Người Chứt tiêu biểu ở Bản Rào Tre
Truyền thông - Ngày đăng : 06:29, 21/12/2024
Người Chứt tiêu biểu ở Bản Rào Tre
Có lẽ, trong số các dân tộc thiểu số rất ít người, những người Chứt ở bản Rào Tre có số phận đặc biệt. Đã từng có lúc cả bản bây giờ chỉ còn 18 người sống trong hang đá. Nhưng nay cuộc sống của người Chứt ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) đã khác.
Những người Chứt hồi sinh
Những năm 1960, một nhóm người Chứt từ tỉnh Quảng Bình băng rừng đến sinh sống trên những dãy núi phía tây huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Họ ở trong hang đá, sống bằng săn bắt, hái lượm.
Khi bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện ra thì họ chỉ còn 18 người đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, đói khổ, mông muội, không biết làm ra hạt thóc, hạt gạo để ăn, và thường xuyên quần hôn khiến giống nòi suy thoái.
Đầu thập niên 1990, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh là ông Võ Trọng Việt - người sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi là Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội. Chính ông đã báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh xin cho Biên phòng được giúp đỡ bà con dân tộc Chứt. Thế là năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay để đưa người Chứt ra sinh sống. Kể từ đấy người Chứt có không gian riêng, được bộ đội dạy cách làm ăn, dạy tiếng nói, chữ viết.
Ông Võ Trọng Việt sau này miêu tả người Chứt lúc đó là “đói không lo, no không mừng”, làm ra hạt gạo đã khó, nhưng làm ra rồi cũng không biết chế biến ăn.
Khi Bộ đội biên phòng đưa cán bộ Sở Tư pháp lên làm giấy khai sinh cho bà con, thì có người hơn 70 tuổi mới lần đầu tiên có giấy khai sinh.
Mùa lúa đầu tiên làm cho đồng bào Chứt, vụ lúa đầu tiên được mùa nên anh em biên phòng phấn khởi lắm, đem lúa chia cho đồng bào nhưng vô cùng bất ngờ vì không ai lấy, đều mang đến trả vì họ nói… không ăn được. Bộ đội biên phòng lại phải xay thành gạo cho bà con, rồi phát cho mỗi nhà 30 - 50kg, nhưng chỉ trong một ngày, họ ăn hết toàn bộ số gạo đó, hoặc đem đi đổi rượu uống.
Vậy là sau đó, bộ đội lại phải chia nhỏ gạo vào từng túi, rồi phát theo từng bữa, cứ thế ròng rã trong 6 tháng trời bà con mới quen dần.
Năm 2001, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác Biên phòng Rào Tre thuộc Ðồn Biên phòng Bản Giàng. Tổ công tác được bố trí đóng quân ngay trong bản Rào Tre, với nhiệm vụ trực tiếp giúp dân xây dựng, ổn định cuộc sống lâu dài.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre là một trong những người có thời gian gắn bó lâu năm với đồng bào Chứt.
Với người Chứt, thầy mo rất quan trọng. Họ coi đó là những người xua tà, đuổi quỷ, chữa bệnh bằng cách cúng tế. Người con trai lấy vợ, chỉ cần người mang bó củi đến bỏ trước cửa nhà cô gái, gia đình người con gái lấy bó củi vào bếp đun thì người con trai được tự do đến nhà cô gái ăn ở. Cũng vì tập tục này dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người Chứt.
Tổ công tác biên phòng bản Rào Tre xem việc xóa dần hôn nhân cận huyết thống, bảo tồn dân tộc Chứt ở bản Rèo Tre là nhiệm vụ cấp bách. Biên phòng phối hợp với địa phương vận động dân hiểu tác hại của hủ tục này.
Tháng 9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến năm 2020. Đề án khuyến khích, hỗ trợ người Kinh và các dân tộc khác kết hôn với người dân tộc Chứt, mỗi cặp vợ chồng ngoại tộc cưới nhau sẽ được tỉnh cấp đất phục vụ sinh hoạt, canh tác và hỗ trợ tiền mặt 30 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ 20 triệu đồng.
“Già làng” trẻ tuổi của bản Rào Tre
Song song với vận động thì đồn biên phòng gương mẫu thực hiện trước, vận động chiến sĩ của đồn là anh Lê Xuân Công kết hôn với chị Hồ Thị Mai, một người con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Năm 2015, đám cưới “xé rào” hủ tục đầu tiên đã diễn ra giữa Hồ Thị Mai với chàng trai Lê Xuân Công.
Tiếp sau đó, là đám cưới của 2 cặp đôi con trai người Kinh kết hôn với 2 cô gái dân tộc Chứt. Đám cưới được Đồn Biên phòng đứng ra chăm lo xe đưa đón dâu, hỗ trợ mỗi đám 20 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng.
Ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng có một bộ phận người Chứt sinh sống, có nhiều nét tương đồng với văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc Chứt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Tổ công tác bản Rào Tre của Đồn Biên phòng Bản Giàng đã dẫn các chàng trai, cô gái dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vào giao lưu với các chàng trai cô gái dân tộc Chứt, Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Kết quả là đã có hai đôi thành vợ thành chồng sau những lần gặp gỡ giao lưu, hò hẹn này. Đến khi tình yêu đơm hoa kết trái thì các chiến sĩ biên phòng lại tất bật đứng ra tổ chức kết duyên cho các đôi trai gái.
Anh Hồ Xuân Nam (cả bản Rào Tre mang họ Bác Hồ) là một trong những thanh niên đầu tiên ở Bản Rào Tre “vượt rào” lấy vợ ngoài bản, góp phần xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết. Nam băng rừng, vượt suối qua Quảng Bình lấy vợ cũng người Chứt.
Sinh ra và lớn lên ở Rào Tre, là con trai đầu của gia đình có 4 anh chị em nhưng mãi đến năm 14 tuổi, Hồ Xuân Nam mới được đưa ra Trường dân tộc nội trú huyện Hương Khê học chữ. Dẫu vậy, anh đã vượt qua những mặc cảm về tuổi tác, sự tự ti của đồng bào dân tộc Chứt để tìm kiếm cái chữ, mở mang đầu óc. Kiên trì học đến lớp 8, anh Nam xin nghỉ, nhường việc học cho các em và quay lại bản làm kinh tế.
Sau khi có con chữ, anh Hồ Xuân Nam thay đổi tư duy. Cũng như những bà con dân tộc Chứt ở Rào Tre, anh Nam được lực lượng Biên phòng ở Tổ công tác bản Rào Tre cầm tay chỉ việc, từ trồng lúa nước cho đến chăn nuôi, phát triển vườn hộ.
Anh Nam chú tâm học hỏi, kiên trì làm theo, dần dần, anh tự chủ động mọi việc, từ chăn nuôi, trồng trọt đến làm vườn, đi rừng. Trong vườn anh thả gà, trên rừng anh thả trâu, bò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá.
Hai vợ chồng anh Nam chăm chỉ làm ruộng, tăng gia sản xuất, đi rừng hái lá nón, cây mây, lấy mật ong… để bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự chăm chỉ, tằn tiện, hai vợ chồng tích góp mua sắm nhiều vật dụng tiện nghi như tivi, tủ lạnh, xe máy…
Năm 2015, bản Rào Tre được chính quyền địa phương đầu tư cho một máy cày để thay thế sức trâu bò. Sau khi được cán bộ hướng dẫn một lần, anh Nam đã tự tin leo lên máy, điều khiển bắt nó làm việc theo ý của mình. Sau đó, anh thường xuyên được xã giao máy cày hộ cho bà con trong bản. Có máy cày thay thế sức trâu, việc đồng áng dễ dàng, nhanh chóng hơn, sản xuất lúa của bà con dân bản từ 1 vụ nay đã tăng lên 2 vụ, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Hương Liên Đinh Văn Sánh cho biết: Bản Rào Tre có 46 hộ với 157 nhân khẩu, trong đó có 26 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Gia đình anh Hồ Xuân Nam là 1 trong 20 hộ đầu tiên của bản thoát nghèo, vươn lên cận nghèo. Gia đình anh có 4 đứa con (2 trai, 2 gái) được nuôi dạy, ăn học học đầy đủ. Anh Nam là tấm gương sáng điển hình và nổi bật nhất về ý thức làm kinh tế cũng như các hoạt động văn hóa - xã hội ở bản Rào Tre.
Có một sự thay đổi rõ nét trong cộng đồng người dân tộc Chứt là tình trạng hôn nhân cận huyết đã giảm hẳn, qua đó tránh được nguy cơ suy thoái nòi giống. Từ năm 2015 đến nay, đã có 8 đám cưới có dâu, rể ngoài bản Rào Tre, góp phần chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt ở nơi này.
Năm 2019, Hồ Xuân Nam được Ủy ban MTTQ xã Hương Liên tín nhiệm, giao trọng trách làm Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre khi vừa tròn 32 tuổi. Anh cũng là Trưởng ban Công tác Mặt trận đầu tiên của người Chứt ở Rào Tre.
“Trước đây, người đứng đầu bản thường là những người lớn tuổi, vì thế nhiều người bất ngờ và hoài nghi về năng lực của tôi. Nhưng qua một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động và nhờ lợi thế biết tiếng dân tộc nên bà con dân bản dần tin tưởng, làm theo”, anh Nam chia sẻ.
Để góp phần xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre, ngoài việc bản thân lấy vợ người Chứt ở Quảng Bình, noi gương anh, người em gái ruột cũng lấy chồng là người Kinh ở ngay trong xã và chị gái vợ ở Quảng Bình lấy cậu ruột của anh Nam.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, anh Nam đã nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng. Năm 2020, anh là 1 trong 90 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Năm 2022, tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã và trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, anh tiếp tục được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen.
Từ cuối năm 2023, Hồ Xuân Nam hiện là công an xã không còn giữ vị trí Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre nữa nhưng Nam vẫn được đồng bào ghi nhận như một trong những người tiên phong của bản, xoá bỏ tập tục, vươn lên thoát nghèo./.