Network Slicing: Công nghệ then chốt của mạng 5G SA Viettel
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 12:35, 18/12/2024
Network Slicing: Công nghệ then chốt của mạng 5G SA Viettel
Phân chia mạng (network slicing) là một trong những dịch vụ đặc biệt mới mà 5G mang lại, nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau trên một cơ sở hạ tầng chung.
Network Slicing là công nghệ then chốt của mạng 5G, cho phép nhà mạng phân chia hạ tầng vật lý thành nhiều "lát cắt" ảo, mỗi lát cắt hoạt động như một mạng riêng biệt.
Trên một mạng 5G vật lý, các lát cắt ảo này có thể được tùy chỉnh để phục vụ nhu cầu cụ thể của từng dịch vụ hoặc ứng dụng. Chẳng hạn, một lát cắt có thể được tối ưu hóa về băng thông, trong khi lát cắt khác lại được điều chỉnh để đạt tốc độ cao, phục vụ hai khách hàng khác nhau mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đây là điều mà các mạng lưới thế hệ trước không thể thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới công nghệ, Viettel Network, Viettel 5G là mạng 5G hiện đại nhất thuộc top 5% trên thế giới triển khai mạng 5G SA hoàn chỉnh từ vô tuyến đến mạng lõi ngay từ thời điểm khai trương. Vào thời điểm khai trương Viettel triển khai khoảng 6.500 trạm. Trong năm 2025 tới đây Viettel tiếp tục triển khai mở rộng vùng phủ mạng 5G lên tới xấp xỉ 20000 trạm phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Mạng 5G SA Viettel đã triển khai network slicing giúp phân chia các mạng vật lý thành các mạng logic, mỗi slice phục vụ một mục đích kinh doanh hoặc khách hàng nhất định, căn cứ vào yêu cầu cụ thể về tốc độ, độ trễ, tính bảo mật. Hiện tại, chỉ mạng 5G SA hỗ trợ Network Slicing giúp cá thể hoá dịch vụ 5G.
Đối với nhóm khách hàng cá nhân, mạng 5G Viettel đã quy hoạch các loại slice sẵn sàng hỗ trợ các nhóm ứng dụng khác nhau như: Slice yêu cầu băng thông cao (livestreaming, AR/VR, Gaming); Slice yêu cầu độ trễ thấp (V2X, tele-health); Slice yêu cầu số lượng kết nối lớn (IoT). Thêm nữa, để sử dụng mạng 5G SA Viettel, khách hàng cá nhân cần có iPhone từ 13 trở lên hoặc một số máy Android như Samsung S21, S22, S23, S24 series,...
“Viettel sẽ tiếp tục ban hành nhiều gói dịch vụ mới cho khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2025”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Đối với khách hàng doanh nghiệp (DN), network slicing giúp các DN linh hoạt lựa chọn mô hình triển khai mạng di động 5G dùng riêng (PMN - Private Mobile Network) theo yêu cầu về bảo mật, độ trễ và tối ưu chi phí. Một usecase điển hình là nhà máy thông minh với tổng chi phí khi ứng dụng 5G PMN rẻ hơn gần 22% so với giải pháp truyền thống.
Ông Hải cho rằng, Viettel hiện là nhà mạng Việt Nam đầu tiên tham gia GSMA Open Gateway, phát triển và cung cấp API chuẩn hoá cho nhà phát triển, giúp họ dễ dàng tích hợp ứng dụng vào mạng lưới, giúp khai thác tính năng vượt trội của mạng 5G. Viettel là nhà mạng tiên phong chuyển đổi mạng truyền thống thành mạng “mở”, mạng “có thể lập trình”.
Chia sẻ về xu thế triển khai Network API, diễn giả đến từ Viettel Network cho biết: “Trên thế giới đã có khoảng 38 nhà mạng tại 23 quốc gia kinh doanh dịch vụ Network API, phần lớn các nhà mạng chỉ triển khai 2-5 APIs, hiện có 13/25 API đã công bố được kinh doanh trên thế giới. Điển hình có Camara là dự án mã nguồn mở do Linux Foundation và GSMA khởi xướng nhằm phát triển, chuẩn hoá các Network APIs, dự kiến đến tháng 3/2025, Camara sẽ cập nhật cho 15 API hiện tại và bổ sung thêm 11 API mới”.
Hiện tại, mạng lưới Viettel đã triển khai hỗ trợ Network APIs, lộ trình từ năm 2025 sẽ phát triển hơn 10 APIs theo chuẩn Camara, cung cấp SDK cho nhà phát triển giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, bổ sung môi trường sandbox cho nhà phát triển. Đến năm 2026, Viettel sẽ liên kết với các nhà mạng trong nước và quốc tế để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới./.