Số hóa hệ thống nhằm ngăn chặn biến tướng kinh doanh đa cấp

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 00:00, 02/12/2024

Quy định quản lý còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở đã làm kinh doanh đa cấp phát triển biến tướng theo chiều hướng xấu. Để tạo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng thì cần sớm nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính, lừa đảo.
Đời sống xã hội

Số hóa hệ thống nhằm ngăn chặn biến tướng kinh doanh đa cấp

Hoàng Hà 02/12/2024 00:00

Quy định quản lý còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở đã làm kinh doanh đa cấp phát triển biến tướng theo chiều hướng xấu. Để tạo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng thì cần sớm nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính, lừa đảo.

Kinh doanh đa cấp biến tướng thu lợi trái phép

Theo báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với tổng doanh thu năm 2022 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng; Nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người trên khắp cả nước.

Trong 5 năm qua, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh đa cấp đi vào ổn định và phát triển, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh này cũng đã nhiều lần được đề xuất, sửa đổi và dần được hoàn thiện. Tuy trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ nhưng tại thời điểm hiện tại, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức đa cấp bất chính vẫn cố tình lừa đảo người tiêu dùng. Điều này gây bức xúc dư luận, mất lòng tin của xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp chân chính, đúng luật.

anh-bai-3.jpg

Nguyên nhân là do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo một chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia. Việc lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã buộc phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.

Hiện này trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, sử dụng sản phẩm hàng hoá không đảm bảo chất lượng là công cụ để thực hiện hoạt động bất chính. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn đang đánh đồng doanh nghiệp được cấp phép, tuân thủ pháp luật tốt với doanh nghiệp làm ăn có dấu hiệu lừa đảo, chụp giật… ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt cho ngành.

Số hóa hệ thống kinh doanh đa cấp

Theo các chuyên gia, kinh doanh theo hình thức đa cấp là loại hình kinh doanh có điều kiện, được cấp phép và là miếng ghép quan trọng trong hệ thống kinh tế thị trường. Kinh doanh đa cấp có vấn đề khi nảy sinh một số bất cập như người bán hàng thông tin không đúng về sản phẩm, bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng với giá cao… đồng thời tạo xu hướng tiêu dùng quá mức. Không quản lý tốt hình thức kinh doanh này sẽ gây hệ luỵ cho cộng đồng, xã hội.

Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trái phép, những hành vi lừa đảo chụp giật hòng lừa dối người tiêu dùng nhằm tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng thì rất cần các biện pháp mạnh để sớm nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính; Cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để doanh nghiệp, người dân cùng hiểu. Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, giá bán cuối cùng của sản phẩm. Để chống những hình thức kinh doanh đa cấp trá hình, không thể chỉ dựa cơ quan quản lý, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cần phát huy hiệu quả hơn vai trò bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh chân chính, phát hiện doanh nghiệp có hành vi trục lợi để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; Đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị để cảnh báo, ngăn chặn và tăng cường tuyên truyền.

Sự phối hợp giữa Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam với các cơ quan chức năng để nhận diện, thông báo, phát hiện, xử lý các vi phạm trong kinh doanh sản phẩm đa cấp chưa được cấp phép là rất cần thiết để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp chân chính, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và trục lợi; Sự liên kết, liên thông và phối hợp cung cấp thông tin sẽ giúp người dân phân biệt doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh với các doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp, trục lợi; Cơ quan chức năng, doanh nghiệp với các cơ quan truyền thông phối hợp để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, thói quen kinh doanh của nhà phân phối thúc đẩy sự phát triển của ngành bán hàng được pháp luật thừa nhận.

Hoàng Hà