Luật Dữ liệu sẽ tăng cường chất lượng công tác thống kê
Truyền thông - Ngày đăng : 13:43, 01/12/2024
Luật Dữ liệu sẽ tăng cường chất lượng công tác thống kê
Luật Dữ liệu có 5 chương với 46 điều, quy định về dữ liệu số; Xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; Quản lý về dữ liệu số; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Chiều ngày 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu với 451/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,15% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, sẽ từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Luật Dữ liệu vừa được thông qua có quy định lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; Phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Cơ sở dữ liệu này sẽ được tích hợp thông tin từ kết quả thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; Dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu khác; Dữ liệu được số hóa, cung cấp bởi cá nhân, tổ chức và nguồn khác theo quy định. Mô hình này phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; Phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Luật Dữ liệu có nhiều quy định hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; Quản lý nhà nước về dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Bên cạnh đó, Luật có quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển, xử lý dữ liệu quy định trên phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Các tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý trong các trường hợp sau đây: Ứng phó với tình trạng khẩn cấp; Khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Thảm họa; Phòng, chống bạo loạn, khủng bố./.