Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” khiến nhiều người dân sập bẫy

An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:00, 13/01/2025

Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” không còn là một chiêu trò mới, nhưng thủ thuật tinh vi của các đối tượng vẫn luôn thành công thao túng tâm lý người dân khiến họ sập bẫy, đặc biệt trong thời điểm Tết nguyên đán cận kề.
An toàn thông tin

Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” khiến nhiều người dân sập bẫy

TH 13/01/2025 15:00

Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” không còn là một chiêu trò mới, nhưng thủ thuật tinh vi của các đối tượng vẫn luôn thành công thao túng tâm lý người dân khiến họ sập bẫy, đặc biệt trong thời điểm Tết nguyên đán cận kề.

Rầm rộ trở lại chiêu lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” dịp cận Tết Nguyên đán

Mới đây, Cảnh sát hình sự tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận đơn trình báo của người đàn ông ở thành phố Cẩm Phả về việc bị lừa 1,7 tỷ đồng. Theo đó, đầu tháng 1/2025, ông nhận được lời mời làm cộng tác viên (CTV) online tại nhà với nhiệm vụ tăng tương tác cho một sàn thương mại điện tử. Tiền hoa hồng sẽ được trả hàng ngày.

Thấy công việc đơn giản, lại có thu nhập nên ông đã liên tục chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để thực hiện "nhiệm vụ mua hàng". Tuy nhiên, khi đã chuyển đến 1,7 tỷ đồng, ông không rút được tiền gốc và tiền hoa hồng.

attt2.jpg

Với thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo thường lập ra các Fanpage trên nền tảng Facebook với nội dung cung cấp dịch vụ hỗ trợ xây dựng gian hàng hoặc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Khi có người hỏi, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản Facebook ảo kết bạn, làm quen, rủ rê họ mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn làm các nhiệm vụ mua hàng để chiếm đoạt tài sản.

Nhà chức trách khẳng định, các sàn TMĐT như Shopee, Lazada hiện không có chương trình tuyển CTV cũng như làm nhiệm vụ để tăng tương tác cho sàn. Những lời mời gọi với nội dung tương tự đều là lừa đảo.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các lời hứa hẹn về thu nhập cao, việc làm dễ dàng không cần bằng cấp. Đồng thời thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai; thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cảnh giác trước các thông tin sai lệch về việc thu thuế TMĐT

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện hàng loạt các thông tin sai sự thật về việc “thu thuế TMĐT” gây hoang mang cho người dân.

Ngày 9/1, trên MXH xuất hiện mẫu thông báo có nội dung: "từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu giao dịch TMĐT. Cụ thể, tất cả các giao dịch có ghi nội dung mua - bán sẽ bị thu thuế 10% trên số tiền chuyển khoản".

attt3.jpg

Theo đó, những người kinh doanh TMĐT qua hình thức livestream và các nền tảng MXH như Facebook, TikTok, YouTube... thông báo cho người mua hàng khi thanh toán chuyển khoản chỉ ghi: Tên... chuyển khoản để xác nhận. Đồng thời, các cá nhân kinh doanh TMĐT còn lưu ý nếu người mua hàng thanh toán chuyển khoản ghi nội dung vi phạm quy định nói trên, bên bán hàng xin phép thu 10% tổng giá trị chuyển tiền để nộp vào cơ quan thuế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. HCM khẳng định các thông tin về giao dịch TMĐT sẽ bị thu thuế 10% lan truyền trên MXH là giả mạo.

Hiện, cơ quan Thuế đã có đủ dữ liệu của 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT, MXH. Trong năm 2024, toàn ngành thuế cũng kiểm tra, rà soát hơn 30.000 cá nhân kinh doanh TMĐT có dấu hiệu vi phạm, truy thu và xử phạt 1.223 tỷ đồng. Tổng cục Thuế nhấn mạnh, với hành vi gian lận thuế, trốn thuế bằng việc thông tin tuyên truyền không đúng gây hoang mang cho người dân, và yêu cầu người mua không ghi rõ nội dung chuyển tiền, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các bộ ngành để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng khẳng định thông tin "Từ ngày 1-1-2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về TMĐT là không chính xác theo quy định pháp luật thuế. Đồng thời cho biết, tất cả cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh TMĐT.

Cục ATTT khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên MXH; luôn theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Người dân cần cẩn trọng khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào trên MXH, thực hiện xác thực chính xác trước khi lan truyền để tránh gây hoang mang cho người dân dẫn đến những rủi ro về pháp luật.

Cảnh báo giả mạo nhân viên thu tiền điện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán.

Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực. Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.

Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.

attt1.jpg

Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.

Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào. Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ.

Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hoá đơn điện,... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác. Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, theo khuyến cáo của Cục ATTT, người dân cần tuyệt đối cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.

Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, người dân cần kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng; tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến. Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức.

Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời./.

TH