Những “ngọn đuốc” ở bản
Truyền thông - Ngày đăng : 13:44, 22/12/2024
Những “ngọn đuốc” ở bản
Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
Nêu gương
Là phụ nữ người dân tộc Tày, Bà Hoàng Thị Uyên, thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đã tạo người uy tín, gánh vác việc thôn, được người dân nơi đây kính trọng. Bà Uyên được người dân tín nhiệm bầu làm người có uy tín từ năm 2014. Năm 2018, bà được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.
Khi thôn có việc bà luôn đi đầu, gương mẫu. Gia đình bà gương tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Từ sự nêu gương của bà Uyên, người dân trong thôn đã đóng góp gần 200 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng năm 2020, trong niềm vui cảu người dân trong thôn.
Bà Uyên chia sẻ: “Muốn người dân tin và làm theo thì bản thân mình, gia đình mình phải gương mẫu đi đầu, không tính thiệt hơn. Với người dân phải gần gũi, thấu hiểu, thì mới gắn kết, huy động được sức mạnh cộng đồng”.
Là người đứng đầu của thôn, bà luôn trăn trở trước những khó khăn về kinh tế. Vì thế bà Uyên đã cùng với tập thể chi bộ bàn bạc, vận động người dân trồng rừng sản xuất làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, chè xanh, nuôi trâu, bò sinh sản… Ban đầu người dân chưa yên tâm, bản thân bà và các đảng viên trong chi bộ gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo.
Chi bộ Bờ Hồ đã thành lập 3 tổ sản xuất kinh tế nhằm tương trợ, liên kết để giúp đỡ nhau trong sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn. Tới nay, từ một xóm nghèo thu nhập thấp, cả thôn đã vươn lên từ kinh tế hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người thôn đạt trên 43 triệu đồng/người/năm.
Ông Hoàng Xuân Thắng dân tộc Tày, thôn 9 Minh Quang, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang hiến 400m2 đất vườn, đất ruộng xây cầu qua suối theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về xây dựng cầu giao thông trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Chủ động hiến đất ông Thắng phát huy vai trò đảng viên, người uy tín của thôn tham gia vận động 6 hộ hiến gần 700m2 để xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 Minh Quang cho biết: “ Ông Thắng là đảng viên có 40 năm tuổi Đảng, là người có uy tín của thôn lại có kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ thôn trước kia nên hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nên có phương pháp dân vận tốt. Nhờ có ông Thắng mà không chỉ việc vận động người dân hiến đất làm cầu mà nhiều việc khác trong thôn như vận động người dân đóng góp làm đường, giữ gìn an ninh trật tự…của thôn đều triển khai hiệu quả”.
Dẫn lối
Bản người Tày thôn Bình An, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã đổi mới nhiều, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Góp phần vào sự phát triển chung của thôn là ông Hoàng Văn Luân, sinh năm 1981, người uy tín của thôn. Ông Luân đã “ đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động Nhân dân trong thôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thực hiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới việc tang, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Nói dân nghe” ông Luân đã vận động 16 hộ gia đình trong thôn tự nguyện hiến gần 3000m2 đất để xây dựng tuyến đường bê tông trong thôn. Vận động 100% hộ dân trong thôn ký cam kết tự nguyện hiến đất để xây dựng tuyến đường liên xã Bình Nhân - Kim Bình (đoạn đi qua địa phận thôn) với cả chục nghìn m2 đất...
Ông Luân chia sẻ: Chúng tôi không chỉ tuyên truyền góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của chính quyền đến Nhân dân. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tôi đã tích cực vận động bà con hiến đất mở đường và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Có con đường mới đi qua thôn, đời sống của người dân cũng từng bước được nâng lên.
Từ năm 2022 đến nay, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi , huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ông Lầu Văn Thào, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ cũng là người có uy tín thôn Nà Tang cho biết, trước kia, ở Nà Tang, 10 cặp kết hôn thì có đến 8 cặp là tảo hôn. Ông đã chứng kiến nhiều những hệ lụy vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình.
Chính bởi vậy, với vai trò vừa là Bí thư chi bộ, vừa là người có uy tín, ông Thào nhận thấy trách nhiệm của bản thân, ông luôn tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó.
Trong 18 năm được bầu làm người có uy tín, ông Thào đã cùng với cán bộ xã đi hàng trăm lượt đến từng hộ dân, khi là trong bữa cơm chiều, khi là cùng lên nương, rẫy, vừa làm với nhân dân vừa nói chuyện, kiên trì tuyên truyền, lấy ví dụ thực tế ngay các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết trong và ngoài thôn có con bị bạch tạng, mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, còi cọc không phát triển như người bình thường làm minh chứng.
Cũng theo ông Thào, người Mông có tính cộng đồng rất cao và đặt niềm tin tuyệt đối vào người uy tín. Để bà con tin, thì ông cũng phải làm gương, tiên phong dẫn lối từ phát triển kinh tế gia đình, đến những công việc của thôn, bản.
Ông Thào chia sẻ: “Mình làm mang tinh thần của đảng viên không nề hà, không vụ lợi nên bà con thấy nể mà nghe, làm theo thôi!”. Và rồi chính từ đây những nhân tố tốt, tích cực đã được Bí thư chi bộ Thào phát hiện, giới thiệu cho tổ chức Đảng và cũng chính ông là người giúp đỡ cho các quần chúng ưu tú sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nhờ những người uy tín của thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội./.