Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 22:04, 24/12/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây là Nghị quyết quan trọng của Đảng đối với công tác khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Đồng thời, Nghị quyết thể hiện rõ những quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp cận, nỗ lực, chủ động để tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến mục tiêu đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, giàu mạnh, hùng cường.
Chú trọng bảo đảm phát triển hạ tầng số, công nghệ số hiện đại
Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia là: Đột phá quan trọng hàng đầu; động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; ngăn chặn nguy cơ tụt hậu; là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực…
Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định quan điểm làm tốt công tác này thì người dân và doanh nghiệp (DN) là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Cùng với đó, thực hiện tốt cho công tác này cần đảm bảo: Có nguồn nhân lực trình độ cao; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; chú trọng bảo đảm phát triển hạ tầng số, công nghệ số hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu; đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân…
Cần tập trung theo hướng nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo
Trong quá trình thực hiện, triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Nghị quyết yêu cầu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KH-CN và ĐMST của Việt Nam cần đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, ĐMST của DN đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH-CN đạt trình độ quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam đạt nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, giá trị khai thác từ các lĩnh vực này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và DN đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%...
Cùng với đó, hệ thống tổ chức KH-CN, ĐMST được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo; đảm bảo có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng; làm chủ một số công nghệ (AI, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thông tin di động 5G, 6G…); hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố…
Đặc biệt, Nghị Quyết yêu cầu đảm bảo phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới và là quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Đến năm 2045, Việt Nam đảm bảo trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, CĐS; tối thiểu có 10 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến….
Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS
Để đạt hiệu quả các yêu cầu trên, Nghị quyết nêu các giải pháp cụ thể thực hiện như: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS, phát triển KH-CN, ĐMST, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện.
Hơn nữa, yêu cầu người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện; đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, quyết tâm, phát triển KH-CN và ĐMST; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất…
Cùng với đó, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS quốc gia, phát triển nguồn nhân lực; cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST…
Đặc biệt cần phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia; đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KH-CN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH-CN, ĐMST và CĐS trong DN; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS…
Nghị quyết cũng nêu rõ việc tổ chức thực hiện:
Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS; tăng cường giám sát thực hiện theo quy định.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn tăng cường tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết.
Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị để chỉ đạo./.