Anh kêu gọi hành động khẩn cấp bảo vệ báo chí trước nguy cơ bị AI điều khiển
Truyền thông - Ngày đăng : 08:49, 17/12/2024
Anh kêu gọi hành động khẩn cấp bảo vệ báo chí trước nguy cơ bị AI điều khiển
Các thuật toán do AI điều khiển trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube và X (Twitter) đã trở thành “những người gác cổng” thông tin mới, định hình những gì người dùng thấy và tin tưởng.
Các tòa soạn truyền thống đang gặp thách thức trước hệ sinh thái mới gồm những người có sức ảnh hưởng và các nền tảng do AI điều khiển. Nhưng khi báo chí trở nên phi tập trung hóa thì sẽ nảy sinh những câu hỏi quan trọng về tính chính xác, trách nhiệm giải trình và sự tồn tại của việc đưa tin có trách nhiệm.
Lexie Kirkconnell-Kawana, Tổng giám đốc điều hành của Impress, cơ quan quản lý báo chí độc lập của Vương quốc Anh đang kêu gọi hành động khẩn cấp để đảm bảo sự tồn tại của báo chí trước các phương tiện truyền thông phi tập trung và do AI điều khiển.
Sự thay đổi mạnh mẽ này phần lớn do các nền tảng truyền thông xã hội đã tận dụng các thuật toán AI tinh vi để thúc đẩy sự tương tác.
Các thuật toán do AI điều khiển trên các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube và X (Twitter) đã trở thành “những người gác cổng” thông tin mới, định hình những gì người dùng thấy và tin tưởng.
Ngay cả các công cụ tìm kiếm như Google hiện cũng sử dụng AI để tạo tóm tắt cho các truy vấn. Nhưng các hệ thống này thường xử lý dữ liệu kín. Sự thiếu minh bạch này đặt ra những câu hỏi quan trọng về trách nhiệm giải trình và tính toàn vẹn của thông tin mà người dùng tiếp nhận.
Lexie Kirkconnell-Kawana cho biết: "Các thuật toán đều do con người thiết kế và ra quyết định nên nó được điều khiển bởi con người". Các thuật toán này tuyển chọn nội dung dựa trên hành vi của người dùng, thường ưu tiên sự tương tác hơn độ chính xác. Điều này có thể dẫn đến việc truyền tải thông tin sai lệch.
"Xã hội đang ngày càng nhiều người có sức ảnh hưởng trong tin tức, những nhân vật nổi tiếng và những người không nhận ra những gì họ đang làm là tin tức và báo chí nhưng vẫn trở thành nguồn tin tức chính cho nhiều người khác".
Gần 40% người lớn ở Mỹ dưới 30 tuổi cho biết họ thường xuyên nhận được tin tức từ những người có sức ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội. Cùng với đó, các nền tảng phi tập trung khiến những quy định trở nên phức tạp hơn. Với vô số nguồn tạo ra và chia sẻ nội dung, việc duy trì các tiêu chuẩn biên tập và trách nhiệm giải trình trở nên gần như không thể.
Về vai trò của AI đối với truyền thông, Lexie Kirkconnell-Kawana cho rằng: "Chúng ta cần phải nhanh chóng nhận ra tác hại của nó gây ra. Nếu con người đang dựa vào thông tin được tạo ra trên các nền tảng hỗ trợ AI và thông tin đó không chính xác, không có tính toàn vẹn, vi phạm quyền thì chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ".
Một phần của vấn đề nằm ở sự không kết nối giữa các nhà phát triển AI và các ngành, nơi các công cụ của họ được triển khai. Nếu không có các quy định chặt chẽ, các nền tảng sẽ tiếp tục tác động đến dư luận mà không có trách nhiệm giải trình. Do vậy, cần phải hiểu thị trường, theo dõi các công cụ mới nổi và điều chỉnh sự tích hợp khi thấy được những tác hại.
Hơn nữa, cần phải có sự lãnh đạo và tầm nhìn. Tuy nhiên các phương tiện truyền thông hiện nay vẫn đang thiếu hai yếu tố này.
Đó là lý do Lexie Kirkconnell-Kawana cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là lĩnh vực truyền thông phải nhận ra sự thay đổi đang diễn ra và phải có sự lãnh đạo cũng như cách thức để duy trì quyền kiểm soát cho những thứ cần bảo tồn để đảm bảo rằng chúng vẫn được giữ vững trước sự thay đổi này./.