“Kinh tế học dễ xơi”: Khi kinh tế được kể qua món ăn

Truyền thông - Ngày đăng : 22:05, 26/12/2024

Trong “Kinh tế học dễ xơi”, GS. Ha-Joon Chang biến kinh tế học thành một bữa tiệc ẩm thực sống động, nơi mỗi món ăn tiết lộ những câu chuyện kinh tế bất ngờ và đầy sâu sắc. Cuốn sách là lời mời gọi đến với góc nhìn mới mẻ, phá bỏ khuôn khổ thường thấy của kinh tế học truyền thống.
Truyền thông

“Kinh tế học dễ xơi”: Khi kinh tế được kể qua món ăn

Thế Vinh 26/12/2024 22:05

Trong “Kinh tế học dễ xơi”, GS. Ha-Joon Chang biến kinh tế học thành một bữa tiệc ẩm thực sống động, nơi mỗi món ăn tiết lộ những câu chuyện kinh tế bất ngờ và đầy sâu sắc. Cuốn sách là lời mời gọi đến với góc nhìn mới mẻ, phá bỏ khuôn khổ thường thấy của kinh tế học truyền thống.

kinh-te-hoc-de-xoi.jpg

Kinh tế học vốn thường được xem là một lĩnh vực khô khan và khó hiểu. Nhưng GS. Ha-Joon Chang đã làm điều không tưởng: biến những khái niệm kinh tế phức tạp trở nên gần gũi và dễ hiểu thông qua lăng kính ẩm thực.

Trong cuốn sách "Kinh tế học dễ xơi - Khi kinh tế gia bụng đói giải thích về thế giới", ông không chỉ đưa ra những lập luận sắc bén mà còn “nêm nếm” chúng bằng sự hài hước và những câu chuyện ẩm thực quen thuộc.

Cuốn sách được chia thành 17 chương, mỗi chương xoay quanh một món ăn cụ thể như tôm, sô-cô-la, mì Ý hay đậu bắp. Qua đó, GS. Ha-Joon Chang dẫn dắt người đọc bước vào thế giới kinh tế học từ những câu chuyện tưởng chừng không liên quan. Chẳng hạn, ông sử dụng câu chuyện về sô-cô-la để minh họa sự chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.

Với món tôm, ông đặt câu hỏi vì sao con người ăn tôm nhưng lại e ngại côn trùng, từ đó bàn về ngành công nghiệp lụa của Nhật Bản - một ví dụ điển hình về sự can thiệp chiến lược của chính phủ vào kinh tế.

Ở chương nói về đậu bắp, GS/ Ha-Joon Chang soi chiếu mối quan hệ phức tạp giữa chủ nghĩa tư bản và tự do. Ông đặt vấn đề rằng, tự do kinh tế mà chủ nghĩa tư bản hứa hẹn đôi khi lại đối lập với quyền tự do của con người trong các khía cạnh khác.

GS. Ha-Joon Chang không ngần ngại chỉ trích triết lý thị trường tự do, ví nó như một chế độ ăn uống nghèo nàn, mất cân bằng và gây hại cho sức khỏe. Thay vì chấp nhận các lý thuyết truyền thống, ông khuyến khích độc giả tìm hiểu sâu hơn, nhìn nhận kinh tế học bằng một tư duy đa chiều và sáng tạo.

Đặc biệt, cuốn sách nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế. GS. Ha-Joon Chang khẳng định rằng các doanh nghiệp đa quốc gia (MNC), nếu không được quản lý tốt, có thể dẫn đến bóc lột lao động, bất công xã hội và sự phụ thuộc của các quốc gia sở tại.

Với phong cách viết sinh động, gần gũi nhưng không kém phần sắc sảo, Kinh tế học dễ xơi là một tác phẩm dành cho mọi đối tượng, từ sinh viên, nhà nghiên cứu cho đến những người không chuyên. Cuốn sách không chỉ giúp độc giả hiểu sâu hơn về kinh tế học mà còn mang lại cảm hứng suy ngẫm về các vấn đề toàn cầu thông qua những câu chuyện ẩm thực thú vị.

GS. Ha-Joon Chang đã thành công trong việc đưa kinh tế học ra khỏi tháp ngà học thuật, mang nó đến với công chúng bằng một cách thức hoàn toàn mới mẻ. Nếu bạn tò mò về cách mà tôm, đậu bắp hay mì Ý có thể kể những câu chuyện kinh tế toàn cầu, thì đây chính là cuốn sách không thể bỏ qua./.

Thế Vinh