Người dùng Việt Nam dành tới 4 giờ/ngày để truy cập các ứng dụng di động
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:00, 27/12/2024
Người dùng Việt Nam dành tới 4 giờ/ngày để truy cập các ứng dụng di động
Người dùng Việt Nam dành khá nhiều thời gian cho các ứng dụng di động, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng tốt dư địa phát triển của xu hướng này trong tương lai.
Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường hàng đầu của các ứng dụng
Adjust, công ty phân tích và đo lường trên mạng, vừa phát hành Báo cáo thị trường ứng dụng mua sắm, giúp nhà quảng cáo chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mua sắm rộn ràng cuối năm 2024, cũng như cho các giai đoạn tiếp theo trong năm 2025.
Vượt qua mức trung bình toàn ngành, lượt cài đặt ứng dụng mua sắm tăng 61% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượt cài đặt ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) nói chung tăng 25% và lượt truy cập tăng 13%. Kết quả tăng trưởng bùng nổ này được ghi nhận trong giai đoạn các mạng lưới bán lẻ liên tục mở rộng quy mô, các trải nghiệm mua sắm số thế hệ mới không ngừng được ra mắt, cũng như ví điện tử dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Tiahn Wetzler, Giám đốc Content & Insights tại Adjust, cho biết: “Ứng dụng mua sắm làm thay đổi cách người dùng tương tác với thương hiệu và thực hiện mua hàng. Bằng cách sử dụng AI và AR, cùng những kênh linh động như thương mại xã hội, nhà quảng cáo có thể đến gần hơn với người dùng, khuyến khích họ tương tác thường xuyên, cũng như tạo trải nghiệm tốt có tính chuyển đổi cao.”
Nhà quảng cáo cần tập trung triển khai chiến dịch cho mùa mua sắm quý 4 vì lượt cài đặt lúc này sẽ tăng cao. Trong một khảo sát của InMobi được thực hiện vào mùa nghỉ lễ cuối năm ngoái, 81% số người được hỏi ở Indonesia, Singapore và Philippines đã chọn mua hàng trên điện thoại di động. Adjust ghi nhận số lượt cài đặt ngày 17/10/2023 và 18/10/2023 lần lượt cao hơn 40% và 41% so với mức trung bình ngày.
Báo cáo cung cấp cho nhà quảng cáo và nhà phát triển ứng dụng TMĐT những thông tin quan trọng về các phân khúc phụ trong ngành. Những thông tin nổi bật gồm:
Thời lượng phiên truy cập ứng dụng TMĐT tại châu Á - TBD là 10 phút, thấp hơn một chút so với trung bình toàn cầu là 10,5 phút. Tuy nhiên, khu vực châu Á - TBD đạt tỷ lệ duy trì vào "ngày 1" lên đến 15%, cao hơn so với Bắc Mỹ (11%) và Mỹ - Latin (14,4%).
Doanh thu in-app của ứng dụng TMĐT tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ứng dụng Android đóng góp gần 60%. Những đỉnh tăng lớn nhất trong năm 2023 đều xảy ra trong quý 4, theo đó doanh thu tháng 11 cao hơn 34% so với mức trung bình tháng, còn doanh thu tháng 12 tăng 22%.
Số lượt cài đặt trên 1.000 lượt hiển thị tăng trung bình từ 1,94 năm 2023 lên 2,28 nửa đầu năm 2024 trên toàn cầu, cho thấy chiến dịch hoạt động ngày một hiệu quả. Đặc biệt, tỷ lệ này ở châu Á - TBD đã tăng gấp đôi, từ 1,52 lên 3,06.
Khu vực Châu Á - TBD có số lượng đối tác trên mỗi ứng dụng cao nhất, tăng từ 10,7 trong năm 2023 lên 11,8 trong nửa đầu năm 2024.
“Trong một thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi mà chỉ số tương tác và mức độ thân thiết của khách hàng là hai trong nhiều yếu tố tác động đến lợi nhuận, nhà quảng cáo phải kịp thời nắm bắt kỳ vọng của mọi thế hệ người dùng - bao gồm cả công nghệ hỗ trợ mà họ yêu thích. Để có thể song hành cùng đà mở rộng của thị trường ứng dụng mua sắm, nhà quảng cáo cần xây dựng chiến lược đa kênh, áp dụng giải pháp cá nhân hóa, cũng như khai thác sức mạnh của dữ liệu trong công tác đo lường và phân tích”, Tiahn Wetzler chia sẻ.
Mùa mua sắm cuối năm tại Việt Nam
Thị trường Việt Nam mang đến cơ hội hấp dẫn cho các nhà phát triển ứng dụng mua sắm nhờ vào mức độ tương tác người dùng cao và ngày càng tăng.
Theo Báo cáo, Việt Nam hiện xếp hạng thứ 9 toàn cầu về thời lượng sử dụng ứng dụng. Người dùng Việt Nam dành tới 4 giờ/ngày để truy cập các ứng dụng đa dạng như game di động, xã hội, giải trí và các ứng dụng tiện ích. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm, mang đến cơ hội lớn cho các nhà phát triển ứng dụng trong việc cận và duy trì người dùng tại Việt Nam.
Trong năm 2023, người dùng Việt Nam thể hiện sự tương tác rất cao đối với các ứng dụng di động, với bình quân 1,33 phiên truy cập vào "ngày 0", sau đó giảm dần còn 0,07 phiên truy cập vào "ngày 30".
Tuy nhiên, tỷ lệ tương tác này đã được cải thiện phần nào trong 6 tháng đầu năm 2024, với 1,34 phiên truy cập vào "ngày 0" và 0,09 phiên truy cập vào "ngày 30". Những số liệu này này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự tương tác của người dùng theo thời gian, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng chuyển đổi bằng cách cung cấp những trải nghiệm hấp dẫn, lấy người dùng làm trung tâm trong mùa mua sắm cuối năm 2024.
April Tayson, Phó chủ tịch khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á INSEAU tại Adjust, cho biết: “Khi thói quen mua sắm thay đổi nhanh chóng, cùng với sự phát triển của công nghệ TMĐT, các nhà tiếp thị và nhà bán lẻ cần tích hợp các xu hướng này vào các chiến lược trọng điểm để tối ưu hóa tiềm năng tăng trương, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy người dùng Việt Nam dành khá nhiều thời gian cho các ứng dụng di động, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng tốt dư địa phát triển của xu hướng này trong tương lai.”/.