Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Thay đổi nền giáo dục đào tạo thời đại số

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:18, 02/12/2024

Trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, chìa khóa của mọi thành công. Đây cũng là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đời sống xã hội

Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Thay đổi nền giáo dục đào tạo thời đại số

Hồng Nhung 02/12/2024 10:18

Trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, chìa khóa của mọi thành công. Đây cũng là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chế tài cho việc được đi học và phải đi học

Học tập suốt đời ngày càng trở thành một xu thế phát triển tất yếu đối với các nền giáo dục, các cộng đồng và các quốc gia hiện nay. Vấn đề học tập suốt đời ở Việt Nam đã được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ rất sớm, thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị trực tiếp hoặc gián tiếp. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021 có nêu: “...Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời… Đa dạng hoá phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Những quan điểm chỉ đạo nêu trên thể hiện cách tiếp cận tổng thể việc học tập suốt đời. Trong Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ vấn đề học tập suốt đời đã được phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 – 2030".

Học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và nhịp độ thay đổi của xã hội hiện tại thì những kiến thức giáo dục ban đầu không thể đầy đủ mà phải thường xuyên được cập nhật.

Học tập suốt đời là việc học tập không chỉ xảy ra trong thời điểm đi học chính thức, mà còn kéo dài suốt cuộc đời. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng, cập nhật thông tin mới để đáp ứng với sự phát triển của xã hội và công nghệ. Mỗi một công dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để mọi người ai cũng được học tập, học thường xuyên, suốt đời.

Tại phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời ngày 1/10/2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời cho biết: “Căn cứ thực tế thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập” và “Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học".

Dự kiến khung nội dung Luật học tập suốt đời sẽ gồm: Những quy định chung; Quản lí nhà nước về học tập suốt đời; Các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; Chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập suốt đời; Đánh giá và công nhận kết quả học tập suốt đời; Giảng viên/hướng dẫn viên, cán bộ quản lí học tập suốt đời và người học; Huy động nguồn lực cho và tạo môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời và điều khoản thi hành.

Vai trò tất yếu của Luật Học tập suốt đời

Luật Học tập suốt đời ra đời giúp cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29 – NQ/TW. Đây được xem là văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục như: Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới là Luật Nhà giáo.

Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục. Về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Luật Học tập suốt đời giúp tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nguồn nhân lực quốc gia. Đối tượng Luật Học tập suốt đời gồm tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, mọi cấp học, mọi trình độ giáo dục... có nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời để nâng cao kiến thức, kĩ năng, hoàn thiện bản thân, thích ứng hiệu quả với các thay đổi của xã hội và công việc trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học kĩ thuật.

Xây dựng Luật Học tập suốt đời sẽ góp phần hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và các văn bản quốc tế về quyền con người. Đối tượng, nội dung điều chỉnh của Luật là hoạt động học tập suốt đời của công dân, các mối quan hệ, trách nhiệm bảo đảm của nhà nước, tổ chức xã hội… đối với quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Để xây dựng khung dự thảo Luật Học tập suốt đời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các phiên họp nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để thống nhất được các vấn đề khởi thảo. Đây là luật mới, nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành nên rất phức tạp cầ được nhìn nhận từ các quan điểm khác nhau để xây dựng Luật Học tập suốt đời.

Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo, bởi nếu có luật thì sẽ thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời. Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ Trung ương tới địa phương. Muốn làm được điều đó thì cần đặc biệt chú ý các điều kiện thực tế ở địa phương về tài chính, nhân sự vận hành phải được thông tỏ và quan tâm hơn./.

Hồng Nhung