Nghị quyết 57 là tư duy số về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Diễn đàn - Ngày đăng : 13:20, 13/01/2025

Tư duy số được tạo dựng và vận hành dựa trên sự hoạt động song trùng giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo.
Diễn đàn

Nghị quyết 57 là tư duy số về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

PGS. TS. Ngô Đình Xây - Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương 13/01/2025 13:20

Tư duy số được tạo dựng và vận hành dựa trên sự hoạt động song trùng giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo.

Thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã mang lại bản chất đột phá cho mọi sự phát triển đòi hỏi nhận thức, tư duy của con người đều phải phi truyền thống, không tuần tự, không thứ bậc và phải đột biến theo chất lượng; đặc biệt phải rất đột phá sáng tạo để có cách tiếp cận, tầm nhìn, cách luận giải mới và phải được cụ thể hóa thành những chính sách vượt trội mới.

Có thể nói rằng, tư duy đột phá sáng tạo là cốt lõi cho sự phát triển của xã hội thời đại CMCN lần thứ tư. Và trong thời đại số, kỷ nguyên số hiện nay, bất kỳ ngành nghề nào như chính trị, xã hội, kinh tế, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số… đều cần đến tư duy số, - tư duy đột phá sáng tạo.

cmcn-4.0.png
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Có thể nói, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là tư duy số - tư duy đột phá sáng tạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những điểm đột phá sáng tạo trong tư duy của Nghị quyết 57 là:

Thứ nhất, ngay từ cách tiếp cận để đặt tên cho nghị quyết cũng đã thấm nhuần tư duy số, tư duy của tinh thần đột phá sáng tạo. Có lẽ, chúng ta chưa từng thấy trong các nghị quyết của Đảng ta, ngay trong tiêu đề đã đưa cụm từ “đột phá phát triển” làm thành tố mở đầu và xuyên suốt để chỉ đạo cho toàn bộ quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam hiện nay. Với tiêu đề như vậy, “Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo” [1].

Thứ hai, Nghị quyết 57 đã đột phá sáng tạo trong việc xác định vị thế và vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là trụ cột chính, yếu tố quyết định để đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đó, “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc” [2] .

Thứ ba, đã thể hiện rõ tư duy đột phá sáng tạo về quản lý phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Với tinh thần của Nghị quyết đã minh chứng về đột phá về tư duy quản lý: phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị. Tư duy quản lý là quản lý ôm đồm từ a đến z; còn tư duy quản trị là quản lý theo mục tiêu, theo kết quả đầu ra. “Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo” [3].

Thứ tư, tư duy của Nghị quyết 57 đã thể hiện rõ sự đột phá sáng tạo trong xác định các điều kiện vượt trội cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo tinh thần đó, “Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; “… Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hon 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triến khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo, chuyến đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển...”[4]

Thứ năm, đã đột phá sáng tạo trong việc xác định bản chất cho sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây không phải chỉ là quá trình phát triển đổi mới, cải cách theo thông lệ mà đây thực sự phải là cuộc cách mạng mà theo tinh thần đó phải “Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng” [5].

Thứ sáu, tư duy của Nghị quyết 57 cũng đột phá sáng tạo trong việc xác định mục tiêu, định hướng và lộ trình phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây vừa mục tiêu, lộ trình, vừa định hướng và yêu cầu để phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đến năm 2030 Việt Nam có “Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của DN đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế” [6]; và đến năm 2045 “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

Thứ bảy, đã định hình và tạo lập phương thức triển khai đột phá sáng tạo trong phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, cần phải có:

Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo…”;

Đối với các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập “… được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tố chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành DN dựa trên kết quả nghiên cứu...”;

Đối với DN, tư nhân “Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với DN, tổ chức, cá nhân trong trường họp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số”;

a1_1.jpg
Ảnh: startupdanang.vn

Đối với phương thức chuyển giao “Có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài….”;

Đối với việc phát triển và ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới, phải “Hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng….”;

Đối với việc thu hút, trọng dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, cần “Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước… Có cơ chế đặc thù về hợp tác công tư trong đào tạo nhân lực công nghệ số. Xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số, nâng cao năng lực số trong xã hội” [7]…

sinhvienkhoahoc-baochinhphuvn20241106154722.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thứ tám, có tư duy đột phá sáng tạo để xác định trách nhiệm trong việc phát huy tính chủ động, tích cực thực hiện phát triển khoa học công nghệ, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, phải “nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyến đổi số quốc gia..”; “…Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện;…”; “… Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số…”; đặc biệt “Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban” [8]…

Tóm lại, với tư duy đột phá sáng tạo, Nghị quyết 57 sẽ thực sự tạo ra đột phá sáng tạo cho phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyến đổi số quốc gia; tạo tiền đề, điều kiện đưa phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyến đổi số quốc gia trở thành nhân tố chính, trụ cột chính để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc./.

[1] Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. https://mic.gov.vn/bo-tttt-to-chuc-hoi-nghi-pho-bien-nghi-quyet-57-nq-tw-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-19725010917055778.htm Thứ năm, 09/01/2025
[2] Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. https://baochinhphu.vn/nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-102241224175800712.htm 24/12/2024 17:42
[3]. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng…, Tlđd, nt…
[4]. Nghị quyết của Bộ Chính trị…, Tlđd, nt…
[5]. Nghị quyết của Bộ Chính trị…, Tlđd, nt…
[6]. Nghị quyết của Bộ Chính trị…, Tlđd, nt…
[7]. Nghị quyết của Bộ Chính trị…, Tlđd, nt…
[8]. Nghị quyết của Bộ Chính trị…, Tlđd, nt…

PGS. TS. Ngô Đình Xây - Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương