Bảo vệ trẻ em theo Nghị định 147: Cần sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của doanh nghiệp

Truyền thông - Ngày đăng : 13:54, 16/12/2024

Với Nghị định 147/2024/NĐ-CP, lần đầu tiên Việt Nam đã có những quy định nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội và khi chơi game. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ từ các doanh nghiệp.
Truyền thông

Bảo vệ trẻ em theo Nghị định 147: Cần sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của doanh nghiệp

Anh Minh 16/12/2024 13:54

Với Nghị định 147/2024/NĐ-CP, lần đầu tiên Việt Nam đã có những quy định nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội và khi chơi game. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ từ các doanh nghiệp.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 đã đặt ra các quy định chặt chẽ về bảo vệ trẻ em (BVTE) khi chơi game và trên mạng xã hội (MXH).

Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, Tổ chức Save the Children International - Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em).

Bà đánh giá như thế nào về các quy định liên quan đến BVTE trên MXH và trong các trò chơi của Nghị định 147?

Bà Lê Thị Thùy Dương: Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng, trẻ em ngày càng có nhiều cơ hội học tập và kết nối nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro trên không gian mạng như bắt nạt trực tuyến, nghiện game, và tiếp cận thông tin không phù hợp. Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, là một bước tiến quan trọng trong việc BVTE trên mạng, hướng tới xây dựng môi trường trực tuyến lành mạnh và an toàn hơn.

Nghị định 147 đưa ra những quy định nổi bật, bao gồm:

Xác thực tài khoản: Người dùng MXH bắt buộc phải xác thực bằng số điện thoại hoặc định danh cá nhân.

Trẻ dưới 16 tuổi: Chỉ được sử dụng MXH dưới sự đăng ký và giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Phân loại nội dung: Các nền tảng phải ngăn chặn nội dung không phù hợp với trẻ em.

Quản lý thời gian chơi game: Trẻ dưới 18 tuổi không được chơi quá 60 phút/ngày cho mỗi trò chơi hoặc 180 phút/ngày với tất cả trò chơi. Các doanh nghiệp (DN) cung cấp, nhà cung cấp game phải có hệ thống kỹ thuật để quản lý giới hạn thời gian này, các trò chơi phát hành sẽ phải dán nhãn độ tuổi và đưa thông tin khuyến cáo người chơi trên màn hình thiết bị, tài khoản người chơi cũng phải được xác thực bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

z6134522504570_daabf2be255e7ba29275a3132f5cd9a4.jpg
Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình phát biểu trong một hội thảo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những quy định này tăng cường trách nhiệm của DN và sự đồng hành của gia đình trong việc BVTE. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là sự đồng hành của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mong muốn bảo vệ các em khỏi những rủi ro về bạo lực thể chất, tinh thần, và các nguy cơ trên môi trường mạng. Đây sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng của tổ chức trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai các chương trình dự án liên quan, chúng tôi luôn thúc đẩy sử dụng công nghệ số cùng với những nỗ lực nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em, giáo viên, các bậc cha mẹ và và những người lớn xung quanh.

Với Nghị định 147/2024/NĐ-CP, đây là lần đầu tiên Việt Nam có những quy định cụ thể và chặt chẽ như vậy về việc BVTE trên môi trường mạng cũng như trong các trò chơi điện tử. Theo bà, điều này có khả thi tại Việt Nam và cần làm gì để đạt được các mục tiêu này?

- Việc ban hành và thực hiện Nghị định 147 rất quan trọng và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Các quy định rõ ràng của Nghị định nếu được triển khai hiệu quả sẽ đảm bảo trẻ em có môi trường mạng an toàn và lành mạnh để học tập và tương tác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số thách thức trong việc thực hiện, ví dụ như một số nền tảng MXH cũng đặt ra quy định giới hạn độ tuổi người dùng nhưng vẫn có những trường hợp trẻ tự khai tăng độ tuổi để đăng kí tài khoản và sử dụng. Nhiều cha mẹ hiện nay cũng trang bị cho con điện thoại di động, thậm chí là các thiết bị thông minh (smart phone) để tiện trao đổi và liên lạc nên trẻ cũng có thể dùng số điện thoại đó để xác thực khi lập tài khoản MXH mới.

Ngoài ra, không phải cha mẹ nào cũng có thói quen giám sát việc sử dụng MXH của con. Nhiều trẻ nhỏ thậm chí còn sử dụng chính tài khoản của cha mẹ để truy cập mạng. Một số cha mẹ cũng có giải pháp ngắt kết nối mạng Internet tại nhà khi cần thiết nhưng trẻ em vẫn có thể kết nối từ các địa điểm có mạng Internet miễn phí.

Để đạt được các mục tiêu của Nghị định 147, tôi cho rằng cần tập trung vào ba giải pháp chính.

Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của cha mẹ và nhà trường về an toàn mạng, đồng thời khuyến khích họ đồng hành và chia sẻ với trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn cũng như các biện pháp bảo vệ phù hợp.

Thứ hai, các DN và tổ chức nên phát triển nội dung thân thiện, vừa đảm bảo tính bảo vệ, vừa khuyến khích trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động trực tuyến lành mạnh. Cuối cùng, cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật để xây dựng các công cụ giám sát hiệu quả, hỗ trợ việc thực hiện quy định một cách chặt chẽ và nhất quán.

Mặc dù mang lại những lợi ích nhất định nhưng game thực sự là mối nhức nhối của nhiều bậc phụ huynh khi con trẻ chơi game quá nhiều. Bà có góp ý gì thêm cho Nghị định 147 trong các nội dung về bảo vệ trẻ trong game cũng như trên MXH?

- Bên cạnh những lợi ích liên quan đến nguồn thông tin đa dạng, phong phú hỗ trợ trẻ học hỏi các kiến thức và kỹ năng cần thiết để học tập và phát triển thì Internet cũng mang lại nhiều tiện ích và giải trí hấp dẫn, trong đó có các trò chơi (game). Việc chơi game trong một chừng mực nhất định có những tác động tích cực nhưng nếu lạm dụng và chơi quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện game và nhiều hệ lụy khác về sức khỏe cả thể chất và tinh thần.

Mức độ ảnh hưởng nếu nghiện game đối với trẻ em sẽ nguy hại hơn người lớn rất nhiều do các em đang trong quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần và chắc chắn có ảnh hưởng đến khả năng học tập và nhận thức.

Trong Nghị định 147, quy định giới hạn thời gian chơi game đối với trẻ dưới 18 tuổi là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, các thiết bị ngoài tầm kiểm soát của phụ huynh vẫn có thể khiến trẻ vượt qua giới hạn này. Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các DN cung cấp game, tuân thủ quy định về độ tuổi và thời gian chơi, cùng với sự đồng hành của cha mẹ trong việc thiết lập nguyên tắc sử dụng mạng và cân bằng giữa học tập, giải trí và các hoạt động thể chất.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm nhà nước, DN, gia đình và tổ chức xã hội, là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em luôn mong muốn các bên liên quan nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Nghị định 147 cũng như có các giải pháp cụ thể và hiệu quả để giảm thiểu các nguy cơ từ môi trường mạng, từ đó chủ động hành động để tạo ra một môi trường an toàn cho các em.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cam kết tiếp tục hợp tác với các cơ quan và đối tác nhằm triển khai các dự án BVTE trên không gian mạng, đồng thời là thành viên tích cực trong Mạng lưới ứng cứu và Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, góp phần xây dựng môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh cho trẻ em.

a.png
Trẻ em tham gia sinh hoạt hè về an toàn mạng tại Lào Cai. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã có nhiều chương trình, hành động nhằm đảm bảo an toàn cũng như nâng cao kỹ năng số cho trẻ. Vậy bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về những chính sách, quy định liên quan đến BVTE trên mạng Internet?

- Các nước trên thế giới áp dụng nhiều chính sách, giải pháp BVTE trên môi trường mạng, theo như hiểu biết của tôi thì tập trung vào 4 nhóm chính:

Quy định pháp luật: Đặt giới hạn độ tuổi và bảo vệ quyền riêng tư. Ví dụ, Mỹ ban hành Đạo luật COPPA (1998) yêu cầu sự đồng ý của phụ huynh trước khi thu thập thông tin của trẻ dưới 13 tuổi. Hiện nay, đối tượng bảo vệ mở rộng đến trẻ dưới 17 tuổi.

Giáo dục và nâng cao nhận thức: Úc, Canada đưa giáo dục kỹ thuật số vào chương trình học, kết hợp chiến dịch cộng đồng nhằm hướng dẫn trẻ và phụ huynh về an toàn mạng.

Giải pháp kỹ thuật: Khuyến khích phát triển các công cụ kiểm soát của phụ huynh giúp quản lý nội dung và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ.

Trách nhiệm DN: Các nền tảng MXH phát triển công cụ báo cáo nội dung, đảm bảo an toàn và tạo môi trường thân thiện với trẻ em.

Những chính sách này thể hiện cách tiếp cận toàn diện, kết hợp luật pháp, giáo dục, kỹ thuật và trách nhiệm xã hội để BVTE trong kỷ nguyên số.

Trước tình trạng trẻ sử dụng Internet phổ biến trong khi những rủi ro trên mạng cũng ngày càng nhiều, cũng như những quy định mới của Nghị định 147, bà vui lòng chia sẻ về những kế hoạch của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam trong năm 2025?

- Tổ chức Cứu trợ Trẻ em luôn mong muốn bảo vệ các em khỏi những rủi ro về bạo lực thể chất, tinh thần, và các nguy cơ trên môi trường mạng. Đây sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng của tổ chức trong thời gian tới. Thời gian vừa qua, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã triển khai nhiều sáng kiến công nghệ như ứng dụng “Vui đọc cùng em”, ứng dụng bồi dưỡng kỹ năng Generation Hope, nền tảng “Học tập mỗi ngày” để trẻ em và các đối tượng hưởng lợi có thể học trực tuyến và ngoại tuyến.

Chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng các trung tâm học tập công nghệ tại các khu vực khó khăn, trang bị thiết bị và kết nối Internet để trẻ em có thể sử dụng các ứng dụng một cách hiệu quả. Song song với các hoạt động này, chúng tôi cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên và phụ huynh để họ làm quen với công nghệ và hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em trong quá trình học tập.

Trong những năm tiếp theo, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ tiếp tục triển khai các dự án BVTE trên môi trường mạng, đặc biệt tập trung vào vấn đề phòng chống xâm hại trên môi trường mạng. Bằng cách nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em, phụ huynh và những người lớn xung quanh, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hướng đến xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và tích cực. Cam kết của tổ chức là không ngừng phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các đối tác liên quan, đảm bảo trẻ em Việt Nam sử dụng Internet an toàn, hiệu quả, và được bảo vệ tối ưu trong thời đại số hóa./.

Anh Minh