Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chính phủ số - Ngày đăng : 09:49, 30/12/2024
Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo nghiên cứu của chuyên gia, thực tiễn đang đặt ra vấn đề cần nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 05 nhóm giải pháp đồng bộ.
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, chủ động, phòng ngừa "tham nhũng vặt"
Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao, giúp giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ, từ đó giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ nhân viên công quyền.
Theo Báo cáo 653/BC-CP về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 do Chính phủ ban hành, tính đến ngày 23/9/2024, đã có 4.454 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó: 2.649 thủ tục của người dân, 2.372 thủ tục của doanh nghiệp; có trên 363,35 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 54,69 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì mức độ cao, bình quân cả nước đạt 98,74%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các bộ, cơ quan Trung ương đạt 98,79%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,54%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp huyện đạt 97,2%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp xã đạt 99,43%.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng xã hội số, hoàn thiện triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần chủ động, phòng ngừa "tham nhũng vặt", xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ số vào việc kiểm soát tài sản, thu nhập
Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và vận hành các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ đoàn thanh tra; phần mềm đặt lịch và trả lịch hẹn tiếp công dân; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về khiếu nại, tố cáo... Hiện nay, Thanh Chính phủ đã triển khai và đưa vào sử dụng trong toàn quốc Hệ thống CSDL về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của Thông tư số 01/2024/TT-TTCP ngày 20/01/2024 của Tổng Thanh tra Chính phủ về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời thực hiện các dự án “Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung”, dự án “Xây dựng CSDL quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập"...
Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành xây dựng CSDL quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” ban hành kèm theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó nêu rõ quan điểm phải sử dụng công nghệ số vào việc kiểm soát tài sản, thu nhập phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi công tác kiểm soát tài sản, thu nhập từ việc “kê khai, xác minh” sang “chủ động kiểm soát, phòng ngừa”. Mục tiêu của đề án là sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trên thực tế, Thanh tra các Bộ, ngành cũng triển khai ứng dụng nhiều phần mềm trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình như Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... đã ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin công khai, minh bạch hoạt động của Bộ Giao thông vận tải (tPublic), phần mềm báo cáo và chỉ đạo hoạt động thanh tra ngành giao thông vận tải (tInspect)...
Cần tiếp tục xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng vào hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tại Hội thảo khoa học đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc diễn ra mới đây, nhóm chuyên gia TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính và TS. Nguyễn Thị Lê Thu, Học Viện hành chính quốc gia đánh giá, việc ứng dụng công nghệ số nhằm phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực thời gian qua ở Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách hành chính và chuyển đổi số nhằm phòng, chống tham nhũng, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết.
"Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ cho người dân và cán bộ, công chức. Đồng thời, cần thúc đẩy sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo nên một môi trường minh bạch và liêm chính", TS. Đặng Thành Lê nêu giải pháp.
Cũng tại Hội thảo khoa học đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, nêu 05 giải pháp để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ nhất, cần phải tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ số.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng vào hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, TS. Nguyễn Huy Hoàng phân tích giải pháp về tiếp tục xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng vào hoạt động phòng, chống tham nhũng, cụ thể Thanh tra Chính phủ cần tập trung rà soát, đánh giá các phần mềm của cơ quan này và các bộ, ngành địa phương trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó nâng cấp, hoàn thiện, tích hợp các tính năng của các phần mềm này đảm thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương như nâng cấp các hệ thống thông tin dùng chung, phát triển dữ liệu số và Chính phủ số, đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của Thanh tra Chính phủ hoạt động ổn định thông suốt 24/7.
Đồng thời nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; kết nối Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ với Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, kết hợp Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số Hệ thống VOffice trên nền tảng kỹ thuật mới, có tốc độ đáp ứng cao và nhiều tiện ích tìm kiếm, trợ giúp quản lý xử lý công việc thông minh; xây dựng các phần mềm hỗ trợ trực tiếp hoạt động xác minh tài sản, thu nhập...