Giả shipper, lợi dụng thông tin khách hàng để chiếm đoạt tài sản
An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:17, 24/12/2024
Giả shipper, lợi dụng thông tin khách hàng để chiếm đoạt tài sản
Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống, đặc biệt là trong thói quen mua sắm của người dân.
Lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), dịch vụ giao, nhận hàng tại nhà đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các hình thức thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện. Theo đó, các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả làm nhân viên giao hàng (shipper) của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.
Theo Công an TP. Hà Nội, trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Theo Công an quận Cầu Giấy, đơn vị đang điều tra, xác minh một vụ lừa đảo với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào khoảng 9h ngày 1/11/2024, chị B. (sinh năm 2001) nhận được điện thoại của đối tượng thông báo có đơn hàng gửi đến. Chị B. trao đổi shipper là để hàng vào nhà và bảo đưa số tài khoản để thanh toán. Sau khi chuyển khoản, shipper đã gọi lại thông báo là gửi nhầm tài khoản thanh toán của shipper khác và yêu cầu chị phải truy cập vào một đường link của công ty giao hàng để nhận lại tiền gửi nhầm.
Khi truy cập vào đường link, thực hiện theo hướng dẫn và mã quét mã QR code, thì tài khoản chị B. bị trừ gần 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, chị B. đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo sự việc.
Trước đó, ngày 27/9, Đội 3 - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với đội cảnh sát hình sự Công an huyện Thanh Trì tổ chức đấu tranh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng (sinh năm 1998; trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Qua đấu tranh khai thác, Tùng khai nhận: Trước đây Tùng làm nhân viên giao hàng cho một công ty giao hàng trên địa bàn TP. Hà Nội, qua trình làm việc Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp, mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại hàng hoá cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà…, sau đó bảo nhân viên giao hàng gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng. Tùng nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên đã lên mạng Internet tìm mua tài khoản ngân hàng và thông tin khách hàng.
Sau khi đã chuẩn bị xong, hằng ngày Tùng sử dụng số điện thoại đã kích hoạt trước (SIM rác) các số 0342791041, 0586991769, 0588579105, 0587112248… để gọi điện cho khách hàng. Sau một thời gian đối tượng lại vứt SIM điện thoại đi và thay SIM điện thoại khác để gọi cho khách hàng).
Tùng gọi từ 100 - 200 cuộc điện thoại và giới thiệu: "Em là nhân viên giao hàng của Viettel, anh/chị có đơn hàng gửi về nhà, giá đơn hàng giao động từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, anh/chị có nhà không để nhận".
Nếu đầu dây bên kia trả lời là "có thể nhận hàng" ngay lúc đó Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là "không thể nhận hàng", ngay lúc đó Tùng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà, anh/chị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt.
Đặc biệt có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, đối tượng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt.
Với phương thức lừa đảo như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4/2024 đến nay, Tùng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130.000.000 đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phan Văn Tùng để tiếp tục điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông qua các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội, số đối tượng lừa đảo tổ chức thu thập thông tin khách hàng đặt mua sản phẩm từ các bình luận công khai hoặc mua thông tin khách hàng qua các kênh thông tin khác.
Khi đã có được thông tin khách hàng và sản phẩm, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là shipper thuộc các công ty vận chuyển để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị để hàng vào trong sân nhà hoặc vị trí khác theo thỏa thuận và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Tiếp đó, khi người dân chuyển khoản thành công cho đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản vừa nhận tiền chỉ là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng sẽ tự động bị trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng…
Lúc này, đối tượng lừa đảo sẽ gửi đường dẫn liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng, sau đó hướng dẫn khách hàng thực hiện việc lấy lại tiền và đăng ký hủy thành viên shipper.
Tuy nhiên, khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng điện thoại, thông tin cá nhân, chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử… rồi chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáo của Cơ quan Công an
Thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng. Kẻ xấu lợi dụng những người mua hàng qua các sàn TMĐT, các ứng dụng mạng xã hội (TikTok, Facebook…) hoặc trên livestream (phát trực tiếp) để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng, từ đó các đối tượng thu thập thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo.
Thời điểm thực hiện thường là vào lúc nạn nhân không có nhà. Các đối tượng nói rằng chúng đã chuyển hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để trả tiền hàng. Với số tiền không quá lớn, nhiều người sẽ có tâm lý tin tưởng, không kiểm tra kỹ thông tin về đơn hàng và mắc bẫy của những kẻ lừa đảo.
Với mỗi đơn hàng chiếm đoạt, những đối tượng này có thể chiếm đoạt từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng. Nhiều người đã mất tiền nhưng vì tâm lý lo ngại phiền phức và số tiền không quá lớn đã không trình báo cơ quan Công an. Vì vậy, những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng và số tiền chiếm đoạt cũng không hề nhỏ.
Nếu người nhận nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, chúng sẽ lập tức tắt máy. Đối tượng mà nhóm lừa đảo nhắm đến là những người thường xuyên bận rộn, không thể trực tiếp nhận hàng.
Trước tình trạng trên, Cơ quan Công an khuyến cáo để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa thấy món hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng nêu trên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo hoặc qua ứng dụng VNeID./.