100% quy trình, nghiệp vụ của Quốc hội được thực hiện trên môi trường số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:17, 09/01/2025

Hướng đến mục tiêu xây dựng, vận hành, phát triển cơ quan Quốc Hội Việt Nam hiện đại, hiệu quả, bền vững, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Chuyển đổi số

100% quy trình, nghiệp vụ của Quốc hội được thực hiện trên môi trường số

Nhật Minh 09/01/2025 11:17

Hướng đến mục tiêu xây dựng, vận hành, phát triển cơ quan Quốc Hội Việt Nam hiện đại, hiệu quả, bền vững, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Đảm bảo đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số

Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 nhấn mạnh việc quyết tâm, quyết liệt trong việc thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) tại Quốc hội trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiên tiến, hiện đại.

“Đây việc làm cấp thiết, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, giảm thời gian giải quyết công việc, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Quốc hội trên môi trường số; bảo đảm tương thích với chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực chung về CNTT và CĐS của quốc gia; đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) giữa các cơ quan Trung ương và các cơ quan của Quốc hội”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Đặc biệt, Nghị quyết bám sát thực hiện theo mục tiêu thực hiện CĐS của Quốc hội, xây dựng và phát triển Quốc hội số; đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, bảo đảm liên thông, liên kết, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong hệ thống chính trị; chuyển toàn bộ hoạt động của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả;

Đồng thời, đảm bảo việc CĐS kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội…

Hơn nữa, cần đảm bảo tạo ra môi trường, điều kiện tương tác giữa cử tri với đại biểu Quốc hội; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, CSDL tập trung, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin; phù hợp, đồng bộ với chương trình CĐS quốc gia.

202501060822148744_dsc_1026.jpg

100% quy trình, nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu quan trọng trên, Nghị quyết yêu cầu, xác định các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026 cần tập trung thực hiện như: Hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng CNTT sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số; kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối, liên thông với các cơ quan có liên quan trong hệ thống chính trị, với nghị viện điện tử, nghị viện số của các nước và Liên minh Nghị viện Thế giới…

Điều quan trọng nữa, cần đảm bảo đạt 100% quy trình, nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số, sử dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn; 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số.

Bên cạnh đó, đảm bảo việc xây dựng hệ thống phần mềm CNTT hỗ trợ: Công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, công tác đại biểu, công tác dân nguyện; nền tảng truyền thông giữa Quốc hội với cử tri; công tác chỉ đạo, điều hành và công tác quản trị nội bộ phù hợp với Kiến trúc tổng thể Quốc hội số.

Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật cần đáp ứng yêu cầu CĐS của Quốc hội, đảm bảo có khả năng, năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số.

Đối với giai đoạn từ năm 2027 - 2030 cần đảm bảo: Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng CNTT, CSDL; hoàn thành việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu với hệ thống bảo mật thông tin nhiều lớp đáp ứng yêu cầu giám sát liên tục; phát hiện, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công mạng, đủ khả năng chống lại các mối đe dọa mạng với các giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến; đảm bảo kết nối liên thông, có báo cáo kịp thời các thông tin giám sát an toàn, an ninh mạng về cơ quan chức năng và bảo đảm phát hiện sớm các nguy cơ đe dọa, an toàn, an ninh mạng.

Huy động hiệu quả các nguồn lực triển khai

Bên cạnh các yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể cần thể nêu trên, Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, triển khai bao gồm: Đẩy mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CĐS; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng và phát triển Quốc hội số; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số;

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông; quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS; xây dựng và ban hành văn bản, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển Quốc hội số; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng công nghệ số cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức; lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để đồng hành cùng Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số và thống nhất lựa chọn Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội là đơn vị duy nhất hỗ trợ, đồng hành với Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ cần bảo đảm các nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính) để triển khai. Huy động hiệu quả các nguồn lực triển khai ứng dụng CNTT (cả nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước); tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác CĐS; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn ngân sách hằng năm, định mức chi phí đặc biệt riêng cho các dự án để phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (nếu cần thiết).

Nhật Minh