Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ: Sự hỗ trợ thiết thực cho các DN công nghệ cao
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:25, 14/01/2025
Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ: Sự hỗ trợ thiết thực cho các DN công nghệ cao
Việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và đổi mới sáng tạo… Và Việt Nam đang là quốc gia đang tạo ra nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để đảm bảo phát triển bền vững.
Đặc biệt hơn, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, chú trọng, coi đây là một thành phần quan trọng để thúc đẩy, phát triển nền kinh tế đất nước, chủ động, nâng vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thể hiện những quyết tâm, cam kết của Chính phủ
Cụ thể hơn cho cho mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều công cuộc cải cách về chính sách thu hút đầu tư, khơi thông dòng chảy vốn từ quốc tế vào Việt Nam, giúp nền kinh tế liên tục thay đổi diện mạo trong những thập kỷ qua.
Điều này càng thể hiện rõ hơn ở nhiều năng trước, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2019, đề ra mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2030 là 30 - 40 tỷ USD/năm. Và sau thời gian dài nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, ngày 31/12/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP (Nghị định 182) về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo ông Trần Anh Sơn, Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thuế và pháp lý, Nhóm Tư vấn ưu đãi đầu tư và đổi mới toàn cầu, Deloitte Việt Nam, việc ban hành Nghị định 182 được coi là sáng kiến chiến lược, nhấn
mạnh cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy chủ trương đầu tư thực chất, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao đổi mới sáng tạo, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên
tiến, đi vào danh sách những quốc gia ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp (DN) đại bàng.
Đặc biệt, việc hỗ trợ chi phí từ Quỹ hàng năm áp dụng cho 4 nhóm đối tượng: DN công nghệ cao; DN có dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao; DN có dự án ứng dụng công nghệ cao; DN có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Và các đối tượng được hỗ trợ được quy định danh mục cụ thể theo tỷ lệ % đối với từng loại chi phí, tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng. Và chính điều này yêu cầu DN phải nghiên cứu kỹ danh mục chi phí được hỗ trợ để xác định mức độ phù hợp với tình hình thực tế. Hơn nữa, danh mục này bao gồm các khoản chi phí như R&D, đào tạo nhân lực, đầu tư tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đầu tư công trình hạ tầng xã hội.
Khoản Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu chủ yếu dành cho các DN có trung tâm R&D trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Các điều kiện kèm theo bao gồm không có nợ thuế hoặc nợ ngân sách nhà nước (NSNN) quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ cũng như chứng minh được tác động tích cực của dự án đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Như vậy, thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Việt Nam đã mở rộng hệ thống ưu đãi, cụ thể là ưu đãi dựa trên chi phí (cost-based incentives) bên cạnh các chính sách ưu đãi truyền thống dựa trên lợi nhuận (profit-based incentives). Đây là sự thay đổi cần thiết nhằm mang lại sự linh hoạt, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong việc hỗ trợ các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trọng điểm.
DN hưởng lợi
Theo đó, Quỹ Hỗ trợ đầu tư mang lại một loạt lợi ích thiết thực cho các DN, đặc biệt là các DN đang hoạt động hoặc dự kiến đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Điều quan trọng là phần hỗ trợ mà DN nhận được sẽ không bị tính thuế thu nhập DN.
Đầu tiên, các DN có thể giảm bớt áp lực tài chính thông qua các hỗ trợ tỷ lệ cụ thể đối với chi phí hàng năm hoặc đầu tư ban đầu. Chẳng hạn, chi phí đào tạo và phát triển nhân lực có thể được hỗ trợ đến 50%, chi phí R&D lên đến 30%. Chi phí đầu tư tài sản cố định và sản xuất sản phẩm công nghệ cao cũng được hỗ trợ với mức tối đa lần lượt là 10% và 1%, trong khi các dự án đặc thù như bán dẫn hay AI có thể được hỗ trợ đến 3%. Các chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội được hỗ trợ tối đa 25%.
Đối với hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, mức hỗ trợ có thể đạt tối đa 50%. Điều này giúp các DN tập trung nguồn lực vào việc mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu công nghệ mới và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ này tạo điều kiện thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và AI. Các hỗ trợ về chi phí R&D và đào tạo nhân lực sẽ giúp DN tăng tốc độ triển khai dự án và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, DN đầu tư vào trung tâm NCPT được tạo điều kiện để xây dựng năng lực nghiên cứu nội tại, qua đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, sự hỗ trợ từ Quỹ không chỉ cải thiện hiệu quả kinh doanh mà còn nâng cao uy tín của DN trong mắt đối tác và khách hàng, tạo nền tảng thu hút thêm vốn đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Cuối cùng, các DN tham gia chính sách này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, từ đó tạo nên một môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, lâu dài.
Như vậy có thể nói, việc tiếp cận hỗ trợ từ Quỹ không chỉ đơn thuần là nộp hồ sơ mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến lược dài hạn. Và quan trọng hơn đây chính là một công cụ chính sách để thu hút đầu tư.
Và hơn nữa, ở góc nhìn khác đây chính là nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực chiến lược, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến lược hợp lý và sự hỗ trợ chuyên nghiệp, các DN có thể tận dụng tối đa những cơ hội từ chính sách này để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.