Du lịch tình nguyện - mang “cần câu” đến miền núi

Truyền thông - Ngày đăng : 13:35, 16/12/2024

Rất nhiều vấn đề đặt ra trong việc làm từ thiện đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi trong những năm qua, nhất là sau trận bão Yagi lịch sử năm 2024. Điều này đặt ra vấn đề cần phải làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, tập trung, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Truyền thông

Du lịch tình nguyện - mang “cần câu” đến miền núi

Cẩm Anh {Ngày xuất bản}

Rất nhiều vấn đề đặt ra trong việc làm từ thiện đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi trong những năm qua, nhất là sau trận bão Yagi lịch sử năm 2024. Điều này đặt ra vấn đề cần phải làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, tập trung, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Đồng bào cần tự đứng lên hơn là tiền từ thiện

Đem tiền bạc, vật chất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn khó khăn hoặc gặp thiên tai thảm hoạ đã là rất quý. Nhưng càng ngày càng thấy để miền núi, để đời sống đồng bào DTTS phát triển bền vững thì cần những cách làm bền vững hơn.

Ngay sau trận bão Yagi, câu nói của ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gây ấn tượng khi ông cho biết, đã khuyên một nhóm bạn định hoãn chuyến du lịch để lấy tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, rằng thay vì việc dành tiền để ủng hộ thì nên đi du lịch.

Bởi vì, “việc từ thiện, giúp đỡ bà con trong cơn nguy khó dĩ nhiên là việc làm rất đẹp. Nhưng lên Hà Giang du lịch sau khi đã hết bão lũ, sạt lở là cách làm từ thiện xuất sắc hơn nhiều”.

e92a844e82ca219478db.jpg
Một đoàn du lịch thiện nguyện với trẻ em địa phương.

Ông Hoàng Xuân Đôn cho rằng: Điều người dân khó khăn tất cả các nơi cần nhất, là một nền kinh tế lành mạnh, họ có thể làm việc, phấn đấu, giao lưu tiếp cận với những người có kiến thức tốt hơn, kiếm tiền từ những sản phẩm chính tay mình làm ra. Rồi từ đó, trẻ em được đi học, dân trí được nâng cao, họ có thể giảm nhu cầu đất đai cho nông nghiệp, để có chỗ cho rừng phục hồi.

Họ có tiền, có kiến thức, có thể chọn những vật liệu tốt hơn để xây nhà vững chãi hơn, vị trí tốt hơn, tránh được luồng lũ quét, xây dựng được những đê kè vững chãi hơn giữ thềm đất lở…

"Họ dĩ nhiên rất cần những hỗ trợ cấp thiết, nhưng đừng để những hỗ trợ cấp thiết ấy năm nào cũng cần. Họ cần việc làm ổn định, sinh kế bền vững; cần trở thành người có học vấn và khá giả như chính vị khách du lịch. Tôi nói với bạn tôi rằng, anh đừng hủy chuyến đi mà hãy cứ đến Hà Giang du lịch đi, hãy tiêu dùng những đồng tiền nhân ái của mình một cách hào phóng, giúp lấp đầy các phòng khách sạn. Hãy mua những sản phẩm OCOP địa phương, hãy mang những thiết bị, dụng cụ học tập và cả những cuốn sách về khát vọng đổi đời cho trẻ em vùng cao. Rồi khi ấy, người dân khó khăn nhiều nơi sẽ tự lên đứng được trong mọi khốn khó", ông Hoàng Xuân Đôn nói.

Cứu trợ cũng cần nhưng du lịch từ thiện thì xuất sắc hơn

Sau trận bão Yagi, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị xây dựng thêm các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp thiện nguyện và hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai.

Bên cạnh việc giúp khôi phục kinh tế du lịch của các địa bàn bị thiệt hại sau mưa lũ, các tour thiện nguyện với sự hỗ trợ từ công ty du lịch và chính quyền địa phương sẽ giúp hoạt động thiện nguyện đạt được hiệu quả tốt hơn, du khách biết được đúng địa điểm đang cần cũng như nhu cầu hỗ trợ gì, từ đó tránh việc nơi thừa, nơi thiếu.

48288154021_3c305d6657_k-1.jpg
Lớp dạy tiếng Anh trong tour du lịch tình nguyện.

Ví dụ các tour “Khám phá Sa Pa - thành phố trong sương kết hợp chương trình thiện nguyện” với hoạt động thăm hỏi và tặng quà tại xã Mường Hoa; tour khám phá chợ phiên Bắc Hà - du thuyền trên sông Chảy kết hợp chương trình thiện nguyện, giúp đỡ học sinh khó khăn ở Hoàng Thu Phố hoặc xã Lùng Phình; tour tham quan du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng Bảo Yên kết hợp thiện nguyện ở Nghĩa Đô, Làng Nủ (Phúc Khánh); tour khám phá Mường Hum - Y Tý - Lũng Pô kết hợp thiện nguyện, tặng quà cho học sinh ở A Lù, Nậm Pung...

Thời gian qua, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã triển khai tour theo hướng này. Các tour thiện nguyện điển hình là kết hợp du lịch với các hoạt động từ thiện theo hướng bền vững, hiệu quả. Đáng chú ý là đối với các tour này các điểm tham quan và trải nghiệm vẫn đảm bảo phục vụ du khách. Như vậy, vừa có hoạt động từ thiện vừa kích cầu du lịch phát triển, nhất là hình thức du lịch cộng đồng.

Tour tình nguyện, mang đến đồng bào "chiếc cần câu"

Du lịch tình nguyện đang dần phổ biến khi chính du khách được tham gia vào chuyến đi kết hợp du lịch địa phương, tận hưởng dịch vụ giải trí, mua sắm và giúp đỡ người dân hoàn thiện dịch vụ của mình. Chương trình tập trung vào du lịch sinh thái với mục tiêu giúp người dân đặc biệt là những gia đình khó khăn có thể phát triển công việc ngay tại trên quê hương hay chính ngôi nhà của mình từ việc xây dựng “homestay”, dịch vụ trải nghiệm văn hóa vùng miền…

người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một
Người Lô Lô Chải giới thiệu với du khách văn hoá của dân tộc mình.

Du lịch tình nguyện là một hình thức du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, nhằm mang lại lợi ích cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Du lịch tình nguyện thường liên quan đến các lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa, xã hội, và kinh tế. Du khách tình nguyện sẽ tham gia các hoạt động như dạy học, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên, hỗ trợ phát triển cộng đồng, và trao đổi văn hóa với người dân địa phương.

Ra đời từ tháng 6/2013, Volunteer for Education (viết tắt là V.E.O) là một trong những đơn vị tiên phong trong cung cấp các sản phẩm du lịch tình nguyện tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo V.E.O, quá trình thuyết phục người dân ở mỗi điểm dự án phụ thuộc vào nhu cầu và tâm thế muốn thay đổi của người dân, không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra suôn sẻ.

Bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải nhìn từ trên cao
Bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải.

Sau khi thuyết phục thành công bà con tham gia phát triển du lịch, khó tránh khỏi những thiếu sót do bà con chưa từng có kinh nghiệm làm dịch vụ, khi ấy đội ngũ tình nguyện viên luôn đồng hành cùng bà con để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn ấy.

Song, đôi khi không phải cứ hướng dẫn, góp ý là người dân sẽ chấp nhận thay đổi mà đó còn là một hành trình dài nhằm định hình tư tưởng, trang bị kiến thức, từ thái độ tiếp đón du khách cho tới chuẩn bị nơi ở, cách nấu ăn, phục vụ.

Sự giúp đỡ không chỉ trong đôi lần ghé thăm mà còn là sự quan tâm, đồng hành lâu dài từ khi căn nhà chỉ là nơi để ở, khoảng vườn là chỗ chăn nuôi, trồng trọt cho đến khi không gian ấy trở thành một địa điểm lưu trú, du lịch mà bà con có thể gia tăng thu nhập từ đó.

Câu chuyện tình nguyện đã không chỉ còn "cho con cá" mà đã mang đến cho đồng bào "chiếc cần câu" để họ tự tin phát triển du lịch tại chính quê nhà, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc và tạo ra nguồn thu nhập chính đáng.

Hiệu quả của những mô hình này không dễ nhận thấy qua tuần, qua tháng mà cần quãng thời gian dài, trung bình một mô hình mất từ 1 - 2 năm để chứng minh tính hiệu quả của nó. Do vậy, đây là hành trình dài, nhiều gian nan, cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương, quyết tâm thoát nghèo của đồng bào và sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

lop-hoc-sapa-2.jpg
Dạy tiếng Anh để những đứa trẻ này lớn lên trở thành người có học vấn và khá giả như chính vị khách du lịch.

Một trong những điểm thành công của V.E.O là ở Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), điểm dự án tiêu biểu được "lột xác" từ sự phối kết hợp của chính quyền địa phương, người dân và các tour du lịch tình nguyện.

Khởi đầu, Lô Lô Chải chưa làm du lịch, bà con vẫn sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, hiệu quả kinh tế kém. Sau quyết tâm của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, Lô Lô Chải đã "khoác áo mới" với cơ sở hạ tầng phát triển, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ du khách, song vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc và những nét đẹp văn hóa từ nhiều đời của người Lô Lô.

Họ dĩ nhiên rất cần những hỗ trợ cấp thiết, nhưng đừng để những hỗ trợ cấp thiết ấy năm nào cũng cần. Họ cần việc làm ổn định, sinh kế bền vững; cần trở thành người có học vấn và khá giả như chính vị khách du lịch.


(Ông Hoàng Xuân Đôn - Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn)

Đáng ghi nhận của du lịch tình nguyện là các đơn vị tổ chức tập trung vào các chương trình giáo dục, mang lại cho những người yếu thế, cư dân nghèo, nạn nhân của các vụ lừa đảo... có được một cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống phát triển lâu dài, thay vì những hoạt động từ thiện ngắn hạn.

Những điểm đến mà mô hình du lịch tình nguyện chọn chủ yếu là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên người dân ở đó lại không biết cách làm sao để phát triển. Vì vậy, du khách tình nguyện sẽ đào tạo cho họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay để họ thấy ngoài việc đi cày ruộng, đánh cá thì vẫn có cách kiếm tiền mới và có thể phát triển bền vững.

Để du lịch tình nguyện phát huy đúng vai trò, mục đích những người tham gia cũng cần được trang bị những kỹ năng nhất định, đặc biệt là những mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững./.

Cẩm Anh