Giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực ngành công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 23/11/2024
Giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực ngành công nghệ cao
Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu bổ sung quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực ngành công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực công nghệ thông tin.
Căn cứ đề xuất ưu đãi giảm thuế
Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), theo đó, đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao.
Theo Bộ Tài chính, Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Quy định này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn. Việc ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân không áp dụng đối với các cá nhân là nhân lực công nghệ cao, trong khi đây là lực lượng lao động quan trọng rất cần có cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp.
Luật Công nghệ cao cũng đã có quy định nhà nước tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác (Khoản 3 Điều 4 Luật Công nghệ cao).
Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong 4 lĩnh vực công nghệ là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa. Luật Công nghệ cao quy định giao Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó đảm bảo công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện cụ thể (Điều 5 Luật Công nghệ cao).
Trên thực tế, phát triển khoa học công nghệ, nhân lực công nghệ cao là một trong những nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để phát triển hơn nữa cho lĩnh vực này, cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp, chế biến nông sản... Đây cũng là chính sách được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Chính vì vậy việc nghiên cứu, bổ sung các quy định phù hợp tại Luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của cá nhân là nhân lực công nghệ cao là rất cần thiết.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhóm đối tượng làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển cần được nghiên cứu, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu và đối tượng cần ưu tiên thu hút, duy trì hợp lý mức động viên ngân sách nhà nước và không làm sai lệch vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Do đó việc xác định cá nhân là nhân lực công nghệ cao phụ thuộc vào nhiều tiêu chí cũng như các định hướng phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Trường hợp bổ sung quy định giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng này, cũng cần nghiên cứu để có quy định về tiêu chí xác định cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm cơ sở cho việc thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân
Dự thảo cũng đề xuất, bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn thuế trong một số trường hợp đặc biệt là chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam đang được áp dụng chính sách miễn thuế theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi Luật thuế Thu nhập cá nhân hiện hành có hiệu lực, qua đó đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý minh bạch và ổn định.
Đồng thời, chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhân viên Việt Nam làm việc cho cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc cũng cần tiếp tục duy trì để bình đẳng về nghĩa vụ thuế, vì khoản lương mà nhân viên Việt Nam nhận được đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập theo quy định của Liên Hợp quốc. Khoản thuế này do cơ quan đại diện của Liên Hợp quốc giữ lại và coi khoản thu này như khoản thuế thu nhập quốc gia và đưa vào Quỹ bình ổn thuế của Liên Hợp quốc và được trừ bớt phần định mức đóng góp hàng năm của quốc gia vào ngân sách của Liên Hợp quốc.
Trong giai đoạn hiện nay thì chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài vẫn là cần thiết nhằm mục đích khuyến khích, thu hút nguồn vốn vay và viện trợ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý, cần nghiên cứu, bổ sung quy định tại Luật thuế Thu nhập cá nhân nội dung giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn giảm thuế trong một số trường hợp đặc biệt này. Đây cũng là những đối tượng đang được miễn giảm thuế theo các văn bản dưới Luật trước thời điểm Luật thuế Thu nhập cá nhân hiện hành có hiệu lực thi hành./.