Chế tài xử lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:19, 20/12/2024
Chế tài xử lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì sự công bằng trong kinh doanh, nhà nước đã ban hành các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp.
Trong thời gian vừa qua, nhiều Doanh nghiệp tổ chức các hoạt động bán hàng đa cấp tại các khu vực nông thôn, vùng xâu, vùng xa, những nơi người dân thiếu hiểu biết, dễ bị lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, thủ đoạn chính của các nhóm đối tượng này là đưa ra hình thức vừa quảng cáo tiếp thị, vừa tặng quà và rao bán các sản phẩm thông dụng như thiết bị, đồ dùng nội trợ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì sự công bằng trong kinh doanh, nhà nước đã ban hành các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Những chế tài này không chỉ bao gồm các hình thức xử phạt hành chính mà còn có thể kéo theo trách nhiệm hình sự đối với những tổ chức lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Việc áp dụng các chế tài này nhằm răn đe và ngăn chặn tình trạng kinh doanh đa cấp trái phép, bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.
Về xử lý hành chính: Căn cứ Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp sẽ phải chịu mức phạt từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên, mức phạt có thể gấp đôi. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc nộp lại lợi bất hợp pháp và cải chính thông tin sai lệch.
Về xử lý hình sự: Với sự biến tướng khó lường, liên tục thay đổi hành vi, phương thức thực hiện của các hoạt động kinh doanh đa cấp. Vì vậy, tùy từng diễn biến, cấu thành tội phạm của từng vụ việc thì cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi đó thuộc nhóm tội phạm nào. Dựa trên thực tiễn, có thể thấy, các đối tượng lợi dụng mô hình đa cấp để vi phạm pháp luật có thể bị xử lý ở:
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa c (Điều 217a BLHS) có mức phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm;
Hoặc bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS); hay tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS) đều có khung hình phạt thấp nhất từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 03 năm, và mức hình phạt cao nhất lên đến đến 12 - 20 năm, riêng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể vi phạm tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS) với mức hình phạt thấp nhất là từ phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm và mức hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thẻ bị áp dụng các hình phạt bổ sung tương ứng như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, bị tịch thu tài sản.