Khi áo xanh “cõng sóng” lên non
Truyền thông - Ngày đăng : 14:37, 16/12/2024
Khi áo xanh “cõng sóng” lên non
Vượt qua muôn vàn khó khăn, địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, trạm phát sóng Háng Á, thuộc xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái vừa được đưa vào khai trương. Đây là trạm phát sóng hoạt động độc lập không cần điện lưới, là một trong những địa bàn xa xôi nhất tỉnh Yên Bái không còn “lõm sóng”.
Không còn “hứng sóng”
Thào A Súa ngẩng mặt nhìn con dốc dựng đứng trước mặt rồi vít tay ga chiếc xe Win 67 cũ kỹ trong tay. Súa cứ thế điềm tĩnh rồ ga, phóng thẳng lên quả đồi mà Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel vừa hoàn thành trạm phát sóng di động YBI0617, tại bản Háng Á, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.
Gửi xe ở ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi, Súa dẫn chúng tôi trèo lên trạm thu phát sóng. Năm nay Súa 30 tuổi, chiếc xe này anh mua đã 10 năm. Súa bảo, hồi chưa được đầu tư làm đường, các anh phải quấn xích vào bánh để chống trượt. Chiếc điện thoại anh mua mấy năm nhưng chả mấy khi được dùng bởi phải “hứng sóng” cách nhà hơn 3km.
Cũng trong cảnh từng “hứng sóng”, cô Nguyễn Minh Hiền, giáo viên lớp 4-5 tuổi, điểm Trường mầm non Háng Á cho hay, lớp có khoảng 30 học sinh. Trước đây cô trò toàn dạy “chay”, nghĩa là cần dạy bài gì, cô ra hàng photo lại các hình ảnh qua giấy A3 hoặc A0, dán lên bảng cho học sinh nhìn. Cô cứ nói, trò cứ nghe nhưng việc dạy như thế, thiếu hấp dẫn.
Thế nhưng một tuần nay, việc dạy học của cô trò ở đây đã khác. Trên mặt bàn ở lớp ghép 4-5 tuổi, chiếc máy tính cũ đang mở, cổng kết nối giữa máy tính và tivi sáng lập lòe theo nhịp điệu bài giảng của cô Hiền. Đôi lúc các cô giáo còn tạo nhân vật từ AI khiến trẻ rất thích thú.
“Trước đây chúng tôi mất cả tuần để chuẩn bị học liệu bằng giấy nhưng nay nhàn hơn. Những ngày có nắng, có điện pin năng lượng mặt trời, chúng tôi phát wifi từ điện thoại để lên mạng tìm hình ảnh, video, sau đó phát lên ti vi, nhanh và rất thuận tiện.
Chẳng hạn trước đây chúng tôi chỉ in được hình ảnh cây bắp cải, nhờ kho học liệu số trên mạng, bây giờ chúng tôi có thể cho học sinh biết quá trình sinh trưởng của cây ra sao. Các bài giảng phong phú, trẻ thích thú hơn”, cô Hiền nói.
Cũng theo cô giáo này, hầu hết học sinh ở đây đều ở xa điểm trường 3-4km, có em ở cách trường 7-8 km, đường đèo đi lại khó khăn. Việc vận động các em khắc phục đến trường đã khó, việc duy trì mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường nhiều khi còn khó hơn.
“Đôi lúc chúng tôi phải để một cô quản lớp, cô còn lại chạy đến nhà xem học sinh có vấn đề gì khiến hôm đó không đến trường. Có lần học sinh ốm nhưng không liên lạc được với gia đình, tôi ở lại trông lớp còn cô giáo khác chạy 7-8km đường rừng chở con về nhà. Đến nơi không gặp ai, cô ấy phải chở học sinh đang sốt quay trở lại lớp”, cô Hiền kể lại.
Theo ông Sùng A Bình, Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, đây là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bản có 114 hộ dân, 618 nhân khẩu, trong đó 78 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Nơi đây không có điện lưới quốc gia và mới có sóng điện thoại Viettel được một tuần. Do vậy, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, phát triển kinh tế xã hội.
“Cõng sóng” lên non
Trạm thu phát sóng di động bản Háng Á có mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, thời gian thi công 3 tháng. Điểm trạm giúp đảm bảo kết nối 2G và 4G cho 114 hộ dân tại bản Háng Á và các bản lân cận, mở ra cơ hội tiếp cận Internet cho người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn.
Anh Hờ A Sinh, Giám đốc Viettel huyện Mù Cang Chải cho biết, từ trung tâm huyện vào đến điểm xây dựng trạm thu phát sóng YBI0617 khoảng 40km đường rừng, đi lại khó khăn.
“Để xây dựng trạm thu phát sóng này, chúng tôi phải dùng xe công nông hoặc xe tải nhỏ chở vật liệu đổ cách điểm xây dựng khoảng 1km. Từ đó, bà con dùng xe máy đưa vật liệu ngược lên đồi. Từ chân đồi, bà con tiếp tục gùi vật liệu lên điểm xây dựng trạm thu phát sóng. Ròng rã 3 tháng, địa phương mới xây dựng xong trạm”, anh Sinh cho biết.
Theo Trung tá Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Yên Bái, đơn vị này đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện để mở rộng phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mặc dù chi phí xây dựng trạm thu phát sóng Háng Á 3 tỷ đồng, gấp 3 mức xây dựng một trạm ở miền xuôi nhưng Viettel vẫn ưu tiên phủ sóng tại những khu vực này để rút ngắn khoảng cách với các vùng khác.
Ngoài cung cấp dịch vụ, các trạm phát sóng của Viettel như Háng Á còn mang tầm chiến lược, đảm nhiệm nhiệm vụ an ninh quốc phòng như tìm kiếm, cứu hộ, phòng chống thiên tai.
“Trong thời gian tới, Viettel Yên Bái đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ các khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2025-2030. Để chuẩn bị cho lộ trình này, Viettel Yên Bái đã triển khai các giải pháp như nâng cấp hệ thống trạm, bổ sung tần số 4G/5G để mở rộng vùng phủ.
Ngoài ra, Viettel Yên Bái đã ký thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Yên Bái để ưu tiên phủ sóng tại các thôn chưa có điện và sóng điện thoại. Hiện đơn vị đã triển khai 2 trạm trong số 12 trạm được xác định.
Với đặc điểm vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, gần 3.500 hộ dân của Yên Bái chưa tiếp cận điện lưới, Viettel áp dụng các giải pháp như sử dụng máy phát điện dầu, ắc để cung cấp nguồn điện cho các trạm phát sóng.
Ngoài phủ sóng di động, Viettel cũng triển khai các chính sách viễn thông công ích như cung cấp Internet băng thông rộng, các ứng dụng hỗ trợ y tế, giáo dục tại vùng sâu, vùng xa”, Trung tá Đỗ Thanh Tuấn nói.
Biến giấc mơ thành hiện thực
Đánh giá cao nỗ lực của Viettel Yên Bái trong cam kết phủ sóng di động tại 100% thôn, bản lõm sóng trên địa bàn, ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, Viettel đang góp phần từng bước cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ viễn thông thiết yếu của bà con vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Viettel đã biến ước mơ của người dân bản Háng Á thành hiện thực.
Trạm phát sóng tại bản Háng Á không chỉ mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật mà còn là biểu tượng của ý chí, nỗ lực và trách nhiệm xã hội của Viettel. Do địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, trạm phát sóng Háng Á hoạt động độc lập mà không cần điện lưới.
Quá trình xây dựng có sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình của bà con nhân dân và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ kỹ thuật Viettel, trạm phát sóng di động tại bản Háng Á đi vào hoạt động, sẽ đem sóng di động và Internet đến với bà con, mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức, giao thương và kết nối với cả nước.
Với trạm phát sóng này, Viettel không chỉ dừng lại ở việc mang sóng di động đến những vùng khó khăn mà còn cam kết đồng hành lâu dài cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng theo Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, nhằm thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao với vùng thấp, tỉnh luôn xác định phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là nhiệm vụ quan trọng.
“Đến nay, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động đạt trên 99%, có Internet băng rộng cố định đạt 95%. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi do vậy trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số thôn, bản trắng chưa có điện với trên 3.500 hộ dân chưa được sử dụng điện, 28 thôn bản tại 12 xã, thuộc 4 huyện chưa có sóng di động.
Mặc dù rất khó nhưng sắp tới, tỉnh sẽ cố gắng hoàn thiện đường giao thông, phấn đấu ô tô có thể vào tận nhiều địa bàn xa xôi nhất của Yên Bái. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu kéo điện vào vùng sâu vùng xa, từ đó người dân có điều kiện tiếp cận với sóng, để phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước.
Chúng tôi kỳ vọng sắp tới, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh sẽ triển khai hiệu quả, là cầu nối giúp bà con nhanh chóng tiếp cận được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là chính quyền số”, ông Trần Huy Tuấn nói.