“Duyên” - Cuộc hội ngộ giữa hiện thực, trừu tượng và thiền họa

Truyền thông - Ngày đăng : 22:15, 28/12/2024

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương - cái nôi của nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức buổi tọa đàm và ra mắt cuốn sách đặc biệt mang tên “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa”.
Truyền thông

“Duyên” - Cuộc hội ngộ giữa hiện thực, trừu tượng và thiền họa

Linh Phương 28/12/2024 22:15

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương - cái nôi của nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức buổi tọa đàm và ra mắt cuốn sách đặc biệt mang tên “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa”.

duyen-2.jpg

Sự kiện này không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường nghệ thuật gắn liền với lịch sử mỹ thuật nước nhà mà còn tôn vinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993) – một trong những tên tuổi lớn của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Diễn giả tham gia gồm có: bà Trần Tường Vân - cháu gái họa sĩ Trần Phúc Duyên; bà Bùi Hoàng Anh, Nhà nghiên cứu mỹ thuật, Giám đốc Viet Art View; Ông Phạm Quốc Đạt - Tác giả, nhà sưu tầm; ông Lê Quang Vinh, Tác giả, nhà sưu tầm; Người điều phối: Bà Vân Vi – Giám tuyển, Đồng sáng lập The Muse Artspace.

Cuốn sách “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” được biên soạn công phu trong suốt 6 năm, cuốn sách mang đến một bức tranh toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Với hơn 50 năm theo đuổi nghệ thuật sơn mài, trong đó có 40 năm sống và làm việc tại nước ngoài, Trần Phúc Duyên đã để lại dấu ấn sâu sắc trên bản đồ mỹ thuật Việt Nam và quốc tế.

Nội dung sách tập trung khai thác ba phong cách nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông: Tranh phong cảnh văn hóa Việt Nam- Những tác phẩm giàu chất liệu dân gian, thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương; Tranh Thiền họa biểu tượng- Tác phẩm mang đậm tinh thần thiền, truyền tải sự an nhiên và tĩnh tại trong tâm hồn; Tranh Trừu tượng tối giản- Các sáng tạo mang tính đột phá, kết hợp tư duy hiện đại với chất liệu truyền thống.

Cuốn sách cũng khắc họa hành trình sáng tạo đặc biệt của họa sĩ, người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật hội họa Đông và Tây, từ đó tạo ra một phong cách độc đáo và sâu sắc. Đây là minh chứng cho sự đa dạng và chiều sâu trong nghệ thuật sơn mài Việt Nam, cũng như khát vọng vươn ra thế giới của các thế hệ nghệ sĩ thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sự kiện không chỉ là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về sự nghiệp của họa sĩ Trần Phúc Duyên mà còn là dịp để nhìn lại vai trò quan trọng của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Qua đó, sự kiện góp phần khẳng định giá trị bền vững của nghệ thuật sơn mài trong dòng chảy văn hóa và lịch sử dân tộc.

Trần Phúc Duyên là một trong những đại diện tiêu biểu cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ phản ánh tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ mà còn thể hiện ý chí bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Buổi tọa đàm sẽ mang đến cái nhìn đa chiều về hành trình nghệ thuật của ông với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, giám tuyển và thành viên gia đình họa sĩ. Đây cũng là dịp để công chúng yêu nghệ thuật chiêm nghiệm về những giá trị trường tồn của sơn mài – một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam.

Buổi tọa đàm diễn ra vào lúc 9h00 - 11h30, Thứ Bảy, ngày 4/1/2025, tại Phòng trưng bày, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Linh Phương