Ngành bưu chính - động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:49, 17/12/2024

Các chuyên gia bưu chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định ngành bưu chính là ngành thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập dù gặp một số thách thức.
Diễn đàn

Ngành bưu chính - động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Các chuyên gia bưu chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định ngành bưu chính là ngành thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập dù gặp một số thách thức.

Những thách thức lớn đối với bưu chính

Mới đây, tại hội thảo về quản lý bưu chính của Liên minh Bưu chính châu Á - Thái Bình Dương (APPU) do Bộ TT&TT đăng cai tổ chức, đại diện bưu chính các nước đã nhận định những thách thức đối với sự phát triển của ngành bưu chính.

toa-dam-appu.jpg
Các chuyên gia bưu chính các nước châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về thách thức và cơ hội đối với ngành bưu chính.

Đầu tiên là sự phát triển của truyền thông số, thương mại điện tử và các dịch vụ chuyển phát phục vụ thương mại điện tử đã tác động mạnh đến các mô hình kinh doanh bưu chính truyền thống, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải điều chỉnh các quy định, phù hợp với công nghệ và mô hình kinh doanh mới.

Thách thức thứ hai là đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên một thị trường bưu chính năng động và cạnh tranh khốc liệt. Sự cạnh tranh gia tăng từ các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát tư nhân gây áp lực buộc các doanh nghiệp bưu chính quốc gia phải đổi mới, cải thiện hiệu quả trong khi vẫn duy trì khả năng đảm bảo tồn tại một cách ổn định.

Tiếp theo là kỳ vọng của khách hàng đối với dịch vụ bưu chính ngày càng thay đổi. Khách hàng hiện nay đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh hơn, tiện lợi hơn và dịch vụ được cá thể hóa hơn, đòi hỏi ngành bưu chính phải điều chỉnh các dịch vụ và chất lượng dịch vụ của mình.

Trong khi đó, dịch vụ bưu chính phổ cập (USO) vừa phải đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, trong khi đó cần duy trì tính bền vững về tài chính đối với dịch vụ bưu chính phổ cập cũng là một thách thức đáng kể.

toa-dam-2.jpg
Các chuyên gia bưu chính chia sẻ những thực tiễn trong quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập cho người dân.

Phổ cập dịch vụ đảm bảo dòng chảy vật chất

Dịch vụ bưu chính phổ cập tại các quốc gia có nghĩa là cung cấp dịch vụ bưu chính liên tục cho mọi người dân trong phạm vi dịch vụ phổ cập, đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ do Nhà nước quy định với mức phí hợp lý. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính chịu trách nhiệm giám sát và quản lý dịch vụ bưu chính phổ cập, doanh nghiệp bưu chính quốc gia (doanh nghiệp được chỉ định) có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập theo quy định của Nhà nước.

Tại Trung Quốc, doanh nghiệp bưu chính cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập để chuyển phát thư từ, ấn phẩm không nặng quá 5 kilogram (kg), bưu kiện không nặng quá 10 kg và chuyển tiền qua bưu điện. Trung Quốc có hơn 54.000 bưu cục và hơn 83.000 hộp thư.

Tại Ấn Độ, dịch vụ bưu chính phổ cập được nêu rõ trong quy định mới về bưu chính. Dịch vụ bưu chính phổ cập phải có giá cả phù hợp với mức sống của người dân, được cung cấp cho người dân trên toàn quốc, phạm vi bao gồm: thư và gói, kiện. Dịch vụ bưu chính phổ cập được cung cấp thông qua khoảng 165.000 bưu cục và 380.000 hộp thư trên toàn quốc.

Tại Indonesia, dịch vụ bưu chính phổ cập được đảm bảo với giá cả phải chăng cho tất cả các khu vực, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa. Dịch vụ bưu chính phổ cập bao gồm: dịch vụ thư, bưu kiện, chuyển phát nhanh và chuyển tiền. Dịch vụ được đảm bảo cung cấp tại khoảng 5.000 bưu cục trên khắp Indonesia.

tong-thu-ky-appu-2.jpg
TS. Vinaya Prakash Singh: APPU sẽ tổ chức hội thảo chuyên sâu về dịch vụ bưu chính phổ cập để đảm bảo “dòng chảy vật chất” cho xã hội.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, TS. Vinaya Prakash Singh, Tổng Thư ký APPU cho biết, các quốc gia APPU đều khẳng định sự cần thiết của dịch vụ bưu chính phổ cập. Dịch vụ bưu chính phổ cập thông thường bao gồm thư đến 2 kg với giá cước phù hợp. Các cơ chế để hỗ trợ dịch vụ bưu chính phổ cập bao gồm: hỗ trợ từ chính phủ, từ quỹ bưu chính công ích, từ phạm vi dành riêng dành cho doanh nghiệp bưu chính quốc gia.

Đây là vấn đề cần tiếp tục bàn thảo. APPU sẽ tổ chức hội thảo chuyên sâu về dịch vụ bưu chính phổ cập để đảm bảo “dòng chảy vật chất” cho xã hội. APPU cũng sẽ hỗ trợ hoạt động bền vững của mạng lưới bưu chính vật lý và kỹ thuật số.

Tổng thư ký APPU khẳng định: “Nâng cao vai trò của ngành bưu chính như một động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập khu vực”.

Ông Vinaya Prakash Singh cũng kiến nghị các doanh nghiệp bưu chính quốc gia cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính. Các quốc gia cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để lĩnh vực bưu chính phát triển bền vững. APPU cũng sẽ tổng hợp kinh nghiệm cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập thành tài liệu chung để chia sẻ giữa các nước thành viên APPU.

Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, đơn vị quản lý lĩnh vực bưu chính của Việt Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng APPU xây dựng chương trình chi tiết của hội thảo bưu chính khu vực APPU, đề xuất các nội dung quan trọng trong việc cải tổ thể chế bưu chính các quốc gia thành viên APPU, bao gồm: tính bền vững của dịch vụ bưu chính phổ cập, cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng bưu gửi của các quốc gia, quy định bưu chính hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới thông suốt, đảm bảo bền vững môi trường trong cung ứng dịch vụ bưu chính…

ong-la-hoang-trung.jpg
Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung: Việt Nam đang thực hiện điều chỉnh, sửa đổi thể chế bưu chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bưu chính quốc gia.

“Thương mại điện tử là động lực thúc đẩy tăng trưởng sản lượng bưu gửi nhưng yêu cầu đối với giao hàng gói, kiện thương mại điện tử khác xa so với dịch vụ bưu chính phổ cập”, ông Lã Hoàng Trung cho hay.

Vụ Bưu chính cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong điều chỉnh, sửa đổi thể chế bưu chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bưu chính quốc gia.

Để cải thiện dịch vụ bưu chính phổ cập, ông Lã Hoàng Trung cho biết cần phải cải cách quy định, xác định lại phạm vi về dịch vụ bưu chính phổ cập. Đồng thời cần có cơ chế duy trì dịch vụ, tính tính toán lại chi phí dịch vụ và có hỗ trợ của Chính phủ thông qua các cơ chế đặc thù như khu vực dịch vụ dành riêng, đưa giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập tiến gần đến giá trị thực...

Ngoài ra cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đánh giá chất lượng dịch vụ hàng năm (chất lượng dịch vụ phổ cập và chất lượng không phải không phải phổ cập), tổ chức, sắp xếp danh mục dịch vụ bưu chính, tập trung vào dịch vụ có lợi thế là giải pháp cần thiết.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức hội thảo quản lý bưu chính APPU, một hội thảo chuyên sâu về quy định và thể chế bưu chính của các quốc gia trong khuôn khổ dự án của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) hỗ trợ Liên minh Bưu chính châu Á - Thái Bình Dương (APPU)./.

Hoàng Linh