Chuyển đổi số tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử: Thực trạng và giải pháp
Truyền thông - Ngày đăng : 19:48, 11/01/2025
Chuyển đổi số tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử: Thực trạng và giải pháp
Chuyển đổi số và phát triển báo chí điện tử đang là một xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các tạp chí điện tử nói chung và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế, trở thành phương tiện truyền thông rộng rãi và nhanh nhất hiện nay trong môi trường số hóa thì ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng nhất thiết phải được củng cố, khẳng định. Nếu báo chí để suy giảm vai trò của mình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng. Trong điều kiện đó, chuyển đổi số là một lời giải cho báo chí thực hiện đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình [1].
Trên thế giới, chuyển đổi số đã đem lại lợi ích về doanh số đối với cơ quan báo chí, sự tiện lợi với độc giả. Kinh nghiệm của nhiều cơ quan báo chí và truyền thông nổi tiếng trên thế giới đã chứng minh cho điều này. Năm 2012, khi Financial Times (một tờ báo xuất bản hằng ngày của Anh) thông báo rằng, doanh thu từ các thuê bao trả phí trên môi trường số lần đầu tiên vượt báo in thì giới báo chí cho rằng đây là một “ngoại lệ bất thường”. Nhưng chỉ sau 5 năm, “điều ngoại lệ bất thường” đã trở thành điều bình thường và là xu hướng tất yếu [2, 3].
Một số báo cáo cho thấy, có tới 44% những người trả lời khảo sát cho biết, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất mà họ cần phải thực hiện để phát triển. 76% những người tham gia khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi số của Reuters [4, 5].
Thực trạng chuyển đổi số của các tạp chí điện tử tại Việt Nam
Năm 2023, lần đầu tiên Cục Báo chí (Bộ TT&TT) công bố Báo cáo đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí tham gia đánh giá còn khá hạn chế. Năm 2024 (năm thứ hai đánh giá), mới chỉ có 282/873 đơn vị báo chí tham gia đánh giá [6]. Báo cáo này cho thấy bức tranh tổng quan về chuyển đổi số báo chí của Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế và mờ nhạt (chỉ có 11/59 tiêu chí đạt trên 50%) (Bảng 1).
Một số chỉ số trong Báo cáo đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí có tỷ lệ rất thấp như: có thực hiện đo tỷ lệ độc giả, khán giả, thính giả trung thành và tỷ lệ độc giả, khán giả, thính giả trung thành năm đánh giá giảm so với năm trước liền kề chiếm tỷ lệ 1,42%; có thực hiện đo tỷ lệ độc giả, khán giả, thính giả mới và tỷ lệ độc giả, khán giả, thính giả mới năm đánh giá giảm so với năm trước liền kề chiếm tỷ lệ 1,77%; có đo lường thông qua khảo sát độc giả, khán giả, thính giả chiếm tỷ lệ 3,55%...
Năm 2023, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và xu thế phát triển tạp chí điện tử hiện nay”.
Một trong những mục tiêu của đề tài là đánh giá thực trạng chung về chuyển đổi số của các tạp chí điện tử của Việt Nam hiện nay. Đề tài đã tiến hành khảo sát một số tiêu chí cơ bản của chuyển đổi số đối với 100 tạp chí điện tử (39 tạp chí điện tử thuộc khối bộ/ngành và 61 tạp chí điện tử thuộc khối hội).
Kết quả khảo sát của đề tài cho thấy sự tương đồng với Báo cáo đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, nghĩa là các tạp chí điện tử được khảo sát còn hạn chế về chuyển đổi số. Ví dụ như mới chỉ có 30% cơ quan báo chí có tích hợp đa phương tiện; 53% có phần mềm tương tác với độc giả; 50% có sử dụng dữ liệu để hiểu hành vi của độc giả và tối ưu hóa nội dung; 77% nội dung, thông tin được cập nhật liên tục… (Bảng 2).
Trong số 61 tạp chí điện tử trả lời có chiến lược/kế hoạch chuyển đổi số thì phần lớn (29 tạp chí, chiếm 48,3%) hướng đến mục tiêu được độc giả đánh giá cao, 20% là được độc giả biết đến, 20% hướng đến mục tiêu nằm trong top những tạp chí chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam và 7% hướng đến mục tiêu nằm trong top những tạp chí điện tử chuyển đổi số mạnh mẽ của khu vực. Điều này chứng tỏ các tạp chí điện tử đã xác định chuyển đổi số phải mang tính bền vững, đi đôi với nâng cao chất lượng nội dung, thông tin. Chuyển đổi số về lâu dài chính là cách thức để phục vụ tốt hơn cho độc giả, giữ chân được độc giả chứ không hẳn chỉ là thu hút được độc giả mới.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động từ tháng 9/2019. Sau hơn 5 năm hoạt động, Tạp chí đã thu hút được lượng độc giả thường xuyên, chủ yếu là các nhà khoa học, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà quản lý về khoa học và công nghệ.
Năm 2023 và 2024, Tạp chí đã tham gia đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Kết quả năm 2024, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp thứ 3 mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí Khối tạp chí Trung ương và địa phương (mức độ Tốt). So với năm 2023, Tạp chí đã tăng 3 bậc về thứ hạng. Tạp chí cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin (cấp độ 2). Ngoài ra, Tạp chí đã được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia chứng nhận tín nhiệm mạng/website với các tiêu chí cơ bản.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng để phục vụ tốt hơn cho độc giả, thông qua đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và xu thế phát triển tạp chí điện tử hiện nay”, Tạp chí đã tiến hành khảo sát 200 độc giả về thực trạng chuyển đổi số của Tạp chí với 5 tiêu chí cho điểm: rất tốt, khá, trung bình, kém và rất kém. Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá của độc giả về một số tiêu chí chuyển đổi số của Tạp chí chỉ đạt mức khá và trung bình (Bảng 3).
Theo kết quả khảo sát từ các độc giả, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử còn chưa có lộ trình, kế hoạch, công cụ đánh giá rõ ràng (88,5% người trả lời); hạn chế về kinh phí (85,5% người trả lời); nhận thức và trình độ của của đội ngũ biên tập viên còn hạn chế (63,5% người trả lời); có sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội sẵn có (83,0% người trả lời); chưa có chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển các tạp chí điện tử nói chung (89,5% người trả lời); hoạt động thụ động theo mô hình như nhiệm vụ chức năng thay vì chủ động hướng tới tự chủ (72,5% người trả lời); không tự chủ về công nghệ (47,5% người trả lời).
Từ thực trạng và nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, nhóm đề tài đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử mạnh mẽ, hiệu quả như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các tạp chí điện tử. Hằng năm, Tạp chí tiếp tục tham gia đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí do Cục Báo chí tổ chức triển khai để biết được thực trạng. Bản thân Tạp chí cần kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số với những mục tiêu, lộ trình rõ ràng, phù hợp và khả thi.
Thứ hai, nhà nước mà cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho tạp chí về nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển tạp chí điện tử hiện đại, thuận tiện cho độc giả, đặc biệt là những công nghệ, phần mềm chuyên dụng đối với một tạp chí khoa học trên cơ sở đúng với Luật ngân sách và các văn bản pháp quy khác có liên quan.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và trình độ về chuyển đổi số của các biên tập viên trong tạp chí bằng cách thường xuyên cử biên tập viên tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo về chuyển đổi số, các công nghệ có liên quan như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo, các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin…
Thứ tư, hợp tác với các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để có thể mua quyền sử dụng phần mềm, phát triển nền tảng của tạp chí điện tử, đặc biệt là những nền tảng, phần mềm liên quan đến xuất bản các tạp chí khoa học.
Từ những phân tích trên cho thấy mức độ chuyển đổi số của các tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nói chung và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử nói riêng còn khá mờ nhạt và hạn chế. Chuyển đổi số báo chí không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí. Do đó, các tạp chí điện tử nếu không tìm ra hướng đi và thích ứng kịp thời thì tự mình sẽ “tụt lại phía sau”, không những không thu hút thêm được độc giả mới mà sẽ mất dần độc giả thân thiết; nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ… cũng theo đó mà giảm dần./.
Tài liệu tham khảo
1] Bùi Chí Trung, Phạm Văn Kiền và Nguyễn Bá đồng chủ biên (2022), Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
[2] Cheryl Fu (2020), “Digital Transformation - Is Paperless the Future of Journalism?”, https://firmknow.com/digital-transformation-is-paperless-the-future-of-journalism, truy cập ngày 20/11/2024.
[3] The New York Times (2021), The New York Times Reaches 8 Million Subscriptions, https://www.nytimes.com/2021/08/04/business/media/nyt-new-york-times-earnings-q2-2021.html, truy cập ngày 20/11/2024.
[4] World Association of News Publishers (2022), World Press Trends Report 2021-2022, https://wan-ifra.org/world-press-trends, truy cập ngày 20/11/2024.
[5] Nic Newman (2021), Journalism, Media, and Technology Trends and Predictions 2021, https://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/sites/default/files/2021-01/Newman_Predictions_2021_FINAL.pdf, truy cập ngày 20/11/2024.
[6] Cục Báo chí (2024), Báo cáo đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023.