiện, điều tra từ phía cơ quan công an, và báo chí chỉ đóng vai trò đồng hành, phản ánh lại.
Nguyên nhân của thực tế này có thể đến từ đặc thù cơ chế quản lý báo chí, từ khó khăn chung của kinh tế báo chí những năm hậu COVID-19, từ thực lực và động lực của đội ngũ phóng viên, nhà báo hoặc thậm chí là từ sự dịch chuyển nhu cầu tin tức của công chúng sang mạng xã hội.
Ngân sách nhà nước trong 3 năm, từ 2021 đến 2023, đã hỗ trợ các cơ quan báo chí Trung ương gần 11,5 tỷ đồng và các cơ quan báo chí địa phương 27,7 tỷ đồng để khuyến khích các tác phẩm báo chí chất lượng cao [6], cho thấy sự cần thiết phải nâng cao mặt bằng thu nhập của người làm báo hơn nữa, để họ có thể đầu tư vào nội dung sâu hon, đa chiều hon, thực hiện tốt hon nữa sứ mệnh của mình và phát huy tối đa vai trò phản biện của báo chí như nó vốn có. Việc các tác phẩm đoạt giải cao (A, B, C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ cho thấy tính cấp thiết của đòi hỏi này, để “content” trở lại vị trí “king” như nó được định vị. Tuy nhiên, với viễn cảnh kinh tế 2025 và trước công cuộc tinh gọn bộ máy các co quan báo chí, sự cải thiện trong chất lượng nội dung báo chí là điều chưa ai có thể khẳng định được.
Đa dạng hóa mô hình kinh doanh, doanh thu vẫn sụt giảm
Kinh tế báo chí năm 2024 phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu. Nguyên nhân đến từ hai yếu tố chính: Một là kinh tế khó khăn: Nhiều doanh nghiệp cắt giảm ngân sách truyền thông, ưu tiên các kênh quảng cáo trực tiếp và chi phí thấp hon như mạng xã hội; Hai là sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số: Thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok...
Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội trong phiên chất vấn về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 12/11/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu khi mạng xã hội xuất hiện [7].
Dù chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ, nhưng nhiều tòa soạn vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm mô hình kinh doanh hiệu quả. Các hình thức thu phí người đọc, tuy được áp dụng tại một số tờ báo điện tử, nhưng chưa đạt kỳ vọng do chưa thể thay đổi được thói quen đọc báo miễn phí của độc giả.
Thông tin báo chí còn thiếu đột phá về chất lượng nội dung, chưa thể biến nội dung trở thành thứ đặc sắc đến mức khiến công chúng phải trả tiền để được đọc. Vì thế, cách “tồn tại” của không ít co quan báo chí hiện nay là tổ chức sự kiện, bán sản phẩm, dịch vụ, kinh doanh những thứ không làm nên bản chất của báo chí, thậm chí khiến báo chí mất đi vị thế vốn có. Do vậy, ngay cả những co quan báo, tạp chí đã tự chủ tài chính được, thì cũng không thể tự hào “khoe” rằng mình là một co quan báo chí mạnh, nếu như nguồn thu của họ không chủ yếu đến từ việc bán tin tức cho độc giả.
Diện mạo mới của báo chí Việt Nam 2025
Ngày đầu tiên của tháng 12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khóa 12; tình hình kinh tế, xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Theo đó, các phưong án đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được nêu rõ. Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ TT&TT hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, truyền thông... [8].
Phương án sắp xếp cũng đưa ra việc tinh gọn các đầu mối của các co quan báo chí lớn, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, Truyền hình Quốc hội chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động; xây dựng, cơ cấu lại VTV, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp; nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các co quan báo chí của các bộ, ngành.
Việc hợp nhất các Bộ ngành và tinh gọn các cơ quan báo chí tại Việt Nam đang được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và báo chí.
Do vậy, để có chiến lược dài hạn cho sự tồn tại và phát triển, các cơ quan báo chí cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi:
Một là tăng cường tính phản biện và giá trị nội dung: Chỉ khi cung cấp được những thông tin giá trị mà các nền tảng mạng xã hội không thể thay thế, báo chí mới có thể giữ chân độc giả.
Hai là đẩy mạnh hợp tác và đổi mới: Cần học hỏi các mô hình báo chí tiên tiến trên thế giới, đồng thời hợp tác sâu rộng hon với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển sản phẩm mới.
Ba là đặt công chúng làm trung tâm, hiểu độc giả: Thay vì chạy theo xu hướng, các cơ quan báo chí cần đặt câu hỏi: “Công chúng thực sự cần gì?”. Chỉ khi trả lời được câu hỏi này, báo chí mới ở đúng vị trí của mình và góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Tham khảo:
[1]. https://vneconomy.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-ai-la-cong-nghe-cot-loi-cua-cuoc-cach-mang-4-0.htm
[2]. https://ictvietnam.vn/can-trong-khi-ap-dung-ai-tai-co-quan-bao-chi-66543.html
[3]. https://kinhtevadubao.vn/so-luong-co-quan-bao-chi-ra-doi-nhieu-nhung-nguon-thu-giam-30336.html
[4]. Virtual Reality: Thực tế ảo
[5]. Augmented Reality: Thực tế ảo tăng cường
[6]. https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-tac-pham-bao-chi-chat-luong-cao-post843180.html
[7]. https://kinhtevadubao.vn/so-luong-co-quan-bao-chi-ra-doi-nhieu-nhung-nguon-thu-giam-30336.html
[8]. https://viettimes.vn/hop-nhat-2-bo-tttt-va-khcn-giam-14-don-vi-post180921.html
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2024)