Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:55, 03/01/2025
Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
Các lo ngại về đạo đức và an toàn của AI đang khiến nhiều tổ chức trì hoãn hoặc từ bỏ AI tạo sinh (generative AI). Điều này dẫn đến những lời kêu gọi đưa AI ra khỏi các phòng, ban công nghệ và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan phi kỹ thuật trong thiết kế và quản lý AI.
Theo khảo sát mới đây của IBM Institute for Business Value, hơn một nửa (56%) doanh nghiệp (DN) đang tạm hoãn các khoản đầu tư lớn vào AI tạo sinh cho đến khi có sự rõ ràng về các tiêu chuẩn và quy định AI. Thậm chí, 72% DN sẵn sàng từ bỏ lợi ích của AI tạo sinh vì lo ngại về đạo đức.
Đạo đức AI là gì?
Đạo đức AI là tập hợp các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn việc tạo ra, triển khai và sử dụng các hệ thống AI. Các khung đạo đức này đảm bảo AI được sử dụng một cách công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Nếu không có những hướng dẫn này, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI có thể dẫn đến lạm dụng hoặc gây ra những hậu quả không lường trước.
Theo Coursera, một khung đạo đức AI vững chắc đòi hỏi việc xây dựng các hệ thống tôn trọng quyền con người, ưu tiên an toàn và tránh các thiên kiến không mong muốn. Chẳng hạn, các mô hình học máy thường được đào tạo dựa trên dữ liệu lịch sử, vốn có thể chứa các định kiến liên quan đến chủng tộc, giới tính hoặc địa vị kinh tế. Nếu không được giám sát đạo đức cẩn thận, những thiên kiến này có thể bị duy trì hoặc thậm chí được khuếch đại bởi các hệ thống AI, dẫn đến những quyết định phân biệt đối xử.
Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách. Khi các thuật toán đưa ra quyết định về việc ai được cấp khoản vay, ai được tuyển dụng, hoặc cách phân bổ nguồn lực cảnh sát, hậu quả của việc sử dụng AI không có đạo đức có thể lan rộng và nghiêm trọng.
Một mối quan tâm lớn là khả năng AI làm gia tăng bất bình đẳng. Bên cạnh những lo ngại về việc tái tạo các thiên kiến có trong dữ liệu, các hệ thống nhận diện khuôn mặt được hỗ trợ bởi AI đã bị chỉ trích vì khả năng nhận dạng người da màu kém chính xác hơn, dẫn đến những vụ bắt giữ sai hoặc các hậu quả tiêu cực khác.
Đạo đức AI cũng rất quan trọng để đảm bảo quyền riêng tư được tôn trọng. Khi các hệ thống AI thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu cá nhân, các mối lo ngại về cách dữ liệu được sử dụng và lưu trữ trở nên nổi bật. Người dùng có thể không hiểu đầy đủ về cách thông tin của họ được xử lý hoặc ai có quyền truy cập vào dữ liệu đó, tạo ra nguy cơ lạm dụng hoặc rò rỉ dữ liệu.
Thách thức về đạo đức còn lớn hơn công nghệ
Theo trang ZDNet, nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến AI đã được giải quyết, nhưng các thách thức xoay quanh đạo đức AI đang trở thành ưu tiên hàng đầu và được đánh giá là khó khăn hơn cả việc giải quyết các vấn đề công nghệ.
Phaedra Boinodiris, lãnh đạo toàn cầu về AI đáng tin cậy tại IBM Consulting, cho rằng: “Việc tạo ra AI có đạo đức không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề xã hội - kỹ thuật”. Bà nhấn mạnh, việc giám sát AI cần được mở rộng ra ngoài các nhóm CNTT (IT) và quản lý dữ liệu để bao gồm cả các phòng ban khác trong tổ chức.
Để xây dựng các mô hình AI được kiểm soát chặt chẽ, cần có đội ngũ đa ngành, không chỉ giới hạn trong các nhà khoa học dữ liệu. Bà Boinodiris chia sẻ: “Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã vô tình loại bỏ những người không có chuyên môn truyền thống khỏi các cuộc thảo luận về AI. Đây là một sai lầm nghiêm trọng”.
Bà Boinodiris nhấn mạnh, các mô hình AI được kiểm soát tốt không chỉ đáng tin cậy mà còn chính xác hơn. Để đạt được điều này, đội ngũ phát triển mô hình nên bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, như ngôn ngữ học, triết học, và cả những người có trải nghiệm thực tế từ các tầng lớp xã hội khác nhau.
Các thành viên trong nhóm cần thảo luận và giải quyết các câu hỏi như “AI này có thực sự giải quyết đúng vấn đề không?"; "Dữ liệu này có phù hợp theo góc nhìn của các chuyên gia trong ngành không?"; "AI có thể gây ra những ảnh hưởng ngoài ý muốn nào?"; "Làm thế nào để giảm thiểu các ảnh hưởng này?"...
Tầm quan trọng chiến lược của đạo đức AI
Mặc dù ngày càng thận trọng hơn với các vấn đề đạo đức của AI, các nhà lãnh đạo DN vẫn nhận ra rằng việc tuân thủ đạo đức AI mang lại lợi thế cạnh tranh. Có đến 75% nhà lãnh đạo xem đạo đức AI là yếu tố tạo sự khác biệt cạnh tranh quan trọng, và 54% đánh giá đây là yếu tố "rất quan trọng về mặt chiến lược".
Theo báo cáo của IBM, một khung đạo đức AI toàn diện có thể mang lại ba loại lợi ích quan trọng.
Thứ nhất, tác động kinh tế (ROI hữu hình) được thể hiện qua việc đạo đức AI giúp các tổ chức tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu hoặc giảm chi phí vốn. Ví dụ, đầu tư vào quản lý rủi ro AI có thể giúp DN tránh được các khoản phạt do vi phạm quy định, từ đó mang lại lợi ích tài chính rõ ràng.
Thứ hai, tác động về năng lực (ROI dài hạn) được phản ánh qua khả năng hiện đại hóa hệ thống hạ tầng và nền tảng đạo đức AI của tổ chức. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị bền vững trong tương lai.
Cuối cùng, tác động về danh tiếng (ROI vô hình) mang lại các lợi ích khó đo lường nhưng vô cùng quan trọng, như cải thiện uy tín thương hiệu, tăng điểm ESG (môi trường, xã hội và quản trị), giữ chân nhân viên, và nâng cao hình ảnh tổ chức trong mắt cổ đông và công chúng. Những yếu tố này đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng niềm tin và sự tín nhiệm lâu dài cho DN.
Nhiều nhà lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về ba khía cạnh ROI mà đạo đức AI mang lại. Điều này đòi hỏi một quá trình giáo dục liên tục.
Chuyên gia Boinodiris khuyến nghị: “Hãy tận dụng những chuyên gia đạo đức AI giỏi nhất để giúp lãnh đạo cấp cao hiểu sự khác biệt giữa cách tiếp cận "tránh mất mát" và "tạo giá trị" trong đạo đức AI. Hãy giúp họ hình dung tiềm năng của việc áp dụng công nghệ, nền tảng, và hạ tầng đạo đức AI vào các mục đích rộng lớn hơn”.
Ngoài các vấn đề đối với DN, AI cũng được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày và do đó cũng dấy lên nhiều lo ngại về đạo đức, đưa vấn đề đạo đức AI từ một ý tưởng khoa học viễn tưởng trở thành mối quan tâm thực tế và cấp thiết trong đời sống hiện đại.
Những vấn đề đạo đức nảy sinh khi các hệ thống AI - vốn thường phức tạp và khó hiểu - đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Từ việc xác định khả năng tín dụng đến tuyển dụng nhân sự, các hệ thống AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc. Khi AI được ứng dụng ngày càng rộng rãi, nhu cầu giám sát đạo đức cũng tăng cao nhằm ngăn chặn việc lạm dụng hoặc gây ra những tác hại không mong muốn, dù đôi khi đó chỉ là những hậu quả vô tình.
Các nguyên tắc cốt lõi của đạo đức AI
Các nguyên tắc cốt lõi của đạo đức AI cung cấp một lộ trình rõ ràng để xây dựng và sử dụng các hệ thống AI một cách có trách nhiệm. Những nguyên tắc này bao gồm công bằng và không phân biệt đối xử, yêu cầu rằng AI phải thúc đẩy sự công bằng và không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc các thuộc tính được bảo vệ khác. Điều này đòi hỏi các nhà phát triển cần chủ động xác định và loại bỏ thiên kiến trong dữ liệu đào tạo.
Một nguyên tắc quan trọng khác là tính minh bạch. Các hệ thống AI phải minh bạch trong cách chúng đưa ra quyết định, đảm bảo hoạt động của chúng có thể được người dùng hiểu và được cơ quan quản lý kiểm tra. Bên cạnh đó, trách nhiệm là yếu tố cốt lõi, yêu cầu các nhà phát triển và tổ chức sử dụng AI phải chịu trách nhiệm về hành động của hệ thống. Nếu AI gây hại, cần có khả năng truy vết trách nhiệm trở lại người tạo ra hoặc vận hành hệ thống.
Quyền riêng tư cũng là một nguyên tắc thiết yếu, nhấn mạnh các hệ thống AI cần tôn trọng quyền riêng tư của người dùng bằng cách xử lý dữ liệu của họ một cách đạo đức và an toàn. Việc này bao gồm bảo vệ dữ liệu khỏi các vi phạm và đảm bảo rằng người dùng có quyền kiểm soát cách dữ liệu của họ được sử dụng.
Tính tự chủ đảm bảo rằng con người duy trì quyền kiểm soát đối với các hệ thống AI, đặc biệt là khi chúng liên quan đến các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống con người. AI nên đóng vai trò hỗ trợ ra quyết định thay vì thay thế phán đoán của con người trong các lĩnh vực quan trọng.
Cuối cùng, tính bền vững là một nguyên tắc không thể thiếu, yêu cầu AI đóng góp vào sự phát triển lâu dài của xã hội và môi trường. Nguyên tắc này khuyến khích sự phát triển các hệ thống AI nhằm phục vụ lợi ích chung, tránh gây hại cho xã hội hoặc môi trường. Những nguyên tắc này cùng nhau tạo nên nền tảng để phát triển AI một cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích của toàn xã hội./.