Để các giải pháp an ninh mạng Make in Viet Nam chiếm lĩnh thị trường?
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 08:20, 26/12/2024
Để các giải pháp an ninh mạng Make in Viet Nam chiếm lĩnh thị trường?
Mặc dù có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công… nhưng các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường cũng như cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài.
Dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng "Make in Viet Nam” còn gặp thách thức
Theo Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố mới đây, tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng “Make in Viet Nam” trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN) hiện còn hạn chế. Trung bình mỗi tổ chức chỉ sử dụng khoảng 24,77% sản phẩm, dịch vụ đến từ các công ty trong nước. Đây là một thách thức thật sự trong việc phát triển hệ sinh thái an ninh mạng và cao hơn là phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đang khuyến khích, thậm chí quy định bắt buộc sử dụng các sản phẩm an ninh mạng nội địa, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng quốc gia, ngân hàng, năng lượng và viễn thông.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc sử dụng các sản phẩm an ninh mạng trong nước mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho cả DN và quốc gia. Trước hết, sản phẩm nội địa giúp giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng các nguy cơ gián điệp và chiến tranh mạng. Các giải pháp “Make in Viet Nam” được thiết kế với sự hiểu biết sâu sắc về hạ tầng, quy định pháp luật, đặc thù của người dùng và thị trường Việt Nam, từ đó tối ưu hơn trong việc triển khai và vận hành.
Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm nội địa còn thúc đẩy, tạo động lực cho DN đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tăng cường quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường
Tuy nhiên, các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài, như thiếu nguồn lực nhân sự, thiếu vốn đầu tư, thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, thiếu sự tin tưởng của khách hàng… Do đó, theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, để các sản phẩm “Make in Viet Nam”, đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp an ninh mạng, có thể chiếm lĩnh thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN, chính phủ và cộng đồng công nghệ.
Và một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam đó là việc tổ chức thường niên Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam”. Giải thưởng được trao tặng hàng năm cho các tổ chức, DN Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm có tính nội địa hóa cao, có khả năng giải quyết tốt những vấn đề của Việt Nam.
Qua 5 năm tổ chức, Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đã được trao cho 234 sản phẩm công nghệ số. Giải thưởng đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tích cực sự phát triển của ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Nhiều giải pháp, sản phẩm đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc trong các lĩnh vực quan trọng như Chính phủ điện tử, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục… Các giải pháp của Việt Nam có thể thay thế được một phần các giải pháp nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về an ninh quốc gia, bảo mật thông tin, hoặc có tính đặc thù của Việt Nam.
Trước đây, khi nói đến các sản phẩm ICT, đặc biệt là các sản phẩm an ninh mạng, nhiều người thường nghĩ đến các sản phẩm của nước ngoài là chính. Còn hiện nay, nhiều khách hàng đã bắt đầu nghĩ đến các sản phẩm của Việt Nam bởi những lợi thế mang lại.
Tuy nhiên, để các sản phẩm đoạt Giải thưởng có thể vươn xa hơn và được nhiều khách hàng sử dụng hơn, đại diện các DN cho rằng trong thời gian tới, Ban tổ chức cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về các sản phẩm đạt giải Make in Viet Nam, giúp gia tăng uy tín và tôn vinh cho các sản phẩm công nghệ Việt trên thị trường. Đồng thời, Chính phủ nên thúc đẩy chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa trong các lĩnh vực trọng yếu và khuyến khích DN áp dụng các giải pháp “Make in Viet Nam”./.